Dân Việt

Nuôi lợn không xả thải ở nhiều tỉnh của Việt Nam, hễ bán một con lời 1,5 triệu đồng

Trần Hòe 03/12/2024 13:14 GMT+7
Nhiều mô hình chăn lợn hữu cơ, an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao được giới thiệu tại chương trình tọa đàm “Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học góp phần phát triển chăn nuôi bền vững” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 3/12 tại TP.Huế.

Nhân rộng chăn nuôi lợn không bị dịch bệnh, lợi nhuận cao

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cơ quan này đã và đang triển khai một số hoạt động trong chăn lợn hữu cơ, an toàn sinh học nhằm giúp các địa phương nhân rộng mô hình để chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả. 

Các mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ được triển khai trên địa bàn 6 tỉnh, gồm Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, quy mô 5.600 lợn thịt. 

Ấn tượng mô hình chăn nuôi lợn không xả thải, không dịch bệnh, lợi nhuận đến 1,5 triệu đồng/con- Ảnh 1.

Tọa đàm “Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học góp phần phát triển chăn nuôi bền vững” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 3/12 tại TP.Huế. Ảnh: T.H.

Mô hình áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017 - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ. Con giống được kiểm soát và có thời gian chuyển đổi ít nhất là 4 tháng. 

Thức ăn được bổ sung chế phẩm sinh học, sử dụng các nguyên liệu sản xuất tại địa phương. Nước uống cũng được kiểm soát đảm bảo chất lượng và cũng được bổ sung định kỳ chế phẩm sinh học. Chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để hơn làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Các hộ tham gia mô hình đã đạt 70% tiêu chí theo yêu cầu tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017. Mô hình được triển khai có hiệu quả cao, đặc biệt trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Tất cả các hộ tham gia dự án đều an toàn, đàn lợn của các mô hình có sức đề kháng tốt nên không bị nhiễm bệnh trong khi đàn lợn của các hộ xung quanh bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi với tỷ lệ cao.

Tỷ lệ nuôi sống 100%, xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, tiết kiệm được 1.387 lít nước/con, chất lượng thịt thơm ngon. Giá bán thịt lợn hữu cơ cao hơn so với thịt lợn chăn nuôi thông thường 25-30% tùy từng thời điểm, đồng thời môi trường chăn nuôi được cải thiện rõ rệt.

Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tăng cường các biện pháp an toàn sinh học được triển khai trên các tỉnh Hải Dương, Đồng Nai và Sóc Trăng. Các hộ tham gia mô hình được các cán bộ chỉ đạo kỹ thuật là cán bộ khuyến nông, cán bộ tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn về kỹ thật chăn nuôi an toàn sinh học ngắn gọc và dễ hiểu với 3 nguyên tắc chính: Cách ly, vệ sinh và khử trùng.

Ấn tượng mô hình chăn nuôi lợn không xả thải, không dịch bệnh, lợi nhuận đến 1,5 triệu đồng/con- Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.H.

Kết quả, trong điều kiện diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, 100% đàn lợn của mô hình không bị mắc bệnh. Năng suất sinh sản tăng, số con cai sữa /nái/ổ từ 12-12,3 con trong mô hình so với 11,2-11,4 ngoài mô hình tăng 0,8-0,9 con. 

So sánh với hộ nuôi ngoài mô hình thì hiệu quả chăn nuôi theo mô hình này cao hơn từ 14,61-17,79%. Các địa phương triển khai mô hình được cung cấp lợn giống chất lượng, an toàn dịch bệnh.

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học hợp tác với FAO triển khai năm 2023 tại tỉnh Thái Nguyên. Dự án đã cử chuyên gia của FAO và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xuống trực tiếp các hộ để tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học theo phương thức cầm tay chỉ việc. Từng hộ được đánh giá về mức độ đáp ứng với chăn nuôi an toàn sinh học tồn tại và thiếu sót, sau đó xây dựng bản kế hoạch khắc phục cụ thể và cam kết thực hiện.

Ấn tượng mô hình chăn nuôi lợn không xả thải, không dịch bệnh, lợi nhuận đến 1,5 triệu đồng/con- Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ, tuần hoàn theo chuỗi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: CTV.

Kết quả các hộ tham gia mô hình có chuyển biến rõ rệt về nhận thức chăn nuôi an toàn sinh học và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đề ra. 

Năm 2023, tại hai tỉnh Hà Nam và Thái nguyên bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn nhưng 100% hộ tham gia mô hình an toàn với dich tả lợn châu Phi. 

Tỷ lệ mắc các bệnh thông thường cũng giảm đáng kể, do đó lượng kháng sinh sử dụng để phòng và trị bệnh giảm từ 10-30% so với trước khi xây dựng mô hình. Năng suất dược nâng cao, số lợn con cai sữa /lứa/nái tăng từ 1-2 con, hiệu quả kinh tế tăng 15,4%.

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu được triển khai trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa -Vũng Tàu, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. 

Đã có 21 nhóm/tổ hợp tác liên kết chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh được xây dựng tại các địa phương này. Kết quả đã có 43 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn và bệnh lở mồm long móng được công nhận.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 2.257 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 59 tỉnh. Trong đó số cơ sở do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ triển khai công nhận 188 cơ sở chiếm 8,3% tổng số cơ sở được công nhận trên cả nước.

Nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ, tuần hoàn theo chuỗi đạt lợi nhuận từ 880.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/con

Tại chương trình tọa đàm, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đã giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ, tuần hoàn theo chuỗi của doanh nghiệp này.

Năm 2022-2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đã cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia và nhiều địa phương triển khai mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ với trên 30.000 đầu lợn. Mô hình chăn nuôi lợn này không xả thải ra môi trường, không mùi hôi, chất lượng thịt cao, không kháng sinh, chất cấm.

Mô hình vượt qua được các loại dịch bệnh, kể cả dịch tả lợn Châu Phi và thu được nguồn phân từ đệm lót sinh học trong chăn nuôi phục vụ trồng trọt. Tăng trọng bình quân/tháng của lợn nuôi theo mô hình là 19 -21,5 kg/con nhưng tiêu tốn ít thức ăn (giảm được từ 10-12% thức ăn so với chăn nuôi truyền thống).

Ấn tượng mô hình chăn nuôi lợn không xả thải, không dịch bệnh, lợi nhuận đến 1,5 triệu đồng/con- Ảnh 4.

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ, tuần hoàn theo chuỗi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cho lợi nhuận từ 880.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/con. Ảnh: CTV.

Lợi nhuận bình quân của lợn nuôi theo mô hình đạt từ 880.000 đồng đến 1.500.000 đồng/con, trong khi nuôi theo các phương pháp khác chỉ thu được 500.000 đồng đến 700.000 đồng/con, có lúc chỉ 300.000 đồng và thậm chí không có lãi.

Lợn nuôi theo mô hình này không sử dụng kháng sinh nên giảm được 50.000 đồng/con so với cách nuôi phổ biến hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ men vi sinh làm ra theo 5 không (không biến đổi gen, chất tạo nạc, không kháng sinh, tạo màu, không kim loại nặng, không chất bảo quản và tăng trọng) nên thịt lợn sạch ngon, an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng, giá thu mua và giá bán tăng từ 20-30%.

Lợn nuôi không tắm rửa, dội chuồng hàng ngày, không có nước thải nên tiết kiệm khoảng 80% lượng nước và tiết kiệm chi phí nhân công, điện. Mô hình tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường, không mùi hôi, tận dụng được toàn bộ phân, nước tiểu lợn làm phân hữu cơ bón cho cây trồng...