Theo thống kê từ NHNN, tính đến hết tháng 9/2024, tín dụng đối với các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông… đều tăng trưởng so với cuối năm 2023.
Trong đó, các hoạt động dịch vụ khác tăng 10,21% lên 5,931 triệu tỷ đồng ghi nhận mức tăng mạnh nhất.
Theo sau đó là Hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông tăng 9,55%, đạt hơn 4,122 triệu tỷ đồng, bao gồm: thương mại tăng 9,66%; vận tải và viễn thông tăng 8,31% lên 343.941 tỷ đồng.
Ở vị trí tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với dư nợ 3,751 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm trước. Trong đó, công nghiệp tăng 9,33% so với đầu năm.
Cuối cùng là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,92% lên 999.315 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến tháng 9/2024. Theo đó, đến hết tháng 9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn hơn 7,07 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%; tiền gửi của người dân đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái.
So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong tháng 9, trung bình mỗi ngày có hơn 9.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng.
Tại cuộc họp Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, tiền gửi của người dân, tổ chức vào ngân hàng đều được chuyển hóa thành tín dụng ra nền kinh tế, không có chuyện tiền để không trong ngân hàng.
Nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tăng so với năm 2022
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra ngày 11/11, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá tính hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này?
"Nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc NHNN có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?", đại biểu Nguyên đề cập.
Trả lời chất vẫn của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: "Có thể nói rằng, trong thời gian vừa qua tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Số liệu Ngân hàng Nhà nước tổng hợp cho thấy đến cuối tháng 9/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tương tự gần bằng mức của cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022".
Theo bà Hồng, đây là một thực tế, bởi vì từ năm 2020 đến nay, trước tình trạng COVID-19 xảy ra tác động rất nghiêm trọng đối với mọi mặt của hoạt động kinh tế - xã hội, theo đó doanh nghiệp và người dân rất khó khăn. Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu của mình cho nên rất khó khăn trong khả năng trả nợ, nợ xấu này chính là các khoản nợ của người dân vay của ngân hàng và không trả được cho nên được theo dõi ở bảng cân đối của các tổ chức tín dụng.
Theo "Tư lệnh" ngành ngân hàng, để kiểm soát nợ xấu có một số những giải pháp từ góc độ các chủ thể, như đối với các tổ chức tín dụng khi cho vay cần phải thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay để đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.
Đối với các nợ xấu hiện hữu thì tích cực xử lý nợ xấu thông qua như đôn đốc khách hàng trả nợ cũng như có thể thu nợ hoặc là phát mại những tài sản của khoản nợ xấu. Tuy nhiên, việc này trong bối cảnh này cũng đang rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức VMC hay là các công ty mua, bán nợ có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Bà Hồng nói thêm, nợ xấu có nghĩa là khách hàng không trả được nợ, trong khi đó tiền cho vay là tiền huy động của người dân và tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi cho người dân.