Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Lang Chánh phát hiện Vi Thị Quỳnh có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng 3.000-5.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương 180%/năm) dưới vỏ bọc là tiệm cầm đồ. Vào cuộc điều tra, xác minh, cảnh sát đã bắt giữ đối tượng Quỳnh.
Tại cơ quan công an, Quỳnh khai nhận đã cho 2 người dân trên địa bàn huyện Lang Chánh vay tiền với lãi suất 3.000-5.000 đồng/triệu đồng/ngày, thu lời bất chính hơn 170 triệu đồng. Khám xét nơi ở của Vi Thị Quỳnh, cảnh sát thu giữ một điện thoại di động.
Kiểm tra điện thoại, lực lượng chức năng phát hiện có 2 đoạn video thể hiện việc Quỳnh dùng thủ đoạn ép buộc một cặp vợ chồng ở huyện Lang Chánh cởi bỏ hết quần áo để quay video, nhằm gây sức ép đòi nợ số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Xét thấy đây là hành vi có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản, Công an huyện Lang Chánh đã chuyển hồ sơ vụ án đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra, làm rõ.
Luật sư Nguyễn Bá Huy - Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20% một năm. Nếu cho vay mà vượt quá mức lãi suất quy định là trái pháp luật, phần vượt quá sẽ không được pháp luật bảo hộ, nếu có tranh chấp người đi vay tiền chỉ phải trả mức lãi suất không quá 20% một năm.
Trường hợp, người cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất Nhà nước quy định, thu lợi bất chính 30.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, theo luật sư Huy, trường hợp kết quả xác minh cuối cùng cho thấy đối tượng đã thu lời bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên sẽ xử lý theo quy định Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 3 năm tù.
Ngoài ra, toàn bộ số tiền dùng để cho vay nặng lãi sẽ bị tịch thu vì xác định đây là phương tiện phạm tội, số tiền lãi suất cao cũng sẽ bị thu hồi để trả lại cho người bị hại.
Cũng theo luật sư Huy, việc đòi nợ sai cách có thể dẫn tới hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trường hợp người cho vay chỉ đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay để chiếm đoạt tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ mà người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào cưỡng đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải trả lại tài sản đã cưỡng đoạt được của người khác…
Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản các đối tượng còn thực hiện hành vi quay video, ép buộc các nạn nhân lột quần áo.
Tùy theo mức độ nguy hiểm và hậu quả để lại đối tượng gây ra vụ việc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP với số tiền phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Hoặc đối tượng có thể bị khởi tố thêm tội làm nhục người khác theo quy định tại Khoản 1, Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015. Phía cơ quan điều tra chỉ có thể xem xét xử lý thêm về tội làm nhục người khác trong trường hợp các nạn nhân có đơn yêu cầu khởi tố.