Kiến trúc Điện Kính thiên thời Lê Sơ-nghiên cứu, giải mã hình thái

Thứ ba, ngày 03/12/2024 20:02 PM (GMT+7)
Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện cổ trong Hoàng cung Thăng Long nói chung, điện Kính Thiên nói riêng vốn là vấn đề vô cùng khó – Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học, do thiếu hụt các nguồn tư liệu.
Bình luận 0

Trong nhiều năm qua, dựa vào các nguồn tư liệu khảo cổ học, sử học và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh thành, do PGS.TS. Bùi Minh Trí làm Chủ nhiệm, đã nghiên cứu giải mã và phục dựng thành công hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, thời Trần (năm 2016-2020) và gần đây là điện Kính Thiên (2020-2021). 

Tuy mới là kết quả nghiên cứu ban đầu, nhưng đã đưa lại những hình ảnh khá thuyết phục – Bởi nó được dựa trên nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp chúng ta có thể hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Hoàng cung Thăng Long xưa với những nét tương đồng và khác biệt đặc sắc của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 1.

Hình ảnh điện Long Thiên thời Nguyễn xây dựng trên nền điện Kính Thiên thời Lê sơ do người pháp chụp năm 1886 (Nguồn: EFEO)

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 2.

Thềm bậc đá điện Kính Thiên, thời Lê sơ, trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nayNguồn: Bùi Minh Trí

Phần thứ nhất: Cấu kiện gỗ và hình thái bộ khung giá đỡ mái điện kính thiên

Mở đầu

Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Tòa điện này được vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428 sau khi đánh thắng quân Minh (1407-1427), lên ngôi hoàng đế và tái thiết xây dựng lại Kinh đô Thăng Long. 

Theo chính sử, tòa điện đã được sửa chữa, xây dựng lại vào các năm 1465, 1467 và được sử dụng rất lâu dài qua 3 triều đại: Triều Lê sơ (1428-1527) triều Mạc (1527-1593) và triều Lê Trung hưng (1593-1789) (Đại Việt sử ký tòan thư, 2011). 

Trải qua hơn 388 năm tồn tại, điện Kính Thiên đã bị phá hủy hoàn tòan vào năm 1816 khi nhà Nguyễn (1802-1945) xây dựng Hành cung mới tại khu vực của tòa chính điện này (xem Hình 1). Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên chỉ còn lại duy nhất là thềm bậc đá chạm rồng ở trung tâm Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) ngày nay (xem Hình 2). 

Tất cả các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, chùa, đình trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Do đã bị phá hủy từ lâu và không có tư liệu lịch sử hay hình ảnh, bản vẽ nào mô tả về kiến trúc của tòa chính điện, nên hôm nay chúng ta không thể biết diện mạo, quy mô và hình thái kiến trúc điện Kính Thiên như thế nào. 

Và cũng theo đó, việc nghiên cứu phục dựng tòa chính điện Kính Thiên có vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử của Kinh đô Thăng Long càng trở nên vô cùng khó khăn bởi do thiếu hụt các nguồn tư liệu.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 3.

Dấu tích kiến trúc móng trụ thời Lê sơ ở phía Đông điện Kính Thiên (Nguồn: Bùi Minh Trí)

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 4.

Chân tảng đá kê cột thời Lê sơ tìm thấy tại Hoàng Thành Thăng Long(Nguồn: Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc).

Để có cơ sở khoa học trong việc nghiên cứu tổng thể không gian điện Kính Thiên, đặc biệt là nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, từ năm 2011 cho đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh khu vực điện Kính Thiên. 

Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học trong 10 năm qua đã đưa ra ánh sáng nhiều phát hiện mới rất có giá trị, cung cấp thêm nhiều bằng chứng khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu giải mã về không gian điện Kính Thiên và hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện trong Cấm thành Thăng Long (Tống Trung Tín, 2022).

Sử sách và các tư liệu thành văn ghi chép về việc xây dựng kiến trúc cung điện của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ dường như cực kỳ hiếm hoi và không rõ ràng. Do đó, nguồn tư liệu khảo cổ học nêu trên được đánh giá là quan trọng nhất và là cơ sở khoa học tin cậy nhất trong việc nghiên cứu giải mã về kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ. 

Dưới ánh sáng của các nguồn tư liệu này, kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long đang từng bước được hồi sinh với khoa học, qua những nghiên cứu học thuật nhằm hướng tới giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 5.

Kiến trúc đấu củng ở Bắc Việt Nam – 1: Chùa Búi Kê (Hà Nội); 2: Chùa Keo (Thái Bình); 3: Đình Tây Đằng (Hà Nội)(Nguồn: Viện Bảo tồn di tích, 2017 (1,2) ; Viện Nghiên cứu Kinh Thành(3).

Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc – Tức là nghiên cứu giải mã về phong cách kiến trúc. Và phương pháp tiếp cận mang tính nền tảng đối với trường hợp điện Kính Thiên là nghiên cứu phân tích các nguồn tư liệu khảo cổ học đào được tại di tích, kết hợp với tư liệu sử học và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc truyền thống hiện còn và kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á. 

Trong phương pháp nghiên cứu này, điều quan trọng hàng đầu là phải nghiên cứu giải tích về mặt bằng nền móng, về bộ khung giá đỡ mái và bộ mái của công trình. Hay nói cách khác là phải nghiên cứu giải mã về loại hình kiến trúc và kết cấu của bộ khung kiến trúc, dựa trên nghiên cứu kết cấu nền móng (hay mặt bằng kiến trúc) và các loại vật liệu, các loại cấu kiện gỗ liên quan đến kiến trúc, trên cơ sở đó mới có thể có được những hiểu biết về đặc trưng hay phong cách kiến trúc.

Dựa trên tư liệu hình vẽ, mô hình và kết quả nghiên cứu phân tích loại hình, chức năng các loại cấu kiện gỗ, các loại ngói lợp mái đào được tại di tích, kết hợp nghiên cứu so sánh với kiến trúc truyền thống hiện còn ở Bắc Việt Nam ngày nay và kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nhất là kiến trúc cung điện thời Minh sơ qua tư liệu Doanh tạo pháp thức và qua khảo cứu thực tế tại các di tích cung điện cổ ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokung (Hàn Quốc) và Nara (Heijo – Nhật Bản),… bài viết này sẽ bước đầu công bố kết quả nghiên cứu giải mã và phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ qua trường hợp điện Kính Thiên. Đây cũng là cơ sở cho định hướng nghiên cứu học thuật mang tính quốc tế về lịch sử kiến trúc cung điện Việt Nam trong bối cảnh lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 6.

Hình ảnh kiến trúc đấu củng có 2 tầng mái vẽ trên đồ gốm Việt Nam xuất khẩu, thời Lê sơ, thế kỷ 15 (Nguồn: Bùi Minh Trí)

1. Cấu kiện gỗ và giải tích về hệ khung giá đỡ mái

Hoàng thành Thăng Long là khu di tích khảo cổ học nổi tiếng của Việt Nam, nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Khu di tích này được khai quật với quy mô lớn vào các năm 2002-2004, 2008-2009, 2012-2014 bao gồm các địa điểm: 18 Hoàng Diệu, Khu vực xây dựng Nhà Quốc hội, 62-64 Trần Phú. Kết quả khai quật đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc gỗ cùng nhiều loại hình di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau rất phức tạp, từ thời Đại La, thời Đinh – Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng (từ thế kỷ 7-9 đến thế kỷ 17-18). 

Đây là những phát hiện rất quan trọng, minh chứng sinh động lịch sử tồn tại liên tiếp, lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua hơn một ngàn năm lịch sử (Bùi Minh Trí – Tống Trung Tín, 2010; Bùi Minh Trí, 2016). Từ phát hiện quan trọng của khảo cổ học, năm 2010, khu di tích đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 7.

Các loại bình áng và đầu gỗ thời Lê sơ tìm thấy tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Nguồn: Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc )

Các phát hiện của khảo cổ học dưới lòng đất cho biết chắc chắn rằng, kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều là kiến trúc gỗ, có bộ khung chịu lực bằng gỗ, và bộ mái của công trình đều được lợp bằng các loại ngói rất đặc trưng (Bùi Minh Trí – Tống Trung Tín, 2010; Bùi Minh Trí, 2016).

Tại di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực điện Kính Thiên, bên cạnh các dấu tích nền móng kiến trúc thời Lê sơ được gia cố vững chắc bằng gạch và ngói vỡ, các cuộc khai quật đã tìm thấy khá nhiều chân tảng đá kê cột gỗ của công trình (xem Hình 3-4). 

Các chân tảng đá này tuy có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng đều được làm từ đá vôi màu trắng đục và có hình dáng khá thống nhất. Đó là loại chân tảng không trang trí hoa văn, đế có khối hình vuông, thân tạo khối tròn hình thang, nhô cao hơn mặt hình vuông trung bình khoảng từ 5-8cm, mặt tạo phẳng. Dựa vào đặc điểm này có thể biết rằng, đây là loại chân tảng kê đỡ các cột gỗ tròn. 

Hay nói cách khác, cột gỗ của các công trình kiến trúc cung điện thời Lê sơ đều phổ biến là loại cột tròn. Chân tảng ở đây có nhiều kích thước to nhỏ khác nhau, loại nhỏ có đường kính mặt từ 38-48cm, loại lớn có đường kính mặt từ 50-60cm, ngoài ra còn có loại lớn hơn có đường kính mặt trên 70cm, nhưng rất hiếm. 

Dựa vào kích thước này có thể suy đoán rằng, loại chân tảng nhỏ dùng kê đỡ chân cột ở hàng hiên và cột hiên có đường kính trung bình khoảng từ 36-46cm; loại lớn dùng kê các cột gỗ ở trong lòng nhà hay còn gọi là cột cái và các cột này có đường kính trung bình khoảng từ 48-58cm.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 8.

Nghiên cứu phục dựng kết cấu đấu củng thời Lê sơ dựa trên tư liệu cấu kiến gỗ đào được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long(Nguồn: Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc)

Tại hố khai quật ở phía Đông điện Kính Thiên năm 2018 đã đào được một cột gỗ sơn thếp đỏ cao 228cm, có đường kính chân cột là 38cm, tương ứng với loại chân tảng đá kê cột ở hàng hiên nói trên. Đáng lưu ý trong các hố khai quật ở khu vực này còn tìm thấy nhiều loại cấu kiện gỗ của bộ khung giá đỡ mái công trình. 

Nghiên cứu các cấu kiện gỗ và so sánh các mẫu gỗ đã phân tích cho thấy, các công trình kiến trúc thời Lê sơ được xây dựng chủ yếu bằng các loại gỗ quý trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu), trong đó nhiều là gỗ sến mật, táu mật và gỗ lim (Bùi Minh Trí, Nguyễn Thị Anh Đào 2015:136-137).

Do các công trình kiến trúc cung điện thời Lê sơ đều đã bị phá hủy hoàn tòan, vì thế việc tìm thấy dấu tích nền móng, các loại cấu kiện gỗ hay các loại ngói lợp mái được xác định là những tư liệu quan trọng và rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu về kiến trúc đương thời. 

Tuy nhiên, để có được những hiểu biết về hình thái kiến trúc thì điều quan trọng hàng đầu là phải nghiên cứu giải mã về bộ khung giá đỡ mái, hay nói cách khác là phải nghiên cứu giải mã về loại hình kiến trúc và kết cấu của bộ khung kiến trúc.

Trong hành trình thu thập tư liệu và nghiên cứu so sánh, một vấn đề quan trọng được đặt ra là, kết cấu bộ khung của kiến trúc cung điện thời Lê sơ được xây dựng theo kiểu thức kiến trúc gì: (1) Theo kiểu thức “chồng rường” hay “kẻ truyền”, giống như kiến trúc tôn giáo truyền thống ở Bắc Việt Nam hiện nay? (2) Theo kiểu thức “đấu củng”, giống như kiến trúc thời Lý, Trần? Đây là những câu hỏi lớn được đặt ra khi định hướng nghiên cứu giải mã về hệ khung giá đỡ mái và hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 9.

Nghiên cứu so sánh cấu trúc đấu củng Việt Nam thời Lê sơ với đấu củng Trung Quốc thời Minh sơ (Nguồn: Ngô Vĩ – Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc)

Trong một số công trình nghiên cứu trước, dựa vào tư liệu khảo cổ học, tư liệu mô hình và tư liệu minh văn, chúng tôi đã chứng minh rằng, kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lý – Trần chủ yếu là kiến trúc đấu củng. 

Đây được xem là nhận định rất quan trọng, là chìa khóa trong nghiên cứu giải mã về hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long. Kết quả nghiên cứu này cũng đã được công bố tại các hội thảo khoa học quốc tế ở Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2018 (Bùi Minh Trí, 2016; 2018; 2019).

Đối với lịch sử kiến trúc cung điện cổ Đông Á, kiến trúc đấu củng là thuật ngữ phổ biến và là hình ảnh biểu trưng văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cung đình của các triều đại quân chủ. Tại Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc các kiến trúc cung điện của các triều đại còn tồn tại đến ngày nay đều là loại hình kiến trúc đấu củng, trên mái lợp ngói. 

Loại hình kiến trúc này được xem là một phát minh của người Trung Hoa, có lịch sử lâu đời từ thời Xuân Thu hơn 2.500 năm về trước và nó có sự ảnh hưởng lan tỏa sang các nước đồng văn ở Đông Á.

Đối với lịch sử kiến trúc Việt Nam, đấu củng hay kiến trúc đấu củng dường như là khái niệm không phổ biến, thậm chí còn là vấn đề rất xa lạ đối với nhiều nhà nghiên cứu. Bởi lẽ, kiến trúc cung điện Việt Nam từ thời Đinh – Lý – Trần – Hậu Lê (từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18) đều không còn tồn tại đến ngày nay. Các kiến trúc gỗ truyền thống của Bắc Việt Nam hiện còn phổ biến là kiến trúc kiểu kẻ truyền hay chồng rường, chồng rường giá chiêng, có niên đại sớm nhất là từ thời Mạc (thế kỷ 16) đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18), nhiều và phổ biến là thời Nguyễn (thế kỷ 19) (Vũ Tam Lang, 2010). 

Do đó, thật khó khi tiếp cận tư liệu này để nghiên cứu giải mã về kiến trúc cung điện, vì đó là kiến trúc tôn giáo, kiến trúc dân gian, không phải là kiến trúc cung đình. Điều thú vị là trong số đó, chúng ta vẫn còn thấy sót lại một số loại hình kiến trúc đấu củng cho dù nó có niên đại muộn hơn thời Lê sơ và nó đã có sự pha trộn với kiến trúc chồng rường truyền thống. 

Đó là kiến trúc gác chuông chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), điện Thánh chùa Bối Kê (Thanh Oai, Hà Nội) cùng một số tàn dư đấu củng ở chùa Kim Liên (Ba Đình, Hà Nội), chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương) (Hình 5) hay khám thờ chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội) (Hình 10). Những hình ảnh hiếm hoi này được xem là tàn dư của kiến trúc đấu củng, là minh chứng xác thực về sự tồn tại của loại hình kiến trúc đấu củng trong lịch sử kiến trúc Việt Nam (Bùi Minh Trí, 2019).

Trong một số công trình nghiên cứu trước đây, qua quan sát cấu trúc vì nóc của thượng điện chùa Dâu (Bắc Ninh), Thái Lạc (Hưng Yên), Bối Khê (Hà Tây) và dựa vào tư liệu mô hình kiến trúc thời Trần phát hiện tại Nam Định và Thái Bình, Trịnh Cao Tưởng và Hà Văn Tấn đã có những suy đoán về sự tồn tại của đấu củng trong kiến trúc Việt Nam thời Trần (Trịnh Cao Tưởng, 1978; Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long, 1993). 

Tuy nhiên, do thiếu các nguồn tư liệu nên các nhà nghiên cứu chưa thể bàn luận sâu hơn về kết cấu cũng như hình thức của đấu củng trong bối cảnh kiến trúc Việt Nam đương đại.

Nghiên cứu lịch sử kiến trúc Trung Quốc chúng ta biết rằng, đấu củng là một loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà. Nó vừa có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, vừa có khả năng chịu lực và vừa đóng vai trò như một chi tiết để trang trí tạo vẻ đẹp cho công trình. Bằng cách lắp ghép nhiều khung gỗ hình chữ nhật, đấu củng có thể chuyển trọng lượng cực kỳ lớn của mái vào các cột đỡ, giúp kiến trúc đứng vững, không bị rung chuyển khi gặp động đất. 

Với kết cấu này, đấu củng còn có khả năng làm giảm tác động của các trận động đất lên các tòa nhà, làm giảm thiểu thiệt hại cho các công trình khi bị động đất (Dương Hồng Huân, 2001; Lưu Sướng 2009; Phan Cốc Tây và Hà Kiến Trung, 2005).

Đây là nhận định rất có ý nghĩa khi nghiên cứu về lịch sử kiến trúc Việt Nam cũng như kiến trúc cổ ở các nước Đông Á. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, cho dù đấu củng có mang yếu tố trang trí, nhưng kết cấu chịu lực của kiến trúc đấu củng là rất rõ ràng, đặc biệt là nó có khả năng làm giảm thiểu thiệt hại cho các công trình khi bị động đất. 

Điều này có thể thấy qua sự trường tồn của nhiều công trình kiến trúc đấu củng của Nhật Bản và Trung Quốc đã từng đứng vững sau nhiều trận động đất hay sóng thần lớn xảy ra trong lịch sử và những năm gần đây.

Sử cũ Việt Nam cũng có những ghi chép về các trận động đất đã từng xảy ra trong lịch sử ở Bắc Việt Nam, bao gồm khu vực Kinh đô Thăng Long. Thống kê ghi chép từ Đại Việt sử ký tòan thư, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), chúng tôi đã tổng hợp được 39 trận động đất đã xảy ra từ thời nhà Lý đến thời nhà Mạc, trong đó nhiều nhất là thời Lý (20 trận), thời Trần (10 trận) và thời Lê sơ (6 trận). 

Đáng lưu ý là, sử cũ có ghi chép đến thiệt hại về động vật, cây cối, mùa màng, nhưng không ghi chép thiệt hại về nhà cửa, không nói đến sự sập đổ hay hư hỏng của các cung điện trong hoàng cung (Đại Việt sử ký tòan thư, 2011). 

Điều này đưa đến suy đoán rằng, các công trình kiến trúc gỗ trong hoàng cung có thể vẫn tồn tại vững vàng qua các trận bão và động đất lớn. Đây là vấn đề cực kỳ thú vị cho hành trình nghiên cứu giải mã về loại hình kiến trúc đấu củng trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Đối với thời Lê sơ, về tư liệu khảo cổ học, chúng ta có những cơ may hơn rất nhiều so với tư liệu thời Lý, Trần. Thời kỳ này có tư liệu hình vẽ về kiến trúc đấu củng được mô tả khá sinh động với nhiều tầng mái trong lòng một chiếc đĩa gốm lớn thời Lê sơ (xem Hình 6); các loại đấu của hệ đấu củng, đặc biệt là loại bình áng trong hệ đấu củng được sơn thếp màu đỏ khai quật được tại khu AB khu di tích 18 Hoàng Diệu (phía Tây điện Kính Thiên) năm 2002-2004. 

Đây là những manh mối khảo cổ học đầu tiên và quan trọng gợi mở hướng nghiên cứu về hệ khung giá đỡ mái của kiến trúc cung điện thời Lê sơ (xem Hình 7cd). Các cuộc đào xung quanh khu vực điện Kính Thiên năm 2017-2018, cũng đã tìm được 70 cấu kiện gỗ của kiến trúc, bao gồm cột, xà góc, rui hiên, ván sàn, rường nóc trên bộ vì… nằm dưới đáy của một dòng chảy thời Lê. 

Đặc biệt trong số đó, khi tiếp cận nghiên cứu, chúng tôi đã xác định có khá nhiều cấu kiện nằm trong kết cấu của hệ đấu củng, đó là các loại “bình áng” nêu dưới đây. Tư liệu này minh chứng chắc chắn rằng, kiến trúc thời Lê sơ cũng thuộc loại kiến trúc đấu củng (Bùi Minh Trí, 2021).

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 10.

Hình thái bộ mái và kết cấu đấu cùng trên kháng thờ thời Mạc, thế kỷ 16, chùa Bà Tấm, Gia Lâm, Hà Nội(ảnh trái), Mô hình kiến trúc men xanh mô tả chi tiết kết cấu đấu củng thời Lê sơ, thế kỷ 15, tìm thấy tại phía Đông điện Kính Thiên (ảnh phải) (Nguồn: Bùi Minh Trí).

Hình ảnh quý hiếm nhất mô tả khá chân thực về loại hình kiến trúc đấu củng thời Lê sơ là hình vẽ trong lòng chiếc đĩa đài lớn, thế kỷ 15 như đã nói trên. 

Trong lòng chiếc đĩa này vẽ hình 5 kiến trúc đấu củng có hai tầng mái (trùng diêm) và bộ mái kiểu “mái hông đầu hồi”. Đây được xem là bằng chứng cực kỳ quan trọng phản ánh về sự tồn tại của loại hình kiến trúc đấu củng trong lịch sử kiến trúc Việt Nam thời Lê sơ (xem Hình 6).

Cho đến thời điểm hiện tại, khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy những bộ phận hay những cấu kiện gỗ liên quan đến đấu củng của kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đó là: Đấu và các loại bình áng, riêng củng (hay tay củng) và lư đấu thì chưa tìm thấy (xem Hình 7). Tuy chưa tìm thấy đầy đủ các cấu kiện của một hệ đấu củng, nhưng dưới ánh sáng tư liệu xác thực này đã thúc đẩy hướng nghiên cứu học thuật về kiến trúc đấu củng thời Lê sơ.

Theo khái niệm thông thường, đấu củng gồm hai bộ phận cấu thành, đó là đấu và củng. Tuy nhiên, cấu trúc của “một hệ đấu củng”, “một bộ đấu củng” hay “một cụm đấu củng” thì nó phức tạp hơn rất nhiều, gồm nhiều cấu kiện liên kết lại với nhau, trong đó bao gồm các loại đấu, các loại củng và các loại áng.

Cấu kiện gỗ đầu tiên liên quan đến đấu củng thời Lê sơ được tìm thấy trong hố đào lòng sông nằm giữa khu AB ở 18 Hoàng Diệu, đó là loại đấu nhỏ hình vuông. Loại đấu này được sơn son thếp đỏ, kích thước 13,5×13,5cm, cao 6,0cm, dưới đáy có lỗ mộng hình ô van, trên mặt tạo rãnh ngàm đỡ tay củng rộng 7,5cm, hai bên cạnh có 2 rãnh vuông nhỏ, nếu nhìn từ trên xuống nó có hình chữ H nằm ngang. 

Trong kết cấu đấu củng Trung Quốc thời Minh khá phổ biến loại đấu này gọi là Tề tâm đấu (齐心斗) hay Đấu xuyên tâm hoặc Đấu đồng tâm (Lương Tư Thành, 2006) (xem Hình 7d). Điểm khác biệt là phần chân đấu của Việt Nam thường tạo vát cong đều nhau, không tạo vát chéo góc 60 độ như các loại đấu của Trung Quốc.

Cấu kiện thứ hai liên quan đến đấu củng đó là các loại Áng (theo phiên âm của Doanh tạo pháp thức). Dựa theo hình vẽ trong Doanh tạo pháp thức nguyên tác thì những cấu kiện gỗ trong cụm đấu củng có lỗ ngàm quay lên đều được xếp vào loại hình Củng. 

Còn các cấu kiện gỗ cũng trong cụm đấu củng nếu có ngàm quay xuống thì đều phân loại thành Áng (Lương Tư Thành, 2006). Theo đó, các thanh gỗ ngắn có rãnh ngàm quay xuống đào được ở khu vực phía Đông điện Kính Thiên đều được gọi là áng, và thuộc loại bình áng, tức loại áng nằm ngang, phân biệt với loại áng xiên. Loại áng này có nhiều kích thước dài ngắn khác nhau, hình dáng cũng khác nhau, gồm có 3 loại chính là: Bình áng có 5 rãnh ngàm, bình áng có 3 rãnh ngàm và bình áng có 1 rãnh ngàm.

Bình áng có 5 rãnh ngàm: Có 3 chiếc còn nguyên hình dáng, hai đầu đều được tạo hình vân mây, nên gọi là bình áng đầu vân mây. Loại áng này có kích thước dài 132cm, dày 11cm và cao 15cm (xem Hình 7a).

Bình áng có 3 rãnh ngàm: Có 2 chiếc còn nguyên hình dáng. Chiếc thứ nhất, phần đầu tạo vát góc tù hình tam giác, trông giống đầu con châu chấu nên gọi là bình áng đầu châu chấu. Loại áng này có chiều dài 96cm, dày 8,0cm, cao 13cm (xem Hình 7b). Chiếc thứ hai, hai đầu đều được tạo hình vân mây giống như bình áng có 5 rãnh ngàm nêu trên, gọi là bình áng đầu vân mây. Loại áng này có kích thước dài 113cm, dày 11cm và cao 15cm.

Bình áng có 1 rãnh ngàm: Có 2 chiếc, đều bị gãy hay bị cháy chỉ còn phần đầu, kích thước còn lại dài khoảng 67-76cm, dày 6,5-7,0cm, cao 12,5cm. Bình áng này có đầu dài tạo vát cong xuống dưới giống như mỏ chim, nên gọi là bình áng đầu chim. Loại áng này rất phổ biến ở Trung Quốc, nó xuất hiện từ thời Tống đến thời Minh – Thanh và có 2 loại chủ yếu là bình áng trung và bình áng hạ. Bình áng trung thường có 3 rãnh ngàm, bình áng hạ thường có 1 rãnh ngàm. Bình áng tìm thấy 18 Hoàng Diệu thuộc loại 1 rãnh ngàm (xem Hình 7c).

Như vậy, bình áng tìm thấy tại di tích Hoàng thành Thăng Long chủ yếu là loại áng có số rãnh ngàm lẻ: 1 – 3 – 5, chưa tìm thấy loại áng có số rãnh ngàm lớn hơn hoặc loại áng có rãnh ngàm số chẵn (4 – 6). Phát hiện này gợi ý rằng, đấu củng Thăng Long thuộc loại đơn giản, có thể có 3 hoặc 4 tầng đấu củng và kích thước các cụm đấu củng tương đương hoặc nhỏ hơn đôi chút so với cụm đấu củng Trung Quốc thời Minh, qua trường hợp so sánh với Đại Cao Huyền điện.

Nghiên cứu so sánh với kết cấu đấu củng của Đại Cao Huyền điện thời Minh sơ ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc), thì loại bình áng có 5 rãnh ngàm là loại áng nằm trên cùng của cụm đấu củng, có chức năng khóa đầu cụm đấu củng; loại bình áng có 3 rãnh ngàm thì thường nằm ở giữa cụm đấu củng; loại bình áng đầu chim có 1 rãnh ngàm thường nằm ở dưới cùng và đặt trên lư đấu. 

Để tiện theo dõi, chúng tôi sử dụng thuật ngữ: Bình áng thượng đối với loại áng trên cùng (5 rãnh ngàm), Bình áng trung đối với loại bình áng nằm giữa (3 rãnh ngàm) và Bình áng hạ đối với loại áng dưới cùng (bình áng đầu chim có 1 rãnh ngàm) (xem Hình 7-9).

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 11.

Xả gốc và rui bay, gỗ sơn thiếp và tô vàng hoa văn trang trí(Nguồn: Bùi Minh Trí)

Mặc dù đã trải qua nhiều lớp thời gian, nhưng các cấu kiện gỗ nêu trên đều còn lưu dấu vết sơn thếp màu đỏ và phủ vàng thật ở đường diềm họa tiết hoa văn trang trí. Điều này phản ánh sinh động rằng, kiến trúc gỗ thời Lê sơ đều được sơn màu đỏ tươi và trên các họa tiết hoa văn trang trí còn được phủ lớp vàng thật, tạo nên vẻ đẹp sặc sỡ cho công trình.

Đáng lưu ý là bên cạnh việc phát hiện hàng loại các cấu kiện gỗ liên quan đến kiến trúc đấu củng như nêu trên, cuộc khai quật phía Đông điện Kính Thiên năm 2021 may mắn đã tìm thấy một mô hình kiến trúc men xanh lục rất đặc sắc (xem Hình 11). 

Đây là mô hình đầu tiên và duy nhất hiện nay có niên đại thời Lê sơ tìm thấy tại Việt Nam. Trên mô hình này mô tả khá hiện thực bộ mái của công trình được lợp bằng loại ngói ống thân trơn, có diềm là ngói câu đầu trích thủy và bộ khung của công trình là hệ đấu củng. Đây là hệ đấu củng thuộc loại “liên đấu củng”, tức là đấu củng được thể hiện theo phương nằm ngang với mật độ cao và đấu củng không chỉ được bố trí ở trên đầu các cột mà còn được bố trí ở vị trí giữa các cột hay giữa các gian (đấu củng giữa gian). 

Từng cụm đấu củng trên mô hình được mô tả khá hiện thực gồm có lư đấu, đấu đặt trên tay củng, bình áng đầu chim, bình áng đầu châu chấu, đặc biệt bình áng khóa đầu củng đặt trên đầu cột được tạo hình đầu rồng nhô ra như kiểu đầu dư. Nghiên cứu so sánh với đấu củng Trung Quốc cho thấy, đây là loại “củng xuyên”, là loại củng được kết hợp với đấu củng ngang đặt trên đầu cột chuyển góc để vừa hỗ trợ cho mái hiên vươn rộng ra vừa hỗ trợ cho cột góc chịu lực. 

Các tổ hợp đấu củng hay các cụm củng đặt ở nhiều vị trí trong bộ khung nhà và vươn ra bốn phía. Tại vị trí các góc mái, các tay củng được triển khai một cách bài bản về cả 3 hướng: Góc hiên, mặt ngang và mặt đầu hồi của kiến trúc. Thuật ngữ chuyên môn gọi đây là “xuất tam đấu củng”, tức là hình thức ba đấu củng theo phương ngang (Tomoda Masahiko, 2017).

Kiểu thức đấu củng trên mô hình này có nhiều điểm tương đồng với khám thờ gỗ thời Mạc, thế kỷ 16, ở chùa Bà Tấm (Gia Lâm – Hà Nội) (xem Hình 10-11). Khám thờ gỗ sơn thếp này và mô hình đất nung phủ men xanh nói trên được xem là nguồn tư liệu rất hiếm quý, cung cấp nhiều cơ sở khoa học tin cậy và xác thực cho việc nghiên cứu giải mã về kết cấu bộ khung giá đỡ mái và hình thái kiến trúc thời Lê sơ.

Từ kết quả nghiên cứu hình vẽ, mô hình và các cấu kiện đấu củng gỗ đào được tại di tích có thể nói rằng, kiến trúc đấu củng thời Lê sơ có cấu trúc tương đồng với mô hình đấu củng thời Lý, Trần, nhưng lại có điểm khác biệt khá quan trọng, đó là sự xuất hiện “bình áng” (Bùi Minh Trí, 2019). 

Nghiên cứu so sánh “bình áng” trong cụm đấu củng của thời Lê sơ cho thấy nó có nhiều nét tương đồng với phong cách kiến trúc cung điện của Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) thời Minh như trường hợp Đại Cao Huyền điện. Và, nó cũng có nét khá tương đồng với cụm đấu củng trong kiến trúc Hậu cung chùa Bối Kê (Hà Nội), kiến trúc gác chuông Chùa Keo (Thái Bình), đặc biệt là mô hình kiến trúc trên khám thờ gỗ chùa Bà Tấm (Hà Nội). 

Dựa vào cơ sở tư liệu tin cậy này, chúng tôi đã nghiên cứu vẽ phục dựng lại 3D cấu trúc đấu củng của kiến trúc thời Lê sơ. Điều thú vị là khi nghiên cứu hình dáng, kích thước, kỹ thuật tạo rãnh ngàm của các bình áng đào được tại phía Đông điện Kính Thiên và trên cơ sở nghiên cứu so sánh loại hình và chức năng của bình áng trong các cụm đấu củng của kiến trúc Đại Cao Huyền điện, chúng tôi đã lắp ghép 3 loại bình áng thành một cụm đấu củng hoàn chỉnh (xem Hình 8). 

Điều này gợi ý rằng, khu vực hố khai quật đã tìm thấy những bộ phận hay những cấu kiện của một công trình kiến trúc gỗ đương thời.

Nhìn dưới ánh sáng tư liệu này, và đưa nó vào một cuộc đối thoại với các kiểu thức kiến trúc gỗ và lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) thời Minh sơ, chúng tôi đã phát hiện thấy có rất nhiều điều thú vị về kết cấu đấu củng giữa hai triều đại, cụ thể như nêu dưới đây.

Thứ nhất, cụm đấu củng ở di tích Kính Thiên có kết cấu 3 áng và 3 tầng đấu củng, trong đó sử dụng bình áng đầu chim đặt lên trên lệnh củng giống như cụm đấu củng của kiến trúc tháp Lôi Đài (3 tầng) nằm trong quần thể của Đại Cao Huyền điện hay kiến trúc thủy đình Hà Nam (Trung Quốc) (xem Hình 9). 

Bằng chứng từ mô hình kiến trúc đào được tại di tích và kiểu thức đấu củng trên khám thờ gỗ thời Mạc ở chùa Bà Tấm cũng gợi ý rằng, đấu củng thời Lê sơ có thể có cấu trúc khá đơn giản, gồm có 2 áng và 1 tầng đấu củng, trong đó bình áng đầu chim đặt trên lệnh củng (xem Hình 10-11). Tuy nhiên, nghiên cứu so sánh với kiến trúc chính điện ở Đại Cao Huyền, khám thờ gỗ thời Mạc đưa đến suy đoán rằng, kiến trúc điện Kính Thiên có 2 tầng mái (trùng diêm), tương đương là có 2 tầng đấu củng. 

Theo lý thuyết của Doanh tạo pháp thức và nghiên cứu so sánh kết cấu đấu củng của kiến trúc chính điện Đại Cao Huyền cho thấy, tầng đấu củng hiên dưới và hiên trên thường có sự khác nhau, tầng trên cao hơn tầng dưới một tầng đấu củng. Cụ thể trong trường hợp ở Đại Cao Huyền thì, tầng đấu củng của hàng hiên dưới có cấu trúc 3 áng, 3 tầng đấu củng và sử dụng đơn áng đầu chim (hạ áng) đặt lên trên lệnh củng. 

Tầng đấu củng hiên trên có cấu trúc 3 áng và 4 tầng củng, trong đó sử dụng tay củng (hoa củng) đặt trên lư đấu, giữa là 2 bình áng đầu chim (trung áng). Từ mô hình này chúng tôi cho rằng, kiến trúc thời Lê sơ có thể có cấu trúc đấu củng giống như Đại Cao Huyền điện (xem Hình 9). Đây là vấn đề khá quan trọng trong việc xác định chiều cao, chiều rộng của mái hiên cũng như đẳng cấp của công trình.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 12.

Nghiên cứu giải mã chức năng cấu kiện gỗ kiến trúc thời Lê sơ(Nguồn: Bùi Minh Trí)

Thứ hai, mặc dù có sự tương đồng về loại hình và kết cấu, nhưng chi tiết về hình dáng và hình thức thể hiện ta thấy kiến trúc đấu củng Việt Nam và Trung Quốc có những điểm rất khác nhau. Đặc biệt, dựa vào tư liệu từ mô hình kiến trúc đào được tại di tích, chúng ta có thể thấy có sự khác biệt khá thú vị giữa đấu củng Việt Nam và Trung Quốc, đó là sự xuất hiện đầu rồng nhô ra từ đầu của các bình áng nằm trên tầng đấu củng trên cùng. 

Hình thức này ta cũng có thể thấy trên thực tế ở kiến trúc đình Tây Đằng hay chùa Bối Khê. Tuy nhiên, đầu rồng trên bình áng của các kiến trúc này thường đặt quay vào bên trong lòng nhà (xem Hình 5.1, 5.3). 

Với kiến trúc cung điện thời Lê sơ, khảo cứu từ tư liệu mô hình đất nung có thể thấy, cụm đấu củng có bình áng thượng trang trí đầu rồng thường đặt trên đầu cột, còn cụm đấu củng có bình áng thượng trang trí văn mây thường nằm giữa các cột hay giữa các gian (đấu củng giữa gian). Đây là đặc điểm khác biệt, là nét đặc sắc riêng có của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.

Ngoài các tư liệu khảo cổ học nêu trên, tại hố đào phía Đông điện Kính Thiên, cùng vị trí phát hiện các loại bình áng, còn tìm thấy xà góc, rui hiên và thượng lương. Xem xét trong bối cảnh phát hiện và nghiên cứu về loại hình, chức năng, chúng tôi xác định đây là những cấu kiện quan trọng liên quan đến kết cấu bộ khung giá đỡ mái và hình thái bộ mái của công trình kiến trúc đấu củng (xem Hình 12-13).

Xà góc là loại cấu kiện đặt ở các góc mái của công trình, có chức năng nâng độ cao của bờ dải và tạo đường cong cho góc mái. Tại hố khai quật phía Đông điện Kính Thiên, cuộc khai quật năm 2018 đã may mắn tìm thấy một chiếc xà góc còn khá nguyên vẹn. Xà được tạo từ khối gỗ hình chữ nhật dày 16cm, dài 238cm. 

Đầu xà vát chéo góc 48,2 độ, cao 27,5cm, thân dài có gờ nổi ở giữa và tạo vát cong kiểu lòng thuyền, thu nhỏ dần về phía sau. Hai bên cạnh và đầu phía trước được sơn son thếp màu đỏ, phần đầu chạm khắc văn mây và được tô vẽ đường diềm mềm mại bằng vàng thật. Trên đầu có 1 lỗ mộng, khoảng giữa thân và phần đầu có 2 lỗ mộng để liên kết với cấu kiện bên trên và bên dưới tạo sự vững chắc và nâng độ cao của góc mái (xem Hình 12a).

Rui hiên là loại cấu kiện dùng để đỡ mái ở phần hiên và tạo ra độ rộng (phần nhô ra) của mái hiên. Cùng khu vực phát hiện xà góc, ở đây đã tìm thấy một số rui hiên, đa phần bị gãy chỉ còn lại phần đầu, trong đó có một chiếc còn khá nguyên vẹn dài 140cm và thân dày 11,5cm. 

Rui có đầu tròn (đường kính 5cm), dài 45cm và tạo vát chéo góc 21,5 độ, thân khối hộp dẹt hình chữ nhật, thon nhỏ về phía đuôi. Trên thân có 2 lỗ mộng nhỏ hình chữ nhật để liên kết với xà ngang bên dưới. Đầu rui được sơn son thếp màu đỏ, phần thân để gỗ tự nhiên (xem Hình 12b). 

Dựa vào đặc điểm sơn son ở đầu rui có thể suy đoán rằng, hàng rui hiên của kiến trúc thời Lê sơ sẽ để lộ ra ngoài, dưới mái ngói vẫn có thể nhìn thấy tay rui nhô ra như kiểu rui của kiến trúc cung điện Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này cũng có nghĩa rằng, hàng hiên của kiến trúc thời Lê sơ không sử dụng tàu mái che rui (xem Hình 13).

Đây là đặc điểm khác biệt với kiến trúc thời Lý, Trần (Bùi Minh Trí, 2019).

Sự xuất hiện bình áng trong kết cấu đấu củng và sử dụng rui bay ở hàng hiên với đặc điểm nêu trên cho thấy có sự chuyển đổi phong cách rất rõ ràng của kiến trúc cung điện thời Lê sơ so với kiến trúc cung điện thời Lý và thời Trần.

Thượng lương là cấu kiện dạng thanh xà ngang nằm trên cùng của bộ vì nóc của công trình. Do hình dạng mặt cắt ngang của nó giống như vầng trăng khuyết nên còn được gọi là nguyệt lương. Tại khu vực phía Đông điện Kính Thiên đào được 1 cấu kiện gỗ loại này. Tuy đã bị gãy một đầu, nhưng vẫn có thể nhận biết đó là thượng lương vì nó có thân tròn, bụng uốn cong khum cánh cung, hai đầu vuông có mộng ngàm quay xuống, kích thước dài còn lại 227cm, cao 30cm và dày 22cm. 

Mộng ngàm ở 2 đầu cho thấy nó được đặt trên đầu cột ngắn (cột trốn) đứng trên đấu gỗ. Trên lưng của cấu kiện này có 2 lỗ mộng để đặt thêm một xà góc chồng lên trên đỡ lấy xà nóc mái. Dựa vào manh mối này và khảo cứu cấu trúc bộ vì thời Trần ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Dâu (Bắc Ninh) hay đình Tây Đằng (Hà Nội), thời Mạc, có thể suy đoán rằng, bộ vì của kiến trúc thời Lê sơ có thể có kết cấu kiểu chồng rường. 

Đây là kiểu vì truyền thống của kiến trúc gỗ Việt Nam (xem Hình 14). Phát hiện này cũng gợi ý rằng, kiến trúc đấu củng thời Lê sơ có thể có sự kết hợp kéo léo giữa các “cụm đấu củng” ở hàng hiên và hệ vì nóc kiểu “chồng rường” ở trên các bộ vì.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 13.

Kết cấu bộ vì chùa Thái Lạc (Hưng Yên) và chùa Dâu (Bắc Ninh) thời Trần, thế kỷ 13 – 14(Nguồn: Trần Trunh Hiếu – Viện Bảo Tồn Di Tích, 2018)

Có thể nói, tư liệu hình vẽ kiến trúc trên đồ gốm xuất khẩu và những phát hiện của khảo cổ học về các loại cấu kiện gỗ của kiến trúc đấu củng, mô hình kiến trúc đấu củng là cơ sở khoa học tin cậy cho nhận định rằng, kiến trúc cung điện thời Lê sơ là kiến trúc đấu củng. 

Trong bối cảnh nghiên cứu lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam đang còn nhiều khoảng trống lớn, thì đây là nhận định rất quan trọng, là chìa khóa để giải mã về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Kết quả nghiên cứu này góp phần làm sáng rõ hơn lịch sử kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long, củng cố vững chắc hơn cho nhận định: Kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa (từ thời Lý, Trần đến thời Lê) đều phổ biến hay chủ yếu là kiến trúc đấu củng (Bùi Minh Trí, 2021).

Từ kết quả nghiên cứu nêu trên, kết hợp nghiên cứu so sánh với kiến trúc Đại Cao Huyền điện và thủy đình ở Hà Nam (Trung Quốc) thời Minh sơ và các di tích kiến trúc đấu củng Việt Nam thời Mạc và thời Lê Trung hưng, chúng ta hoàn tòan có những cơ sở khoa học tin cậy trong việc tái hiện hình ảnh về bộ khung giá đỡ mái của kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là kiến trúc điện Kính Thiên (xem Hình 15b).

Mặt khác, như trên đã nêu, trên các cấu kiện gỗ đào được tại di tích đều còn lưu dấu vết sơn thếp màu đỏ và màu vàng tô trên các họa tiết hoa văn. Bằng chứng này phản ánh rằng, các cụm đấu củng và bộ khung kiến trúc thời Lê sơ không để nguyên màu gỗ mà đều được sơn son màu đỏ và dùng vàng thật để tô vẽ lên trên các họa tiết trang trí (xem Hình 13). 

Điều này đưa đến nhận định rằng, kiến trúc cung điện thời Lê sơ vốn từng được thiết kế rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ với nhiều màu sắc lộng lẫy, sang trọng, mang vẻ đẹp tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á thời bấy giờ. 

Trong kiến trúc cung điện ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Hàn Quốc), bộ khung gỗ của công trình, đặc biệt là hệ đấu củng, đều phổ biến được sơn son và tô vẽ hoa văn với rất nhiều màu sắc sặc sỡ khác nhau, tạo lên vẻ đẹp lỗng lẫy, cao sang của các cung điện trong hoàng cung, thể hiện sức mạnh quyền uy, sự giàu có và thịnh vượng của các vương triều.

Điện Kính Thiên thời Lê Sơ, lối kiến trúc độc đáo Hoàng cung Thăng Long xưa, cung điện cổ đồ sộ- Ảnh 14.

So sánh kết cấu bộ vì của kiến trúc Việt Nam thời Lê sơ (điện Kính Thiên) và Trung Quốc thời Minh (Đại Cao Huyền Điện)(Nguồn: Ngô Vĩ – Bùi Minh Trí – Nguyễn Quang Ngọc)

Một điểm thú vị nữa khi nghiên cứu giải mã bộ khung giá đỡ mái, chúng ta cũng cần có những nghiên cứu về cấu trúc bộ vì của công trình, tức là nghiên cứu cấu trúc nội thất của công trình. Nhưng đây là vấn đề rất khó bởi nghiên cứu trên các mô hình, chúng ta mới chỉ biết được hình dáng bên ngoài của công trình, do đó cấu trúc bên trong của công trình vẫn là điều bí ẩn. 

Khảo cứu thực địa các kiến trúc cung điện ở Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy, bên trong các cung điện thường có trần để che giấu các đặc điểm cấu trúc, vì vậy không nhìn thấy hệ khung đỡ mái và bộ vì của công trình. 

Nghiên cứu bản vẽ ta mới có thể biết được cấu trúc bộ vì của các công trình này phổ biến là kiểu thức “đấu củng – chồng rường”, và trên các cấu kiện thường không chạm khắc hoa văn trang trí (xem Hình 15a). Ngược lại, bên trong công trình kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam thường không làm trần mà là nơi để các KTS phô diễn sự khéo léo trong việc xử lý nghề mộc như một sáng tạo nghệ thuật, do đó có thể nhìn thấy tòan bộ hệ vì và kết cấu bộ khung giá đỡ mái. 

Với đặc điểm này, hệ vì kiến trúc Việt Nam thường được chạm khắc hoa văn khá cầu kỳ, tạo vẻ đẹp cho nội thất của công trình. Các cấu kiện gỗ trang trí thời Trần trên các bộ vì còn sót lại ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Dâu (Bắc Ninh) hay muộn hơn ở đình Tây Đằng (Hà Nội) thời Mạc là những gợi ý quan trọng về kết cấu và trang trí chạm khắc trên các bộ vì của kiến trúc gỗ đương thời (xem Hình 14). 

Phát hiện cấu kiện “thượng lương” của bộ vì kiểu chồng rường tại phía Đông điện Kính Thiên nêu trên gợi ý rằng, kiến trúc thời Lê sơ cũng có thể có sự kết hợp khá tinh tế, hài hòa giữa kiểu thức “đấu củng – chồng rường” (xem Hình 15b). Đây là vấn đề rất thú vị, cần được tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.

PGS.TS. Bùi Minh Trí

KTS. Nguyễn Quang Ngọc

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2023).

PGS.TS. Bùi Minh Trí KTS-Nguyễn Quang Ngọc (Tạp chí Kiến trúc (tapchikientruc.com.vn))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem