Vì sao đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Bình Định tăng, thậm chí người dân ra tận Hà Nội 'gõ cửa' Trung ương?

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 11/12/2024 17:28 PM (GMT+7)
Năm 2024, đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Bình Định tăng hơn so với năm 2023, thậm chí một số công dân ra Hà Nội đến các cơ quan Trung ương khiếu nại và nội dung đơn thư chủ yếu, liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Bình luận 0

Một số công dân ra Hà Nội khiếu nại nội dung cũ đã được UBND tỉnh giải quyết

Ngày 11/12, tại Kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Thơm - Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định, đã báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024.

Theo ông Nguyễn Văn Thơm, năm 2024 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại tỉnh này, tăng hơn so với năm 2023.

Nội dung đơn thư chủ yếu, vẫn liên quan đến lĩnh vực đất đai, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam; Dự án xây dựng đường ven biển ĐT 639; Dự án Khu đô thị và Khu du lịch sinh thái Diêm Vân; Dự án Đường Điện Biên Phủ nối dài...

"Một số vụ công dân chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong việc khiếu nại, tố cáo; tập trung khiếu kiện đông người. Một số công dân ra Hà Nội đến các cơ quan Trung ương khiếu nại nội dung cũ đã được UBND tỉnh và các Bộ ngành Trung ương xem xét, giải quyết", ông Nguyễn Văn Thơm nói.

Tỉnh Bình Định đã tiếp 3.523 lượt/4.263 người đến Trụ sở tiếp công dân và các cơ quan Nhà nước trình bày 3.041 vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 23 lượt đoàn đông người/13 vụ việc với 237 người tham gia. So với năm 2023, tiếp công dân tăng 125 lượt/390 người, số lượt đoàn đông người tăng 7 lượt, vụ việc đông người tăng 2 vụ.

Tiếp nhận, xử lý 4.269 đơn; trong đó, gồm 1.107 đơn khiếu nại, 109 đơn tố cáo và 3.053 đơn kiến nghị, phản ánh. So với năm 2023, tổng số đơn đã tiếp nhận, xử lý tăng 244 đơn; đơn thuộc thẩm quyền tăng 11 vụ khiếu nại, giảm 3 vụ tố cáo và tăng 159 vụ kiến nghị, phản ánh.

Vì sao đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Bình Định tăng, thậm chí ra tận Hà Nội 'gõ cửa' Trung ương?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thơm - Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đơn thư tăng hơn so với năm 2023 là do trong năm 2024, tại Bình Định thực hiện cùng lúc nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, phải thu hồi đất của nhiều hộ dân. Người dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng có tâm lý sợ ảnh hưởng quyền lợi của mình nên phát sinh đơn thư liên quan đến việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định đã xem xét, giải quyết 569/628 vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 90,61%). Qua giải quyết khiếu nại đã khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân 5,3 tỷ đồng và 470m2 đất các loại. Đã xem xét, giải quyết 30/32 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 93,75%). Qua giải quyết tố cáo, đã chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý, củng cố đoàn kết nội bộ tại những cơ quan, đơn vị có phát sinh đơn thư tố cáo.

"Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của một số cơ quan ở cấp cơ sở, còn sai sót"

Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định nêu, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của một số cơ quan, đơn vị ở cấp cơ sở còn có sai sót; một số vụ việc giải quyết khiếu nại lần đầu còn chậm và chưa đúng theo quy định.

Việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực quản lý đất đai của một số đơn vị cấp cơ sở chưa chặt chẽ, việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của công dân, làm phát sinh đơn thư.

"Chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn có một số quy định bất cập, thiếu thống nhất, có điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện", ông Nguyễn Văn Thơm nói.

Vì sao đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Bình Định tăng, thậm chí ra tận Hà Nội 'gõ cửa' Trung ương?- Ảnh 2.

Tình trạng tụ tập đông người trước trụ sở một số cơ quan Nhà nước để khiếu nại, phản ánh vẫn còn diễn ra tại Bình Định, ảnh chụp ngày 11/9. Ảnh: QN.

Vẫn theo Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, đơn vị còn có mặt còn hạn chế. Trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế hoặc do quyền lợi bị ảnh hưởng, bị các phần tử xấu xúi giục khiếu kiện không đúng quy định của pháp luật.

"Tại sao lại để dân mình đi kiện tụng như thế"?

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XX, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho biết, vừa rồi họp Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, thành viên Ban Nội chính Trung ương báo cáo trong 9 tháng đầu năm, số đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của Bình Định chiếm một nửa trong tổng cộng 13 tỉnh, thành miền Trung.

"Tại sao lại để dân mình đi kiện tụng như thế, đâu phải người dân thích kiện đâu. Mà là do những cái mình không giải quyết, như khi dự án đi qua đền bù giải phóng mặt bằng bất cập, rồi cưỡng chế. Trong khi đó, chính sách giải quyết đất đai, chuyển mục đích thì địa phương không làm, cứ để im đó, gây thiệt thòi cho người dân", ông Dũng đặt vấn đề.

Bí thư Bình Định cho biết, ông đọc nhiều đơn thư của người dân, cảm giác rất xót xa. Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe lại những tình hình phức tạp, để có hướng xử lý. Bí thư Bình Định cũng yêu cầu các lãnh đạo với vai trò là người đứng đầu các ngành, địa phương cần phải vào cuộc để xử lý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem