Dân Việt

Con sông chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam ví như "dòng sông ngạo nghễ", sinh cảnh của muôn loài thủy quái

An Lê 04/12/2024 19:30 GMT+7
Ở Việt Nam, trong các con sông ngạo nghễ thì chỉ có sông Đà được lưu danh thiên cổ bằng câu văn: “Chúng thủy giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu”. Có nghĩa là, tất cả các con sông đều chảy về Đông, chỉ có một mình sông Đà xuôi về Bắc.

Không những nổi tiếng về dòng chảy kỳ dị, thủy trình thác ghềnh hiểm trở, chứa đựng trong lòng muôn vàn huyền thoại từ thời dựng nước Văn Lang và Sơn Tinh - Thủy Tinh, hay là sinh cảnh các loài quái ngư mà sông Đà còn là dòng sông năng lượng vĩ đại nhất Việt Nam. Những thứ đó đã biến sông Đà thành truyền thuyết.

Chiến mã kiêu hùng giữa rừng Tây Bắc

Sông Đà - với những tên gọi khác như sông Bờ, Đà Giang - khởi nguồn tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tổng chiều dài là 1,366km, trong đó phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 543km. Đây là một con ngựa bất kham, hung tợn và dũng mãnh, được coi là biểu tượng cho vùng sơn cước Tây Bắc hùng vĩ.

Bản tính hoang dã, mãnh liệt và ngược ngạo đó xuất phát từ yếu tố thủy văn, thổ nhưỡng của nơi sông Đà tung vó. Con ngựa này chạy trên địa hình đa phần là đồi núi cao, có độ dốc lớn. Thế nên, địa hình dọc theo sông Đà chủ yếu núi cao vực thẳm hiểm trở, độ dốc dòng chảy lớn, lòng sông sâu.

Sông Đà chảy qua tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, khi vừa chảy qua khỏi tỉnh Hòa Bình, thì bị dãy núi Ba Vì chắn ở phía hữu ngạn, phải đổi dòng lao lên phía Bắc chạm chân núi Đá Chông, trước khi hợp với sông Thao và sông Lô tạo thành một dòng chảy sông Hồng đổ ra biển.

Đây chính là nguyên nhân khiến nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) thời Hậu Lê đưa ra nhận xét ngắn gọn mà chuẩn xác như một nhát kiếm để lưu danh thiên cổ "Đà Giang độc bắc lưu”, trong khi hầu hết các dòng sông khác đều chảy về hướng Đông theo hướng sơn văn Tây Bắc - Đông Nam.

Con sông chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam ví như "dòng sông ngạo nghễ", sinh cảnh của muôn loài thủy quái - Ảnh 1.

Hồ thủy điện Hòa Bình trên dòng sông Đà. Ảnh: Minh Nguyễn.

Trên địa hình hiểm trở đó, sông Đà tự nhiên mang bản sắc hung tợn, với 83 thác ghềnh hiểm độc, trong đó nổi tiếng nhất là thác Bờ (thuộc tỉnh Hòa Bình) và dữ dội nhất là ghềnh Bợ (thuộc đất Phú Thọ). Câu tục ngữ “lên thác xuống ghềnh” chỉ công cuộc gian lao, vất vả, nguy hiểm cũng chính khởi sinh từ con sông Đà.

Hãy đọc những áng văn mô tả của Nguyễn Tuân về dòng sông này trong tập ký sự “Sông Đà” xuất bản năm 1960 để hiểu rõ hình tướng kiêu hùng và khắc nghiệt của một thực thể kỳ bí: “Sông Đà như một áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn sải”, hay “sông Đà nhiều vực xoáy, nhiều luồng chết, nhiều đá ghềnh, nhiều dòng thác”.

Nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã mô tả chi tiết một số ngọn thác hung hiểm nhất trên sông Đà để thấy rằng, thủy trình của con người trên dòng sông này chính là cuộc chiến đấu sống còn để bảo vệ mạng sống chẳng kém một màn sinh tử khét tiếng nào giữa con người với thiên nhiên.

Thì đấy, có những thác ghềnh “phải kéo thuyền cả mùa nước, cả mùa khô... có quãng khiêng thuyền lên bờ, lật nghiêng thuyền ra mà kéo đến gần cây số. Có chỗ vừa kéo cạn, vừa lên dốc bờ đá dốc ngược”, hoặc như “Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ".

Sinh cảnh của muôn loài thủy quái

Vách đá dựng đứng sắc như dao cạo hai bên bờ sông, lòng sông cũng lổn nhổn toàn đá tảng, nước sông sâu đến mức độ biến sắc thẫm màu của sông Đà chứa đựng bao huyền thoại về thủy quái. Ở đó có những con giải khổng lồ huyền bí có thể lật đổ thuyền, bắt người về hang ăn thịt trong những huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh đến loài thuồng luồng hung dữ thường xuyên tạo sóng gió trên sông.

Thế nhưng, gạt bỏ những yếu tố hoang đường, một sự thật rành rành về sông Đà đầy rẫy quái ngư sống trong làn nước lạnh, tối om, trú ngụ trong trăm vạn hốc đá ở đáy sông vẫn vô cùng sống động. Những loài quái ngư này đã làm nên danh tiếng của sông Đà.

Trong số đó, đứng đầu là loài cá anh vũ với thứ thịt ngon thượng hạng, được tiến cung từ xưa và lưu vào trong sử sách. "Đại Việt sử ký toàn thư" chép rằng, cá anh vũ sinh sống ở vùng thượng lưu sông Đà, nơi nước chảy xiết ở địa hình nhiều hang đá. Mõm cá anh vũ trông hơi giống mõm lợn bởi loài cá này thường dùng mõm ngoạm vào các vỉa đá dưới lòng sông để ăn rêu.

Thịt cá anh vũ trắng, thơm ngon hơn bất cứ loại cá nào khác. Không những thế, thịt lại dẻo quánh như một miếng giò lụa tạo nên một khoái cảm khi ăn. Tuy nhiên, phần thượng phẩm của cá anh vũ chính là phần mõm gồm toàn bộ là một khối sụn môi. Khối sụn này được đồn đại có thể chữa được nhiều bệnh, ăn vào giúp đầu óc minh mẫn, cơ thể khoan khoái.

Cá chiên của sông Đà là một loại thủy quái đích thực bởi chúng là loài cá dữ, thường sinh sống ở những hang đá cạnh ghềnh thác, nước chảy xiết. Cá chiên có hình thù kỳ dị, toàn thân lốm đốm những đốm và xanh rêu, trọng lượng có thể đạt tới mức 60kg.

Tuy nhiên, hình dáng kỳ dị đó ẩn chứa một khối thịt ngon bên trong. Thịt cá chiên có màu vàng nghệ rất đẹp, thịt cũng dẻo quánh, thơm ngon như cá anh vũ và hoàn toàn không có xương dăm, rất hợp để làm các món chế biến ít như gỏi, nhúng lẩu hay kho.

Ở lớp đáy sông Đà có một loại cá quý hiếm khác là cá dầm xanh. Cá có miệng dày và có vảy óng ánh màu ửng xanh. Cá dầm xanh có ruột rất dài, gấp 10 lần chiều dài của thân. Điểm đặc biệt nữa ở cá dầm xanh là thịt thơm ngọt từ khi còn nhỏ như đầu ngón tay cho tới khi có trọng lượng trung bình 6 - 7kg.

Dòng sông của ánh sáng

Sông Đà là nguồn thủy năng đem đến ánh sáng cho cuộc sống con người, với nguồn điện năng khổng lồ từ các nhà máy thủy điện.

Nhờ địa hình độ dốc và thủy chế cao, nên sông Đà có nguồn tiềm năng thủy điện được xếp vào loại cao nhất trong hệ thống sông ngòi Việt Nam. Nhà máy thủy điện đầu tiên đã được xây dựng tại thành phố Hòa Bình và nhà máy thủy điện thứ hai có công suất gấp 4 lần thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại tỉnh Sơn La.

Tháng 12.1994, nhà máy thủy điện Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động, với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, mỗi năm cho sản lượng điện bình quân đạt hơn 8,16 tỉ KWh. Đây là anh cả của hệ thống lưới điện Việt Nam góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngược lên thượng nguồn sông Đà ở khu vực Tạ Bú, Mường La, tỉnh Sơn La là nhà máy thủy điện Sơn La. Công trình này được khởi công ngày 5.12.2005 và khánh thành ngày 23.12.2012 và là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó với công suất lắp máy 2.400 MW, với 6 tổ máy sản xuất lượng điện trung bình năm là 10,246 tỉ kWh.

Một năm trước khi nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, năm 2011, nhà máy thủy điện Lai Châu được khởi công tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nguồn sản xuất điện này gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu KWh mỗi năm.

Như thế, bộ ba nhà thủy điện Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu đã vận dụng dòng chảy và lưu lượng nước của sông Đà để đem về 25 tỉ kWh điện mỗi năm nhằm phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt, điện sản xuất của quốc gia. Mối lợi này ước tính khoảng 1,2 - 1,3 tỉ USD mỗi năm.

Rõ ràng, sông Đà không chỉ kiến tạo nên văn hóa của vùng Tây Bắc, hay đóng góp nước và phù sa cho sông Hồng trong hàng nghìn năm qua để tạo nên nền văn minh sông Hồng mà còn soi sáng cho cuộc sống của nhân dân, đem đến nguồn năng lượng khổng lồ để vận hành cỗ máy xã hội.

Cho dù là dòng sông chảy khác với mọi dòng sông ở Việt Nam, thế nhưng sông Đà xứng đáng được coi là một trong những dòng sông danh tiếng nhất Việt Nam.