Ngày 12/12, Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII nhiệm kỳ 2021-2026 bước vào phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định thừa nhận, tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, vấn đề nhà vệ sinh, nhất là tại các trường điểm lẻ, chưa được đảm bảo.
Theo ông Tuấn, muốn xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, phải mất đến 400-600 triệu đồng/nhà. Nhưng nhược điểm tiểu học, hiện nay còn nhiều trường có nhiều điểm lẻ.
"1 trường tiểu học có 5 điểm lẻ, mà xây dựng 5 nhà vệ sinh, thì không tiết kiệm. Chúng tôi đang phối hợp triển khai theo phương án, tập trung đầu tư điểm chính của trường tiểu học, trong đó có sân chơi, nhà vệ sinh đảm bảo chuẩn.
Còn rút giảm bớt các điểm lẻ, vì hiện nay giao thông nông thôn phát triển, từ các điểm lẻ về điểm chính sẽ gần. Năm 2023, đã giảm được 21 điểm lẻ, năm 2024 giảm 22 điểm lẻ và theo xu hướng tiếp tục giảm điểm lẻ", ông Tuấn nói.
Tỏ ra khá bức xúc, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, trong năm 2025, phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh cấp tiểu học. Nếu địa phương nào không giải quyết, thì phải chịu trách nhiệm trước HĐND tỉnh, UBND tỉnh.
"Việc này không lớn, lẽ ra không đáng để mang ra giữa HĐND tỉnh để mà nói. Nhưng phụ huynh phản ánh rất bức xúc, con em học không dám đi vệ sinh, nín từ trưa đến chiều, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Các lãnh đạo địa phương phải làm đi, chúng ta làm bao nhiêu công trình cả hàng ngàn tỷ đồng, bỏ ra làm nhà vệ sinh chỉ vài chục triệu, thì không chịu làm. Trách nhiệm của địa phương ở đâu?. Không thể để như thế được", Bí thư Bình Định truy vấn.
Cử tri lo ngại về các dự án chậm tiến độ, năng lực nhà đầu tư "yếu kém"
Tại kỳ họp, các đại biểu chất vấn về các dự án được cấp phép, triển khai đầu tư lâu năm, nhưng không hoàn thành, dù tỉnh đã nhiều lần nhắc nhở. Việc này ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đời sống của người dân và phát triển kinh tế của tỉnh.
Đơn cử một số dự án chậm tiến độ như: dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng - giai đoạn 2 (năm 2014), dự án du lịch Hòn Khô. Một số dự án trung tâm thương mại tại TP. Quy Nhơn như: Trung tâm Thương mại dịch vụ và căn hộ I - Tower Quy Nhơn (năm 2019), Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp tại 01 Ngô Mây (năm 2019) và một số dự án khác.
Ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát các dự án triển khai trên địa bàn. Qua đó, Sở cũng nắm được một số dự án triển khai chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư.
Nguyên nhân một phần là ảnh hưởng dịch Covid-19, bởi khi triển khai dự án rơi vào năm 2020-2021, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm và những thay đổi chính sách trong việc điều chỉnh Luật đất đai, Luật đấu thầu, những tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy… buộc nhà đầu tư phải có những điều chỉnh về hồ sơ, thiết kế.
Đặc biệt, cũng có một số nhà đầu tư chưa triển khai tích cực và năng lực tài chính yếu kém.
"Thời gian qua Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực rà soát, vừa kiểm tra, vừa động viên đôn đốc để phối hợp giải quyết. Đồng thời cũng xử lý nghiêm nhà đầu tư có điều kiện triển khai nhưng không quyết tâm thực hiện", ông Nghi nói.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Định, qua kiểm tra, rà soát có nhiều dự án trước đây chậm lại, hoặc ngừng triển khai một thời gian thì trong năm 2024 đã bắt đầu triển khai lại, trong đó có nhiều dự án rất là lớn, vốn hàng nghìn tỷ đồng.
"Hiện nay, dự án số 01 Ngô Mây nhà đầu tư đã làm xong phần móng (khoan cọc nhồi), sau Tết sẽ tiến hành xây công trình công trên đất. Hay với dự án I - Tower Quy Nhơn, nhà đầu tư đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, cố gắng đến năm 2026 đi vào hoạt động", ông Nghi cho hay.
Trong 2 năm 2023-2024, Sở KH&ĐT Bình Định đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành phạt vi phạm hành chính đối với 15 dự án chậm triển khai nhưng không có lý do khách quan, với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến năm 2024, tỉnh đã tiến hành chấm dứt, thu hồi 97 dự án.