Sau mùa mưa lũ, một lượng rác khổng lồ lại kéo về vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giao thông đường thủy mà còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến hệ sinh thái, nguồn nước.
Rác thải tập trung nhiều nhất ở trên đoạn sông Nậm Nơn tại bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: T.Đ.
Rác thải tập trung nhiều nhất ở trên đoạn sông Nậm Nơn tại bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Rác phủ kín lòng sông kéo dài khoảng 1,5km từ cầu Nậm Nơn về phía hạ nguồn. Lượng rác thải lớn đã ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh của người dân địa phương.
Rác thải chủ yếu bao gồm các loại cây gỗ tạp, tre nứa. Đặc biệt, là các loại rác thải nhựa theo mưa lũ từ thượng nguồn đổ về. Sau khi nước lòng hồ dâng lên thì rác lại theo nước và gió dạt về khu vực sông ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Nhằm làm sạch môi trường, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiến hành thu gom, xử lý rác lòng hồ, đảm bảo an toàn cụm công trình đầu mối, vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.
Rác thải chủ yếu gồm các loại gỗ tạp, tre nứa từ thượng nguồn đổ về. Ảnh: B.V
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: Hiện tại, các đơn vị đang tập trung vớt, xử lý rác thải.
Rác tập Rác sau khi được vớt lên sẽ được tập kết tại. Các loại gỗ tạp, tre nứa sẽ được ưu tiên cho các hộ dân trong vùng, các đơn vị có nhu cầu sử dụng, tận dụng làm nguyên, nhiên liệu.
Khối lượng còn lại sẽ được thực hiện theo quy trình xử lý. Việc xử lý rác được thực hiện song song với quá trình thu gom.
Với hơn 5.000ha mặt nước, và dung tích 1,83 tỷ m3 nước, khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (nằm trên dòng sông Nậm Nơn trải dài từ huyện Tương Dương lên đến Kỳ Sơn) có vai trò rất lớn trong điều tiết nước và bảo vệ môi trường khu vực.
Máy móc được huy động để thu gom rác thải trên sông Nậm Nơn tại bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: B.V
Đặc biệt, đây cũng là nơi có điều kiện thuận lợi để người dân đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, việc thu gom lượng rác thải trôi từ thượng nguồn về lòng hồ, sẽ góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản hiện đang bị suy giảm, giúp người dân vùng lòng hồ ổn định sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.