Dân Việt

Con đặc sản thịt ngọt này chỉ có ở hòn đảo lớn nhất tỉnh Kiên Giang, thịt ngon ngọt ví như "nhân sâm nước"

Hồng Cẩm 04/12/2024 05:17 GMT+7
Cá chình suối Phú Quốc (hay còn gọi là cá trê suối) là loài cá quý hiếm, chỉ có ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thịt loài cá này chắc, dai, thơm ngon nên được nhiều du khách yêu thích. Chính vì thế mô hình nuôi cá chình suối ngày càng mở rộng nhiều hộ dân Phú Quốc và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Theo ông Lê Chí Tân (ngụ xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cho biết: Trước đây ở ven các dòng suối trên đảo ngọc cá chình suối nhiều, người dân sống ở ven các dòng suối này chỉ quen khai thác, chưa biết nuôi thương phẩm nên số lượng cá ngày càng cạn kiệt và có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đặc sản cá chình suối Phú Quốc- Ảnh 1.

Cá chình suối Phú Quốc (hay còn gọi là cá trê suối) là loài cá quý hiếm, chỉ có ở TP Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hồng Cẩm.

Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu do ThS Đặng Khánh Hồng (lúc đó là Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Kiên Giang) làm chủ nhiệm đề tài đã có một nghiên cứu về loài cá này, xác định đây là loài cá mới trên thế giới. 

Sau khi bài báo khoa học về cá trê Phú Quốc được công bố trên tạp chí chuyên ngành Zootaxa, cá chình suối đã chính thức có tên là Clarias gracilentus.

Năm 2011 cá trê suối Phú Quốc được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Kiên Giang nhân giống thành công và năm 2012 anh là người nhận chuyển giao công nghệ này.

Đến năm 2013 anh Tân bắt đầu bắt đầu làm cá giống và anh đã thành công ngay mẻ cá chình suối đầu tiên, với khoảng 17 nghìn con.

Đặc sản cá chình suối Phú Quốc- Ảnh 2.

Ông Lê Chí Tân (người áo đỏ) nhận chuyển giao kỹ thuật nhân giống, sản xuất và bảo tồn giống cá chình suối quý hiếm này. Ảnh: Hồng Cẩm.

"Vì nắm vững kỹ thuật nên nhân giống cá không khó, nhưng khó khăn giai đoạn đó là tìm nguồn thức ăn cho cá bột và giai đoạn cá bột cá dễ mắc bệnh.

Sau thời gian liên hệ với các trại giống trong đất liền thì tôi mới tìm được điểm bán trùng chỉ ổn định, để làm thức ăn cho trại cá bột của mình và cách trị bệnh cho cá bột" – Anh Tân chia sẻ.

Theo anh Tân, quy trình nhân giống từ lúc cho cá sinh sản đến xuất bán cá giống mất khoảng 3 tháng. 

Hàng năm vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 âm lịch là mùa sinh sản của loại cá này, khi đó anh Tân bắt đầu cho cá sinh sản. 

Cá giai đoạn cá bột chăm sóc khá là công phu, đòi hỏi xuyên suốt, kỹ lưỡng và phải am hiểu, chú ý nguồn nước và nhiệt độ.

Đặc sản cá chình suối Phú Quốc- Ảnh 3.

Cá chình suối 3 tháng tuổi của anh Tân. Ảnh: Hồng Cẩm.

Khi cá chình giống có kích thước 8-10cm sẽ xuất bán, với giá 7.000 đồng/con. Hiện mỗi năm anh xuất bán khoảng 30 nghìn con cá chình Phú Quốc giống, có năm cao điểm hơn 50 nghìn con, cấp con giống cho 30 người nuôi tại Phú Quốc và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Ngoài bán cá giống, anh Tân còn nuôi 2 ao cá thịt, mỗi ao rộng 40m2, nuôi 400 con giống, hiện anh có 1 ao cá thịt nuôi được 1 năm, mỗi con nặng khoảng 400g và ao cá thịt nuôi được 3 tháng.

Hiện tại giá bán cá thịt tại ao khoảng 300.000 đồng/kg (cá trọng lượng 400-500g), với ao cá thịt của mình anh Tân xuất bán trừ chi phí lợi nhuận khoảng trên 30 triệu đồng.

Cá chình suối thuộc loại cá da trơn, thân dài, cân nặng trung bình của loài cá này từ 1-2kg/con. Dựa vào màu sắc mà người ta phân biệt cá chình bông, cá chình mun, cá chình nghệ... 

Cá chình suối thường có kích thước nhỏ, không được lớn như cá chình biển nhưng cá ít có xương dăm, thịt ngon, béo nhờ lớp mỡ dưới da, da cá dai giòn nướng trên bếp than cực hấp dẫn.

Đặc sản cá chình suối Phú Quốc- Ảnh 4.

Cá chình suối Phú Quốc 1 năm tuổi, trọng lượng 400-500g của anh Tân chuẩn bị xuất bán. Cá chình suối Phú Quốc thịt thơm, ngọt, giàu protein, axit amin và được ví như "nhân sâm nước"...Ảnh: Hồng Cẩm.

Cá chình suối Phú Quốc có thịt thơm ngon, hơi dai, chắc thịt. Cá có thể chế biến thành nhiều món như nấu canh chua, nấu mẻ, nướng muối ớt, hấp hèm... Cá chình suối hiện đang được xem là đặc sản của Phú Quốc.

Theo người dân ở Phú Quốc cho biết, trước đây giống cá chình suối ngoài tự nhiên có thể có trọng lượng 5-10kg và đặc biệt nó có sức sống rất mãnh liệt, khi cá từ 400g trở lên, nếu không cho ăn trong vài tháng nó vẫn sống bình thường.

Ông Huỳnh Thanh Minh – Trưởng phòng Kinh tế TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết: "Mô hình của anh Tân rất hay và đang trên đà phát triển tốt. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao mà còn góp phần phát triển cho du lịch, ẩm thực từ loài cá đặc sản của Phú Quốc.

Ẩm thực từ loài cá đặc sản ví như "nhân sâm nước" góp phần thu hút khách du lịch đến Phú Quốc. Ngoài ra, sản xuất giống cá này ngoài đa dạng hóa sản phẩm còn mở ra nhiều triển vọng để nuôi và bảo tồn nguồn cá.

Đặc sản cá chình suối Phú Quốc- Ảnh 5.

Ao cá chình suối 1 năm tuổi, trọng lượng 400-500g của anh Tân chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Hồng Cẩm

Để tạo đầu ra ổn định cho các hộ nuôi trên đảo Phú Quốc, ông Huỳnh Thanh Minh cũng cho biết, phòng Kinh Tế đã kết nối các hộ nuôi với một hợp tác xã, sẽ thu mua và phân phối cá thịt cho các nhà hành trên đảo và đất liền".