Xuất khẩu gạo, rau quả đạt kỷ lục
Báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11 năm 2023, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, ngành nông nghiệp đã “về đích” sớm, trong khi còn gần 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2024.
Trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%; thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%...
Kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản về đích sớm là nhờ một số sản phẩm đã có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong 11 tháng như: Gạo đạt 5,31 tỷ USD tăng 22,4%, rau quả đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2%; cà phê đạt 4,84 tỷ USD tăng 32,8%; chè đạt 2,95 tỷ USD tăng 17,1%; hạt điều đạt 4,01 tỷ USD tăng 21,4%; hạt tiêu đạt 1,22 tỷ USD tăng 46,5%...
Gạo, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục là "điểm sáng" trong xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2024. Đối với gạo, khối lượng xuất khẩu gần 8,5 triệu tấn tăng 10,6% so với 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu gạo, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2024 sang thị trường Philippines tăng 59,1%, thị trường Indonesia tăng 20,2%, thị trường Malaysia tăng 2,2 lần. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 71,3%.
Đối với rau quả, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,7% và 4,3%. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng ở 14 trong tổng số 15 thị trường xuất khẩu chính, với mức tăng mạnh nhất tại thị trường Đức với mức tăng 73,6%. Hà Lan là thị trường quan trọng duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm với mức giảm là 26%.
Đối với xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,62 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,5%. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13% và 10,8%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 10 tháng đầu năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 25,2%, thị trường Trung Quốc tăng 22,3%, thị trường Nhật Bản tăng 2,5%. Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại Tây Ban Nha với mức tăng 66,8%. Hàn Quốc là thị trường duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm với mức giảm 0,7%.
Dù mặt hàng rau quả đạt kỳ tích về xuất khẩu nhưng ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, vẫn cảm thấy tiếc vì năm nay vụ thu hoạch sầu riêng ở vùng trọng điểm Tây Nguyên kết thúc sớm từ giữa tháng 10 nên kim ngạch giảm đáng kể. Thêm vào đó là sầu riêng vụ nghịch ở các tỉnh ĐBSCL cũng giảm sản lượng do thời tiết bất lợi kéo dài. Nếu mùa vụ thuận lợi như những năm trước, kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt tới 3,5 tỉ USD.
"Năm nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vượt kỳ vọng trong khi Thái Lan chỉ đạt khoảng 3,7 tỉ USD, thấp hơn dự kiến là 4 tỉ USD do thiệt hại vì nắng nóng nặng nề hơn chúng ta. Với đà tăng trưởng hiện nay và được bổ sung thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh vào danh sách các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhiều khả năng xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 4 tỉ USD vào năm 2025", ông Nguyên nhận định.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới đang tăng trở lại trong tuần qua và gạo Việt Nam vẫn duy trì mức cao nhất thế giới. Từ cuối tháng 10, sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tẻ thường, khiến giá gạo trên thị trường quốc tế đồng loạt giảm mạnh.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy mỗi tấn gạo 5% tấm của Pakistan, Thái Lan có 457-490 USD, giảm 5-10% so với trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Trái ngược với xu hướng chung, gạo 5% tấm Việt Nam sau khi giảm nhẹ xuống gần 500 USD/tấn, đã tăng trở lại từ 21/11, đạt 515-520 USD/tấn vào cuối tuần trước và thời điểm này đạt 522 USD/tấn. Điều này giúp hàng Việt duy trì vị trí đắt đỏ trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Xuất khẩu cà phê tháng 11 năm 2024 ước đạt 45 nghìn tấn với giá trị đạt 261,8 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,2 triệu tấn và 4,84 tỷ USD, giảm 15,4% về khối lượng nhưng tăng 32,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, xuất khẩu hồ tiêu đạt 234,7 nghìn tấn, giá trị 1,22 tỷ USD, giảm 4,4% về khối lượng nhưng tăng 46,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.198 USD/tấn, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, giá cà phê tăng cao do cung vẫn thấp hơn nguồn cầu. Tuy nhiên, giá cà phê biến động như thế nào trong giai đoạn sắp tới còn tùy thuộc vào phán quyết cuối cùng của châu Âu về việc có áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR) từ ngày 30/12/2024 hay hoãn 12 tháng như các đề xuất trước đó.
Còn theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định, năm nay, giá tiêu tăng mạnh nhờ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Ngược lại, thị trường quan trọng là Trung Quốc lại giảm mua. Bà Liên cũng kỳ vọng trong năm 2025, Trung Quốc sẽ quay lại thị trường, giúp giá tiêu duy trì mức cao như hiện tại.