Nhà vườn được lợi từ hình thức hái cà phê khoán
Những ngày cuối năm, khi tiết trời se lạnh, người dân ở các địa phương tỉnh Đắk Lắk lại hối hả bước vào mùa thu hoạch cà phê. Trên khắp các nẻo đường đất đỏ và rẫy cà phê bạt ngàn, tiếng gọi nhau í ới, cùng những tiếng cười nói vui vẻ vang vọng trong không khí rộn ràng của mùa vụ. Cảnh tượng ấy như thổi bùng lên sức sống của vùng đất Tây Nguyên, nơi mỗi trái cà phê chín đều mang theo hy vọng và niềm vui cho người dân.
Để kịp cho vụ thu hoạch, nhiều chủ vườn lựa chọn hình thức thuê nhân công hái cà phê khoán. Theo đó, tiền công được trả dựa trên sản lượng cà phê hái được theo ngày của từng lao động, với giá dao động từ 1.200 - 2.000 đồng/kg cà phê tươi.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (trú tại buôn Dhung, xã Ea Mdroh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, hình thức thuê hái cà phê khoán không chỉ giúp chủ vườn rút ngắn thời gian thu hoạch mà còn giảm chi phí nhân công. "Trước đây để thu hoạch 1ha cà phê theo hình thức công nhật, gia đình tôi phải thuê khoảng 20 nhân công trong 10 ngày. Thế nhưng, với hình thức hái khoán như hiện nay thì chỉ cần 5 ngày là 20 nhân công đã hái xong 1ha cà phê", chị Nguyệt nói.
Nhờ hình thức thuê hái cà phê khoán, ông Nguyễn An Sơn (trú tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar) đã tiết kiệm được khoản chi phí 80 triệu đồng mỗi năm. Lý giải về điều này, ông Sơn cho biết: "Trước đây, gia đình tôi phải chi hơn 200 triệu đồng để thuê nhân công thu hoạch 7ha cà phê theo hình thức công nhật, nhưng giờ chỉ tốn khoảng 120 triệu đồng".
Còn bà Huỳnh Thị Thảo (trú tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, (tỉnh Đắk Lắk), cho rằng việc hái cà phê khoán đã giúp chủ vườn giảm bớt áp lực quản lý công nhân. "Trước đây, khi thuê người hái cà phê theo hình thức công nhật, tôi phải lo đủ thứ, từ cơm trưa đến việc thúc giục họ làm việc nhanh hơn. Giờ đây, với hình thức khoán, người lao động đã chủ động hơn về thời gian hái, tự ý thức để đạt sản lượng như mong muốn", bà Thảo cho biết.
Người lao động thu nhập "khủng"
Ngoài những lợi ích mang lại cho chủ vườn, nghề hái cà phê khoán còn là một cánh cửa mở ra cơ hội cải thiện thu nhập đáng kể cho nhiều lao động. Anh Nguyễn Văn Lợi (trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar), cho hay anh vốn là một thợ xây dựng.
Tuy nhiên, xét thấy công việc hái cà phê mang lại thu nhập cao nên anh quyết định chuyển hướng đi hái cà phê. "Công việc này tuy vất vả nhưng giúp người hái cà phê mang lại thu nhập hậu hĩnh. Nhờ làm việc với tốc độ nhanh nhất nên mỗi ngày tôi hái từ 3-4 tạ cà phê tươi, thu về hơn 500.000 đồng. Thậm chí, có hôm may mắn gặp lô cà "trúng", tôi kiếm được tới 900.000 đồng/ngày", anh Lợi chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Ích (59 tuổi, trú tại thị trấn Quảng Phú) cùng vợ cũng đã mang về tổng thu nhập từ 800.000 đến 1 triệu đồng mỗi ngày nhờ hình thức hái cà phê khoán.
Theo ghi nhận của phóng viên, để đạt được mức thu nhập "khủng" từ việc hái cà phê khoán, người lao động không chỉ làm việc hết công suất mà còn phải tận dụng tối đa thời gian, kể cả buổi trưa. Hầu hết những người đi hái cà phê khoán đều tranh thủ dậy sớm nấu cơm ở nhà mang đi, hoặc mua bánh chưng để ăn tạm tại rẫy cà phê rồi nhanh chóng quay lại với công việc.
Sau bữa cơm trưa vội, anh Y Yoar Niê (SN 1998, trú tại xã Ea Hding, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) và người vợ trẻ của mình lại cặm cụi kéo bạt ra từng gốc cà phê chín đỏ rực để tranh thủ hái xuyên trưa. Anh Y Yoar cho hay: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Cứ vào dịp cuối năm, chúng tôi đều gác lại mọi công việc làm thuê khác để đi hái cà phê khoán nhằm cải thiện thu nhập cho gia đình. Nhờ cố gắng nên mỗi ngày, vợ chồng tôi mang về mức thu nhập hơn 700.000 đồng/ngày".
Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, diện tích cà phê niên vụ 2023-2024 đạt 212.106 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 200.441 ha, năng suất bình quân đạt 26,72 tạ/ha. Tổng sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 đạt 535.672 tấn.