Cái bắt tay với nông dân: Bắt tay để đi xa hơn (Bài 1)
Cái bắt tay với nông dân: Bắt tay để đi xa hơn (Bài 1)
Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Thứ hai, ngày 16/09/2024 14:02 PM (GMT+7)
Không còn thời của những mối làm ăn riêng lẻ, nông dân thời nay cũng cần bắt tay với nhau, bắt tay với nhà khoa học, với doanh nghiệp để nâng tầm sản phẩm; bắt tay với nhau để vượt qua những khắc nghiệt của thiên tai, bão lũ.
Nghe nói bắt tay xã giao có lịch sử hàng ngàn năm. Gặp nhau, nắm bàn tay nhau, chuyển động nhẹ là coi như bắt tay xong. Nhưng bắt tay cũng cần có kỹ năng: đứng cách nhau một bước chân, phần thân hơi nghiêng về phía trước, hai chân đứng thẳng...
Cái "bắt tay 4 nhà"
Đúng như ông bà mình nhắc nhở, cái gì cũng phải học: "Học ăn học nói, học gói học mở", giờ lại học cách bắt tay. Tay bắt thì mặt mừng, mà cũng có khi vô tình bị quở trách gượng gạo, thiếu nhiệt tình.
Gần đây trên một diễn đàn, một doanh nhân tâm huyết cho rằng muốn phát triển nông nghiệp bền vững cần có cái "bắt tay 4 nhà": nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, nhà nước.
Bài này chỉ bàn về câu chuyện bắt tay giữa doanh nhân và nông dân. Bắt tay giữa nhà này nhà kia trong 4 nhà xin hẹn một bài khác, hoặc ai đó có cảm xúc thì cũng nên chấp bút để truyền cảm hứng cho nhau. Mỗi người đều có sẵn tố chất viết văn, viết báo trong người mà.
Trong ngành hàng nông sản, trừ chuỗi khép kín của doanh nghiệp, nông dân đảm nhận khâu sản xuất, gọi là đầu vào; doanh nghiệp đảm nhận thu mua bảo quản, chế biến, phân phối, xuất khẩu, gọi là đầu ra. Đầu vào và đầu ra quan hệ mật thiết với nhau, cộng sinh với nhau, không liền lạc thì ngành hàng mong manh. Không có đầu vào thì không thể có đầu ra, có đầu vào mà thiếu đầu ra sẽ ùn ứ. Vậy là hai đầu cần bắt tay nhau, nhưng ai là người chủ động đưa tay ra trước? Một doanh nhân khẳng định, đó phải là doanh nhân!
Trong ngành hàng nông sản, trừ chuỗi khép kín của doanh nghiệp, nông dân đảm nhận khâu sản xuất, gọi là đầu vào; doanh nghiệp đảm nhận thu mua bảo quản, chế biến, phân phối, xuất khẩu, gọi là đầu ra. Đầu vào và đầu ra quan hệ mật thiết với nhau, cộng sinh với nhau, không liền lạc thì ngành hàng mong manh. Không có đầu vào thì không thể có đầu ra, có đầu vào mà thiếu đầu ra sẽ ùn ứ. Vậy là hai đầu cần bắt tay nhau, nhưng ai là người chủ động đưa tay ra trước? Một doanh nhân khẳng định, đó phải là doanh nhân!
Một vị giáo sư đáng kính đúc rút: một đất nước mà từng nhóm người ngồi riêng rẽ với nhau sẽ chậm phát triển. Trong xã hội, thường thì người giàu hay tìm đến người giàu, người nghèo tìm đến người nghèo; người già quây quần với người già, người trẻ chơi với người trẻ; giới tinh hoa toạ đàm cùng giới tinh hoa; người bình dân tụ họp với người bình dân. Tương tự như vậy, doanh nhân ngồi riêng trong diễn đàn bàn chuyện thương vụ, nông dân đứng bên cánh đồng bàn riêng chuyện mùa vụ.
Khi mỗi người, mỗi tầng lớp, mỗi một không gian riêng thì không thấu hiểu nhau, khó bắt tay nhau để đi xa. Hàng ngày trên truyền thông đưa tin nơi này nơi kia, hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân bị đổ vỡ. Khi thì là doanh nghiệp bội tín, chấp nhận bỏ kèo, không thu mua khi giá xuống. Khi thì nông dân phản kèo, trả cọc, không bán khi giá lên. Cái vòng lẩn quẩn như điệp khúc tuy gần đây có tiến bộ hơn nhưng mùa nào cũng có. "Tại anh tại ả hay tại cả đôi bên?". Ngẫm nghĩ thấy đắng lòng!
Đến thăm một doanh nghiệp chế biến lúa gạo ở một xứ sở không xa đất nước mình để lại nhiều suy ngẫm. Ông chủ doanh nghiệp tâm sự, ngày tết cổ truyền, những người đến thăm đầu tiên là những người trồng lúa cung cấp nguyên liệu cho nhà máy này. Ông còn bày tỏ: "nhờ có những nông dân đó mà tôi có cơ ngơi như ngày hôm nay, nên tôi biết ơn họ!". À thì ra, triết lý kinh doanh của ông chủ này không phải là "mua may bán đắt" mà là lòng biết ơn và sự trả ơn!
Bà con nông dân cần doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nhưng bà con cũng cần lắm những cái bắt tay chân tình của doanh nhân.
Bắt tay nhau để đi xa hơn, đi nhanh hơn!
Nhiều doanh nhân chia sẻ những khó khăn khi làm ăn với nông dân. Nào là vặn vẹo đủ điều, kỳ kèo bớt một thêm hai. Nào là chất lượng không như cam kết, có khi cam kết thậm chí bằng giấy tờ hẳn hoi, nhưng khi giá lên thì bán cho mối lái khác. Tất cả mong muốn cần có bàn tay của "nhà nước" với những biện pháp chế tài đủ mạnh. Tất cả phải chăng là do tư duy kinh doanh "thuận mua, vừa bán", gây khó cho cả đôi bên, hay "tại cả đôi bên"?
Tư duy mua bán theo cách "hàng đổi hàng", rồi "hàng đổi tiền", "tiền đổi hàng" đã có trong các lý thuyết kinh tế học cổ điển vài trăm năm qua. Lý thuyết quản trị kinh doanh hiện đại có những cách tiếp cận phi kinh tế như: văn hoá, niềm tin, tư duy cộng đồng…
Doanh nhân, mặc dù đương đầu với bao sóng gió thương trường, cũng lao tâm khổ tứ, nhưng chắc vẫn có nhiều điều kiện hơn người nông dân. Hiểu biết nhiều hơn do được đi đây đi đó. Đời sống phần nào cũng khá giả hơn, nhờ năng động hơn, ngoài ngành nghề chính còn có thể có cơ hội khác. Bà con nông dân thì chỉ quanh quẩn bấy nhiêu ruộng vườn đó, mảnh rừng đó, chuồng trại đó, ao chuồng, lồng bè đó. Tất cả trông chờ vào mỗi mùa vụ, mỗi chu kỳ nuôi trồng. Đôi khi "đồng tiền liền khúc ruột", chỉ tính cái trước mắt mà chưa nghĩ đến lâu dài.
Bà con nông dân cần doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nhưng bà con cũng cần lắm những cái bắt tay chân tình của doanh nhân. Cái bắt tay như một lời cam kết đồng hành lâu dài. Cái bắt tay truyền thêm niềm tin sau một mùa vụ không như ý muốn do thiên tai, dịch bệnh. Cái bắt tay thể hiện lòng biết ơn và sự trả ơn với người nông dân. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người thường viết về nông dân nông thôn, tự nhắc nhở mình, mà cũng có lẽ nhắc nhở chung: "Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn".
Doanh nhân đang tạo dựng văn hoá doanh nghiệp. Suy cho cùng, văn hoá phụ thuộc vào cách tạo dựng các mối quan hệ. Những chuyến về quê thăm hỏi bà con, với món quà nhỏ nhưng tấm lòng lớn, sẽ tạo tình thân đôi bên. Đã gọi nhau là bà con thì hãy đối đãi như người bà con, chứ không chỉ ứng xử như đối tác theo hợp đồng. Bên cạnh cắt cử nhân viên đến thu mua, doanh nhân ra tận đồng ruộng, tay bắt mặt mừng với người nông dân sẽ tạo niềm hạnh phúc cho cả đôi bên. Tổ chức cho bà con đến thăm nhà máy, chia sẻ cách tạo ra giá trị gia tăng, sẽ tăng niềm tự hào cho cả đôi bên.
Hiệp hội ngành hàng đâu chỉ là không gian riêng dành cho doanh nhân, chủ doanh nghiệp. Những sự kiện họp mặt có sự hiện diện của những nông dân, đối tác cung cấp nguyên liệu, là dịp đôi bên hiểu nhau, chia sẻ ngọt bùi với nhau, cùng nhau "bắt tay" đi xa. Ăn cùng nhau một bữa cơm, dự cùng nhau một buổi liên hoan sẽ tạo ra sự gắn kết. Chỉ khi đến với nhau bằng trái tim mới liên kết bền vững, mà "Con đường ngắn nhất chạm đến trái tim là đi qua dạ dày!".
Một nhà văn nổi tiếng nhận xét: "Có những bàn tay tôi từng tiếp xúc có cảm giác hai người cách xa hàng dặm. Nhưng cũng có những cái bắt tay tràn đầy ánh sáng, cái bắt tay của họ lưu lại cho bạn cảm giác cực kỳ ấm áp".
Nào, hãy cùng bắt tay nhau để đi xa hơn, đi nhanh hơn!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.