Mỹ, Trung Quốc đều mua số lượng lớn, xuất khẩu tôm chắc chắn thu về 4 tỷ USD
Mỹ, Trung Quốc đều mua số lượng lớn, xuất khẩu tôm chắc chắn thu về 4 tỷ USD
Khánh Nguyên
Thứ tư, ngày 27/11/2024 09:00 AM (GMT+7)
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với triển vọng sáng của thị trường, xuất khẩu tôm có thể thu về 4 tỷ USD trong năm 2024.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, Bộ NNPTNT, năm nay, tuy sản xuất tôm trong nước phải đối mặt với nắng nóng tại Trung Bộ, khô hạn tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại Nam Nộ, bão, lũ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đối với nuôi trồng thủy sản; xuất khẩu tôm gặp nhiều bất lợi do khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường nhập khẩu chính, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất cao nhưng đến thời điểm hiện tại, ở các thị trường chính, tăng trưởng xuất khẩu tôm vẫn rất khả quan.
Cụ thể, báo cáo của VASEP cho thấy, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hongkong tháng 10/2024 đạt 91 triệu USD, tăng 44%. Tính lũy kế tới tháng 10/2024, XK tôm sang thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ. XK tôm sang thị trường này khả quan hơn, đặc biệt XK mặt hàng tôm hùm tăng mạnh 157%, đạt 298 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay. Chính sách thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy NK hàng hóa vào thị trường này.
XK tôm Việt Nam sang Mỹ tháng 10 năm nay đạt hơn 80 triệu USD, tăng 17%. Lũy kế 10 tháng, XK tôm sang thị trường này thu về 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Bà Kim Thu, chuyên gia ngành tôm của VASEP nhận định, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ top 3 nguồn cung chính đều giảm, điều này làm tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Tâm lý thị trường và tình hình kinh tế lạc quan hơn, tồn kho giảm, tình trạng cung vượt cầu đã được cân bằng trở lại nên nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ dự kiến sẽ cao hơn và giá tôm trên thị trường này cũng được cải thiện và có chiều hướng tăng.
"Đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ của ông Trump sau khi tái đắc cử khiến doanh nghiệp Mỹ đẩy nhanh tốc độ nhập hàng để tích trữ trước khi thuế có hiệu lực. Nên trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong đó có tôm sẽ tiếp tục tăng"- VASEP nhận định.
Trong khi đó, XK tôm Việt Nam trong tháng 10 sang 2 thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận tăng trưởng dương lần lượt 18% và 28%, sau khi lên xuống thất thường trong những tháng trước đó.
XK tôm Việt Nam sang EU tăng 32% trong tháng 10, lũy kế 10 tháng, kim ngạch XK đạt 408 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Nhu cầu NK tôm Việt Nam của thị trường EU khá ổn định trong năm nay, tăng trưởng dương liên tục kể từ tháng 4 năm nay.
Số liệu XK tôm 10 tháng năm 2024 cho thấy tín hiệu khả quan ở từng thị trường NK. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu. Tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng.
Kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
Theo dự báo, sản xuất tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại cuối năm 2024, năm 2025 duy trì ổn định. Tôm Việt Nam cũng có thể lợi thế nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp cao hơn đối với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vào cuối tháng 12/2024.
"Năm 2023, biến động kinh tế, địa chính trị thế giới, lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường chính giảm. Bên cạnh đó, sản lượng tôm toàn cầu tăng, XK tôm của Ecuador tăng trưởng bùng nổ, gây dư cung và giá tôm thế giới giảm mạnh. Năm 2024, tất cả các yếu tố bất lợi trên đều đã có sự thay đổi tích cực hơn: Lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu NK từ các thị trường chính tăng, sản lượng tôm không tăng "nóng" như năm trước, giá tôm thế giới có chiều hướng tăng. XK tôm của Việt Nam mặc dù còn đối mặt với những thách thức nội tại và khách quan nhưng cũng đã ghi nhận kết quả XK đáng khích lệ. Mục tiêu kim ngạch XK năm 2024 đạt 4 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm tay" - chuyên gia của VASEP nhận định.
Để góp phần đạt các chỉ tiêu đề ra, theo đại diện Sở NNPTNT Kiên Giang, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung áp dụng tiêu chuẩn sản xuất thủy sản bền vững như: GlobalGAP, VietGAP, tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt (BAP), nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái và các tiêu chuẩn Quốc tế khác theo yêu cầu thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh cấp mã số cơ sở nuôi phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Còn tại tỉnh Cà Mau, ngành chức năng đã từng bước hướng dẫn cho người nuôi tôm trên địa bàn thay thế quy trình nuôi tôm truyền thống bằng mô hình hướng an toàn sinh học và tiết kiệm chi phí sản xuất. Từ đó góp phần tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Đưa ra khuyến nghị cho các địa phương, ông Trần Đình Luân- Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) nhận định: Lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Vì vậy, "Vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp". Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.