Quy mô dự án đầu tư từ nút giao Vành đai 2 TP.HCM (Km4+000) đến nút giao Vành đai 3 TP.HCM (Km8+770) với 8 làn xe theo quy hoạch. Đoạn từ nút giao Vành đai 3 TP.HCM (Km8+770) đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km25+920) với 10 làn xe theo quy hoạch.
Về hình thức đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là đơn vị huy động 100% vốn để thực hiện đầu tư Dự và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn.
Cùng đó, sử dụng ngân sách trung ương/ngân sách địa phương (TP.HCM, Đồng Nai) để thực hiện giải phóng mặt bằng và tách thành dự án độc lập theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án này khoảng 14.955 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), trong đó vốn chủ sở hữu 5.555 tỷ đồng (37%), vốn vay thương mại 9.400 tỷ đồng (63%). Tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư 2024 - 2025, thực hiện đầu tư 2025 - 2027.
Đề xuất cơ chế tài chính: cho phép khoanh và lùi trả gốc (3.988,76 tỷ đồng được Bộ Tài chính đã ứng trả trái phiếu cho VEC), lãi liên quan đến khoản trái phiếu công trình do Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022-2026 sang giai đoạn 2031 - 2034.
Về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để đề xuất giao VEC thực hiện đầu tư, Bộ GTVT căn cứ khoản 8, 18 Điều 3 Luật Đầu tư và điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 21/5/2020 của Chính phủ, Dự án thực hiện theo Luật Đầu tư và thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án là Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT có Quyết định số 334/QĐ-BGTVT ngày 13/02/2007 về việc phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó giao VEC làm chủ đầu tư dự án.
"Năm 2009 VEC đã khởi công giai đoạn 1 với 4 làn xe và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2016. Việc VEC thực hiện đầu tư Dự án là phù hợp với thực tiễn", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bộ GTVT lý giải các lý do giao VEC làm chủ đầu tư phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến cao tốc.
Cùng đó, tài sản đường cao tốc đang làm thủ tục giao cho VEC (thông qua hình thức tăng vốn điều lệ), không sử dụng vốn đầu tư công, giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện ngắn hơn các hình thức đầu tư khác (đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP).
Theo Bộ GTVT, nếu đầu tư theo hình thức khác sẽ phải xử lý xung đột lợi ích giữa chủ thể mới và VEC. Vì hiện nay VEC đang quản lý khai thác, bảo trì và thu phí để hoàn vốn vay ADB cho Dự án và hỗ trợ dòng tiền cho tổng thể 5 dự án đường cao tốc của VEC.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị VEC rà soát, đảm bảo tính đúng, tính đủ, tiết kiệm nhất có thể, đảm bảo các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đối với phương án đầu tư trong trường hợp VEC không đủ điều kiện thực hiện đầu tư Dự án thì theo dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) thì Thủ tướng Chính phủ có thể cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để giao cho doanh nghiệp nhà nước (VEC) đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Để phát huy được vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước là VEC, phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến cao tốc, là tiền đề cho VEC đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc do VEC quản lý, giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước, rút ngắn thời gian thực hiện, Bộ GTVT kính đề nghị Thường trực Chính phủ xem xét cho ý kiến phương án giao VEC đầu tư Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP. HCM - Long Thành. Việc khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ cho VEC sang giai đoạn 2031 - 2034.