Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn

Tuấn Vũ Thứ ba, ngày 28/05/2024 05:20 AM (GMT+7)
Bo Hay là một hồ nước ngọt mà dân địa phương coi là mỏ nước linh thiêng thuộc xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Mỏ nước này cách hàng rào biên giới Trung Quốc chỉ vài trăm mét. Điều đặc biệt là nước ở mỏ bốn mùa xanh biếc như ngọc, chả thấy cạn bao giờ, khiến du khách đến đây đều mê mải ngắm nhìn.
Bình luận 0

Ngọc Côn là một xã thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trên địa bàn xã Ngọc Côn có núi Lũng An, núi Lũng Khuốt, núi Lũng Qua, núi Lũng Thoang, núi Pò Dao, núi Tôm Đeng. 

Đặc biệt thôn Ngọc Côn cũng là nơi mà dòng sông Quây Sơn nổi tiếng (bắt nguồn từ Trung Quốc) chảy vào lãnh thổ Việt Nam. 

Dòng sông Quây Sơn hay còn gọi là sông Quế Sơn (người dân bản địa vẫn quen gọi là sông Quây Sơn), bắt nguồn từ các khe suối tại huyện Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Sau đó con sông chảy về hướng Nam, đến xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh) thì hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam. 

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 1.

Sông Quây Sơn được nhiều người biết đến bởi màu lam ngọc rất đặc biệt, nhiều khúc sông sâu, mặt nước phẳng lặng như ngừng trôi, in rõ hình bóng cây, bóng núi... Sông Quây Sơn bắt đầu vào lãnh thổ Việt Nam ngay tại xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đinh Vũ

Rồi dòng sông này tiếp tục chảy theo hướng Đông Nam, đến phía Nam của xã Đình Phong và chuyển hướng Đông, Đông Bắc về xã Đàm Thủy rồi lại chuyển hướng Đông Nam. 

Đến khu vực thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, bờ Đông của sông thuộc thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả (Trung Quốc), bờ Tây của sông thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); có đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại cột mốc số 836 ở điểm giữa của mặt chính thác Bản Giốc. Sau đó sông trở thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Sông Quây Sơn tiếp tục cuộc hành trình đến xã Minh Long (Hạ Lang) và chuyển sang hướng Tây chảy về xã Lý Quốc, giáp trấn Thạc Long (Trung Quốc).

Từ đây, sông Quây Sơn chảy hoàn toàn trong lãnh thổ Trung Quốc, theo hướng Tây rồi nhập vào sông Hắc Thủy ngay trên địa phận trấn Thạc Long. Sông Hắc Thủy sau đó lại nhập vào Tả Giang rồi đổ ra Biển Đông tại vùng châu thổ Châu Giang.

Sông Quây Sơn chảy qua lãnh thổ Việt Nam khoảng 49km và được nhiều người biết đến bởi màu lam ngọc rất đặc biệt, nhiều khúc sông sâu, mặt nước phẳng lặng như ngừng trôi. 

Dòng sông xanh biêng biếc, men qua những cánh đồng lúa ở xã Đình Phong, Ngọc Côn… in rõ hình bóng núi, bóng cây đôi bờ. Nhiều đoạn nước nông còn nhìn rõ cả đáy nước, với những viên đá cuội, cá tôm bơi lội tung tăng rất bình yên và thơ mộng.

Từ dòng sông này, nhiều khe nước, mỏ nước đã hình thành, đặc biệt nhất phải kể đến Bo Hay ở địa phận xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh (tiếng Tày, nghĩa là mỏ nước sạch). 

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 2.

Mỏ nước ở xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) quanh năm một màu xanh biếc như ngọc đến kỳ lạ. Ảnh: Đinh Vũ.

Mỏ nước này thuộc địa phận xã Ngọc Côn, cách biên giới Trung Quốc khoảng gần 1km. Theo lời kể của người dân địa phương, mỏ nước Bo Hay được hình thành từ một mạch nước ngầm đùn lên, quanh năm có màu xanh biếc như ngọc bích. 

Mặc dù nước rất trong, phẳng lặng nhưng nhìn mãi không thấy đáy, cũng chưa thấy cạn nước bao giờ. Người dân bản địa cho rằng mỏ nước này là món quà linh thiêng được thiên nhiên ban tặng nên họ rất có ý thức giữ gìn và tôn trọng nó. 

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 3.

Mỏ nước có rãnh nhỏ kết nối với sông Quây Sơn. Ảnh: Đinh Vũ

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 4.

Đập Phai Luông trên dòng sông Quây Sơn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) dẫn nước vào ruộng. Ảnh: Đinh Vũ

Mỏ nước Bo Hay và con đập này cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 18km, vì vậy rất nhiều du khách khi đến Trùng Khánh đều muốn đến nơi này tham quan, khám phá vẻ đẹp của dòng sông và chụp ảnh làm kỉ niệm. 

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 5.

Du khách đứng bên cây Phì Phà ngắm dòng sông Quây Sơn chảy êm như lụa phía dưới, sau đó đổ về thác Bản Giốc hùng vĩ. Ảnh: Đinh Vũ

Từ mỏ nước Bo Hay, du khách có thể đi bộ lên triền núi, đến chỗ cây Phì Phà (còn gọi là cây nhót tây, tỳ bà diệp) chỉ mất khoảng 10 phút và từ đây, du khách có thể ngắm toàn cảnh thung lũng Ngọc Côn với dòng sông Quây Sơn chảy êm đềm phía bên dưới. 

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 6.

Những bắp ngô vàng rực treo bên hiên nhà là hình ảnh thường gặp trong những căn nhà của người Tày ở xã Ngọc Côn. Ảnh: Tuấn Vũ

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 7.

Người Tày ở xã Ngọc Côn làm bánh Vả để chiêu đãi du khách đến chơi nhà. Ảnh: Tuấn Vũ

Sau khi ngắm mỏ nước thiêng cùng dòng sông Quây Sơn, du khách đến đây còn có dịp ngắm hàng loạt đỉnh núi đá cao sừng sững như núi Lũng An, Lũng Khuốt, Lũng Qua, Lũng Thoang... Đặc biệt là có thể ghé qua bản Gun, xã Đàm Thủy để tham quan động Ngườm Nao (xã này nằm giáp xã Ngọc Côn). 

Do được phát hiện muộn và đưa vào du lịch chưa lâu nên hang động này vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo (phát hiện năm 1921 và khai thác du lịch năm 1996). 

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 8.

Phần hang động được Hội Hang động Hoàng gia Anh khảo sát năm 1995 và cho rằng đây là mộ trong những hang động lớn của vùng núi Tây Bắc với tổng chiều dài 2.144m. Ảnh: Huy Hoàng

Trong từ Ngườm Ngao theo nghĩa của tiếng Tày thì Ngườm có nghĩa là động, Ngao có nghĩa là Hổ. Ngườm Ngao tức là Động Hổ, do lời truyền miệng kể lại rằng hồi xưa trong động có nhiều hổ sinh sống, chúng thường vào khu dân cư xung quanh bắt vật nuôi của nhân dân địa phương sau đó người dân đặt bẫy và đã bắt hết được hổ để người dân được sống an lành.

Bên cạnh lời truyền miệng trên còn có một truyền thuyết khác là tên gọi Ngườm Ngao xuất phát từ việc nghe tiếng nước chảy trong động hòa vào nhau như tiếng hổ gầm. Nhũ đá trong động phong phú hình dạng, màu sắc khiến du khách cảm thấy như đang lạc vào một mê cung huyền ảo. 

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 9.

Dòng suối chảy trong hang, nếu vào mùa không mưa, nước suốt trong vắt nhìn được cả đáy. Ảnh: Huy Hoàng

Trong động Ngườm Ngao còn có dòng suối ngầm chảy từ sông Quây Sơn đi suốt chiều dài của động rồi chảy ra bên ngoài. Do có dòng suối mà không khí trong hang động luôn mát lạnh hơi nước, mùa đông thì ấm mùa hè lại mát mẻ... 

Vào mùa không mưa, những con suối này nước trong vắt và mát lạnh, du khách có thể thoải mái nhìn xuống đáy và có thể nhặt những viên sỏi với nhiều hình thù cũng như một vài đoạn thấy những viên thạch anh đủ màu sắc.

Ngày 18/12/2021 động Ngườm Ngao chính thức đi vào khai thác tuyến 2, đây cũng là tuyến khám phá nhiều điều ký thú, hấp dẫn nhất.

Một nơi ở Cao Bằng cách Trung Quốc vài trăm mét có hồ nước ngọt xanh đến kỳ lạ, cả năm chả thấy cạn- Ảnh 10.

Ruộng bậc thang trong động, một trong những điểm nhấn thú vị.

Những truyền thuyết li kì, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nhiều phong tục tập quán độc đáo của người Tày còn được lưu giữ khiến mảnh đất vùng biên của huyện Trùng Khánh ngày càng hấp dẫn du khách gần xa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem