Dân Việt

Hái loại quả đặc sản, thu về tiền tỷ nhưng vì sao dân một xã ở Nghệ An vẫn buồn và lo?

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình 03/12/2024 05:53 GMT+7
Những vườn cam ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năm nay, giá cam Vinh ở xã Đồng Thành cao hơn năm trước. Nhiều gia đình thu về tiền tỷ nhưng vẫn buồn và lo vì quả cam rụng nhiều, chín muộn hơn những năm trước. Vì thế người dân khá lo cho sức khỏe cây cam.

Quả đặc sản rụng nhiều không rõ lý do, dân thu tiền tỷ vẫn buồn và lo

Những ngày cuối tháng 11, các chủ vườn cam Vinh ở tỉnh Nghệ An đã bắt đầu thu hoạch. Năm nay, quả cam chín muộn hơn so với những năm trước. Vụ thu hoạch cam thường kéo dài 2 - 3 tháng. Dự kiến khoảng giữa tháng 12 quả cam sẽ chín đều để thu hoạch đại trà, kéo dài đến Tết Nguyên đán.

Vườn cam giúp ông Trương Văn Biên ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thu về tiền tỷ. Thực hiện: Cảnh Thắng - Nguyễn Tình

Năm nay, giá cam Vinh có "nhích" lên, dao động ở mức từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng. Nhiều gia đình ở xã Đồng Thành trồng cam Vinh có thể thu về tiền tỷ nhưng họ vẫn không vui. Bởi, năm nay, quả cam Vinh rụng nhiều sản lượng giảm hơn năm trước khoảng 20 - 30%. Không chỉ sản lượng giảm họ cũng chưa tìm ra nguyên nhân khiến quả cam rụng nhiều và chín muộn nên rất lo cho "sức khỏe" cây cam trong những năm vụ sau.

Dân xã này ở Nghệ An thu hoạch loại quả đặc sản, thu về tiền tỷ nhưng vì sao dân vẫn không vui - Ảnh 1.

Cam Vinh được trồng ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năm nay giá cam ở Đồng Thành cao hơn so với năm trước. Ảnh: N.T

Tỉ mỉ kiểm tra những chùm cam trĩu quả trên cây, ông Trương Văn Biên (trú xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cho biết, thời tiết năm nay tháng nào cũng có mưa nên khá thuận lợi cho cây cam phát triển. Tuy nhiên, sương muối lại xuất hiện nhiều khiến cam rụng hàng loạt thời điểm mới đậu quả và khi bắt đầu chín. Vì thế xảy ra hiện tượng cam rụng hàng loạt tại nhiều nhà vườn trong xã. "Tôi nghĩ khả năng cao là do sương muối nên dùng máy bơm phun nước lên để rửa cho cả vườn. Nhờ vậy, tỷ lệ cam rụng giảm rất nhiều so với nhiều vườn cam khác bên cạnh", ông Biên chia sẻ.

Dân xã này ở Nghệ An thu hoạch loại quả đặc sản, thu về tiền tỷ nhưng vì sao dân vẫn không vui - Ảnh 2.

Ông Trương Văn Biên ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An kiểm tra kỹ chất lượng từng quả cam trước khi thu hoạch. Ảnh: N.T

Gia đình ông Biên có hơn 2.400 gốc cam Xã Đoài lòng vàng 10 năm tuổi. Năm nay vườn cam của gia đình ông Biên dự kiến sẽ cho thu hoạch 50 tấn quả. Sản lượng cam năm nay của gia đình ông Biên giảm 20 tấn so với vụ cam năm ngoái. Với giá bán 35.000 - 45.000 đồng/kg như hiện tại, ông Biên dự tính vẫn có lãi hơn 1 tỉ đồng sau khi đã trừ các chi phí đầu tư.

Dân xã này ở Nghệ An thu hoạch loại quả đặc sản, thu về tiền tỷ nhưng vì sao dân vẫn không vui - Ảnh 3.

Năm nay, quả cam ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An rụng nhiều. Nhiều vườn, sản lượng cam giảm đến 30% so với năm trước. Ảnh: N.T

Ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành - cho biết, toàn xã có 128ha cam, trong đó có 70ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 1.000 tấn/năm. Những năm qua, một số chủ vườn cam đã chủ động dùng các loại chế phẩm sinh học, hoặc đầu tư làm màng lưới để xua đuổi sâu bọ, ruồi vàng thay cho các loại thuốc hóa chất. Nhờ vậy, thương hiệu cam Đồng Thành ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, tin dùng vào dịp tết.

Năm nay, nhiều vườn cam trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng rụng quả khá nhiều khiến sản lượng cam toàn xã có xu hướng giảm. "Nhiều vườn bị rụng quả tới 30%, cũng không rõ nguyên nhân nhưng có thể là do thời tiết" - ông Tuấn nói.

Dân xã này ở Nghệ An thu hoạch loại quả đặc sản, thu về tiền tỷ nhưng vì sao dân vẫn không vui - Ảnh 4.

Năm nay giá quả cam ở xã Đồng Thành cao hơn năm trước. Tuy nhiên, người dân vẫn lo lắng trước tình trạng quả cam rụng nhiều, chín muộn. Ảnh: N.T

Bí kíp của lão nông giúp đuổi các loài côn trùng gây hại cho quả cam

Đã có nhiều năm gắn bó với cây cam, ông Biên cũng hiểu rõ các đặc tính, quá trình phát triển của cây cam. Ông Biên chia sẻ: "Trồng cam không quá khó nhưng cần sát sao để kịp thời xử lý các tình huống bất thường. Cây cam khá mẫn cảm với thời tiết, côn trùng phá hoại".

Dân xã này ở Nghệ An thu hoạch loại quả đặc sản, thu về tiền tỷ nhưng vì sao dân vẫn không vui - Ảnh 5.

Nhiều nhà vườn ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã bắt đầu thu hoạch quả cam để bán. Ảnh: N.T

Để bảo vệ vườn cam, ông Biên đã kỳ công tìm cách khắc chế sâu bướm, ruồi vàng. Sâu bướm và ruồi vàng là những loài côn trùng gây hại khiến quả cam rụng nhiều. Ông Biên đã tạo ra hỗn hợp nước cá lên men để phun trong vườn cam nhằm xua đuổi những loài côn trùng này. Bên cạnh đó ông còn ủ riềng, gừng, tỏi… để làm chế phẩm sinh học phun trừ sâu, nhện đỏ… thay cho các hóa chất.

Dân xã này ở Nghệ An thu hoạch loại quả đặc sản, thu về tiền tỷ nhưng vì sao dân vẫn không vui - Ảnh 6.

Ông Trương Văn Biên ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bên thùng chế phẩm sinh học dùng để đuổi côn trùng gây hại, bảo vệ vườn cam. Ảnh: N.T

Với loại chế phẩm phòng ruồi vàng, ông Biên dùng cá đồng, mật, nước lã và chế phẩm EM ủ ít nhất 6 tháng. Mùi của loại nước này có mùi tanh rất khó chịu, vì thế có thể xua đuổi ruồi vàng. Hỗn hợp nước cá lên men cũng được ông Biên phun theo hình chữ thập hoặc theo vùng, chứ không phun lên toàn bộ vườn cam.

Dùng chế phẩm sinh học tự tạo để phòng trừ sâu bệnh trên cây cam giúp ông Biên tiết kiệm chi phí. Đồng thời, phương pháp này còn giúp vườn cam của ông Biên phát triển khỏe mạnh, sai quả và giảm mạnh tỉ lệ rụng quả.