Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trời sinh có biển có nguồn
Có ta có bạn, còn buồn nỗi chi?
Nói "một cái chỗ trũng" nghe có vẻ rườm rà, lượm thượm, nhưng đều có lý do. Đến thăm cảng Cái Xà Cong, phường Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh) trong cơn bão Yagi, nhiều suy nghĩ vấn vương mãi đến tận hôm nay. Suy nghĩ về một ngành nghề có lịch sử lâu đời, về số phận những con người đi biển hôm qua, hôm nay và ngày mai. Cuộc sống không bao giờ dừng lại, sau cơn mưa trời lại sáng, bùn dưới chân nhưng nắng vẫn trên đầu.
Quảng Ninh, đặc biệt là Hạ Long, có nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ "cái". Tra cứu thêm thông tin bắt gặp một dẫn giải: "cái" là nơi trũng, nơi đậu thuyền. Phải vậy chăng nên có thành ngữ "lạ nước lạ cái"?. Cái Xà Cong có thể hình dung là một vịnh nước cạn, được che chắn bởi những ngọn núi nhấp nhô giáp biển. Đây là nơi neo đậu, lên cá của hơn hai trăm tàu đánh bắt thuỷ sản ven bờ và là nơi tránh trú mỗi khi giông bão. Ngày trước, ngư dân đánh bắt thuỷ sản và bán cho các tàu du lịch trên vịnh. Những ngày bà con lênh đênh chìm nổi đã qua nhờ địa phương lập ra khu định cư để ngư dân có nơi đi về.
Sau những trận cuồng phong do siêu bão Yagi gây ra, rất mừng là bà con không bị thiệt hại về người và tài sản. Gương mặt những người của biển vẫn rắn rỏi, nụ cười vẫn ngời lên tinh thần hào sảng, lạc quan. Bà con cho rằng một phần nhờ dãy núi che chắn, quan trọng hơn là ngư dân đã cột chặt những chiếc tàu lại với nhau nên không bị va đập. Lấy hình tượng "những chiếc tàu được cột chặt" đã vượt qua giông bão, thì bà con mình cũng cần "tự cột chặt vào nhau" trở thành một cộng đồng của những người sống nhờ biển để có thể giàu từ biển. Bà con rất vui khi có một thiết chế cộng đồng ngay ở Cái Xà Cong này.
Trong bất kỳ thời kỳ nào, sự vận động của xã hội luôn nhanh nhạy, năng động, muôn màu, khó có thể quản lý một chiều bằng mệnh lệnh hành chính từ trên xuống dưới, từ bên trong hệ thống ra ngoài cuộc sống. Bộ máy quản lý thường "động", luôn có sự dịch chuyển, trong khi cộng đồng luôn ổn định, có chăng là thế hệ này nối tiếp thế hệ sau. Con người đâu chỉ có nhu cầu ăn ở, mà còn bao nhu cầu khác: hoạt động nghề nghiệp, mối quan hệ xã hội, hưởng thụ văn hoá, đời sống tinh thần, được hoà nhập vào sự phát triển chung.
Lãnh đạo địa phương chủ trương xây dựng Cái Xà Cong trở thành một cảng cá tích hợp đa chức năng. Theo ý tưởng quy hoạch, bên này là nơi tàu cập bến, bên kia là khu dịch vụ hậu cần, chỗ nọ là không gian du lịch trải nghiệm. Bà con rất hào hứng đón chờ chủ trương đó sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, luồng lạch cạn gây khó khăn cho tàu ra vào, có khi phải neo tàu rất lâu chờ triều lên mới vào được. Ngoài ra, bà con còn quan tâm chi phí mỗi chuyến ra biển, doanh nghiệp thu mua ổn định với mức giá hợp lý.
Cái Xa Cong hiện nay không lớn so với những bến cảng khác, chỉ dành cho những con tàu thân ngắn, vỏ gỗ chủ yếu câu giăng gần bờ. Hôm nay là vậy, nhưng mai nơi đây sẽ có một bến cảng hiện đại như giấc mơ của bao người, bao đời. Những con tàu sẽ vững chãi, đảm bão an toàn trước sóng gió. Cơ sở vật chất sẽ được đầu tư tương xứng với chiến lược kinh tế biển. Những chiếc băng tải thay cho gồng gánh bằng sức người. Khu bảo quản sơ chế tự động hoá tạo giá trị gia tăng cao. Không gian du khách trải nghiệm đời sống của biển, văn hoá của người đi biển, thưởng thức những sản vật do chính bà con đánh bắt và chế biển.
Bến cảng hiện đại về cơ sở vật chất thôi chưa đủ mà cần tư duy về tầm quan trọng của thiết chế "Cộng đồng đồng quản lý". Cộng đồng mạnh là điều kiện cho các nghiệp đoàn, cơ quan thuỷ sản, kiểm ngư, các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội tiếp cận, gần gũi với bà con ngư dân. Cộng đồng mạnh là điều kiện bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, không còn rác thải nhựa để môi trường biển xanh hơn, sạch hơn. Cộng đồng mạnh là điều kiện chuyển từ ngành thuỷ sản truyền thống hướng tới hiện đại có sự tham gia của đại diện bà con ngư dân với vai trò chủ thể. Đầu tư hiện đại hoá ngành thuỷ sản là cần thiết, nhưng đầu tư cho con người và cộng đồng sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bất kỳ nghề nghiệp nào đều cao quý vì mang lại cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn. Hoạt động nghề nghiệp đâu chỉ duy nhất một mục đích mưu sinh kiếm sống, mặc dù điều đó là quan trọng. Con người còn mong muốn được xã hội ghi nhận và tôn trọng, được gắn bó với những người cùng ngành nghề. Mỗi khu cảng mới cần có một không gian cộng đồng, nơi bà con sinh hoạt cùng nhau, học tập cùng nhau, nơi lãnh đạo đến thăm hỏi và lắng nghe bà con sau mỗi chuyến ra biển trở về. Những tư liệu lịch sử về những bước chân đầu tiên của bậc tiền hiền khai mở vùng đất trũng này là vốn quý, giáo dục thế hệ mai sau trân quý hơn, tự hào hơn về công sức của bao thế hệ vươn mình ra biển khơi.
Trong một thế giới thay đổi, nghề nghiệp, trong đó nghề cá cũng phải thay đổi. Muốn thay đổi phải học hỏi để làm giàu trí tuệ, để biết có những điều mới mẻ hơn, những cách làm khác hơn. Không học hỏi sẽ mãi quanh quẩn những điều đã biết, cách làm như hiện nay. Hấp thu kiến thức giúp tạo ra không gian giá trị mới thay vì chỉ chăm bẵm vào giá trị hiện có. Thành thục kỹ năng giúp tăng năng suất lao động, ứng phó với rủi ro, hiểm nguy. Hình thành thái độ yêu biển, yêu thiên nhiên giúp bà con yêu nghề, sống hết mình với nghề, ngay cả những lúc khó khăn nhất, sóng gió nhất.
Nghề cá đâu mãi chấp nhận những con tàu lay lắt trước muôn trùng sóng gió bủa vây. Ngư dân đâu mãi chấp nhận thu mình trong một cái chỗ trũng về hoạt động nghề nghiệp, trũng về tri thức. Nghề cá sẽ thay đổi khi bà con ngư dân thay đổi và được thay đổi, khi ấy cuộc sống của hàng triệu ngư dân không chỉ ấm no hơn mà còn hạnh phúc hơn.
Tạm biệt bà con ra về nhớ mãi sinh cảnh hữu tình, những con người đôn hậu, đầy ý chí. Mong có dịp được trở lại Cái Xà Cong để thêm một lần được yêu biển, yêu những con người cả một đời sống tựa biển khơi!
.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.