Nhà báo Xích Lô - người đặc biệt
"Xích Lô" là bút danh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, người không chỉ gần gũi, thân thiện với bà con nông dân mà còn rất thích viết báo. Ở hầu hết các bài báo của mình ông đều ký bút danh Xích Lô - một bút danh bắt nguồn từ cách "chơi chữ" rất độc đáo của ông (Xích Lô là cách đọc chệch của "Six Lotus" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan là con thứ sáu trong gia đình, ông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất sen hồng Đồng Tháp).
Từ thời còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nổi danh với nhiều bài viết đăng trên các báo Trung ương và địa phương. Hầu hết các câu chuyện, bài viết của ông là về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Không chỉ tư duy nhạy bén, sắc sảo, nắm đúng và trúng vấn đề; các bài báo của ông còn thu hút độc giả nhờ văn phong giản dị, dễ hiểu, cách diễn đạt rất gần gũi với người nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng chia sẻ: Mỗi lần đặt bút viết, ông luôn đứng ở vị thế của người nông dân để có thể nắm bắt cảm xúc của họ, đồng thời sẽ đặt rất nhiều câu hỏi "tại sao?", mỗi câu hỏi tại sao là một đề tài. Cũng chính vì thế mà các bài viết của ông không chỉ thể hiện được tầm tư duy bao quát, rộng khắp mà còn đúc kết được những vấn đề cụ thể, sâu sắc từ thực tế, gần gũi, thấu hiểu tâm tư của người dân.
Điều dễ nhận thấy nhất trong hầu hết các bài viết của nhà báo Xích Lô chính là sự tử tế. Ông từng chia sẻ: "Tôi hay viết về sự tử tế. Viết về đạo đức con người mình tưởng như là không có tác dụng nhiều. Nhưng nói tới đạo đức thì nó vô giá. Tôi hay nói vui với người nông dân, ông có chịu chơi với người không tử tế trong xóm ông không? Mình phải tìm người tử tế để chơi chứ. Tử tế cụ thể làm cho sạch, chứ bán nông sản không sạch là mình không tử tế rồi. Vì vậy viết những câu chuyện để làm mềm hóa bài báo, đi vào tâm thức để người ta giật mình, tỉnh thức".
Ông cho rằng báo chí mà làm cho những người nông dân nặng lòng trong lúc họ thất bại thì lại càng tiêu cực, bi quan hơn. "Cảm xúc, năng lượng tạo ra năng lực. Năng lượng là nguồn lực con người trong xã hội. Báo chí khai mở được những năng lượng, nguồn lực đó thì sẽ thành công và ngược lại".
Cơ duyên đến với Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng rất tình cờ. Trong một lần gặp gỡ, nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Tổng biên tập Báo NTNN/Dân Việt, Trưởng ban Tổ chức đã "khoe" với Bộ trưởng về Giải báo chí và trân trọng mời Bộ trưởng tham gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao và hứa có thời gian sẽ viết bài tham dự giải. Không lâu sau đó, Bộ trưởng đã gửi ba bài viết trong loạt "Cái bắt tay với nông dân". Bài viết của Bộ trưởng được Hội đồng Chung khảo đánh giá cao và xem đây là nguồn cổ vũ tinh thần, tạo động lực rất lớn lao với các tác giả không chuyên cũng như với người nông dân.
Trong bài viết "Bắt tay để đi xa hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập về mối liên kết "4 nhà" và đặc biệt nhấn mạnh quan hệ giữa doanh nhân và nông dân bởi theo ông "nông dân đảm nhận khâu sản xuất, gọi là đầu vào; doanh nghiệp đảm nhận thu mua bảo quản, chế biến, phân phối, xuất khẩu, gọi là đầu ra. Đầu vào và đầu ra quan hệ mật thiết với nhau, cộng sinh với nhau, không liền lạc thì ngành hàng mong manh. Không có đầu vào thì không thể có đầu ra, có đầu vào mà thiếu đầu ra sẽ ùn ứ".
Mối quan hệ đó không chỉ là sự gắn kết bền chặt trong làm ăn mà lớn lao hơn còn thể hiện sự chân tình, tử tế để cùng nhau đi nhanh hơn, xa hơn. Bộ trưởng viết: "Bà con nông dân cần doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nhưng bà con cũng cần lắm những cái bắt tay chân tình của doanh nhân. Cái bắt tay như một lời cam kết đồng hành lâu dài. Cái bắt tay truyền thêm niềm tin sau một mùa vụ không như ý muốn do thiên tai, dịch bệnh. Cái bắt tay thể hiện lòng biết ơn và sự trả ơn với người nông dân".
Bài 2 của loạt bài có tựa đề "Khi tre già... măng mọc". Trong một lần thăm mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn tại Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, huyện Tân Yên (Bắc Giang), Bộ trưởng đã rất xúc động khi nghe câu chuyện về nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn - người tâm huyết đưa giống tre lục trúc về vùng đất này, làm nền tảng xây dựng nên những vườn măng trúc mang lại giá trị kinh tế cao như ngày hôm nay. Hay câu chuyện về cây cổ thụ sâm núi Dành 55 tuổi được rước từ vườn nhà cụ Riễn, thôn Sấu - xã Liên Chung đã tạo nên một hệ sinh thái của Hợp tác xã Sâm núi Dành - Đức Hạnh ngày nay... Từ những câu chuyện cảm xúc thực tế, Nhà báo Xích Lô đã khái quát vấn đề thành bài học biết ơn những thế hệ đi trước, về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Nhà báo viết: "Tre già măng mọc" là lời nhắc nhở của người xưa về quy luật của tạo hóa. "Những cây tre" đã tạo ra chừng ấy giá trị và đang tư duy để tạo ra giá trị cao hơn. "Những búp măng" nếu được gửi gắm niềm tin, được giao phó trọng trách, sẽ kế thừa, tiếp nối, tạo ra giá trị cao hơn nhiều lần nữa.
Bài viết thứ 3 có tựa đề: "Câu chuyện một chỗ trũng", ghi lại cảm xúc của Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau chuyến thị sát, thăm hỏi tình hình của ngư dân Quảng Ninh sau siêu bão YAGI, về một thiết chế cộng đồng đã vững vàng trước cơn bão mạnh.
"Sau những trận cuồng phong do siêu bão Yagi gây ra, rất mừng là bà con không bị thiệt hại về người và tài sản. Gương mặt những người của biển vẫn rắn rỏi, nụ cười vẫn ngời lên tinh thần hào sảng, lạc quan. Bà con cho rằng một phần nhờ dãy núi che chắn, quan trọng hơn là ngư dân đã cột chặt những chiếc tàu lại với nhau nên không bị va đập. Lấy hình tượng "những chiếc tàu được cột chặt" đã vượt qua giông bão, thì bà con mình cũng cần "tự cột chặt vào nhau" trở thành một cộng đồng của những người sống nhờ biển để có thể giàu từ biển. Bà con rất vui khi có một thiết chế cộng đồng ngay ở Cái Xà Cong này", Bộ trưởng viết.
Cuối bài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan - nhà báo Xích Lô nhận định: "Nghề cá đâu mãi chấp nhận những con tàu lay lắt trước muôn trùng sóng gió bủa vây. Ngư dân đâu mãi chấp nhận thu mình trong một cái chỗ trũng về hoạt động nghề nghiệp, trũng về tri thức. Nghề cá sẽ thay đổi khi bà con ngư dân thay đổi và được thay đổi, khi ấy cuộc sống của hàng triệu ngư dân không chỉ ấm no hơn mà còn hạnh phúc hơn".
Xin trân trọng mời độc giả đọc lại bài viết đã đoạt giải của tác giả Xích Lô:
Bài 1: Cái bắt tay với nông dân: Bắt tay để đi xa hơn
Bài 2: Cái bắt tay với nông dân: Khi tre già... măng mọc
Bải 3: Câu chuyện một chỗ trũng