Nhiều cán bộ công tác tại bệnh viện bị khởi tố
Ngày 14/12, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 16 người, là nhân viên một công ty bảo hiểm và cán bộ tại các bệnh viện để điều tra tội "Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Nguyễn Thị Loan và Nguyễn Thị Ngân cầm đầu đường dây trục lợi bảo hiểm. Ảnh: Công an Thanh Hóa.
Theo Công an huyện Như Xuân, trong số 16 bị can, có 13 bị can bị khởi tố trong nhóm tội "Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm"; 2 bị can bị khởi tố trong nhóm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" và 1 bị can bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Như Xuân đã phát hiện có dấu hiệu bất thường về việc các khách hàng của Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Công ty bảo hiểm nhân thọ) cư trú ở xa, tại những địa bàn có kinh tế phát triển hơn nhưng lại đến Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân để khám và điều trị.
Tần xuất các bệnh án gãy chân, gãy tay trong một năm có tính liên tục, thậm chí có các khách hàng ở những huyện miền núi nhưng lại đến các huyện khác để điều trị các bệnh thông thường.
Nhận thấy các đối tượng tư vấn bảo hiểm có dâu hiệu câu kết, móc nối với cán bộ trong các bệnh viện để lập khống bệnh án nhằm trục lợi bảo hiểm nhân thọ nên Công an huyện Như Xuân đã báo cáo Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa để lập án đấu tranh.
Sau một thời gian vào cuộc, Công an huyện Như Xuân đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, Công an huyện Như Xuân đã phá án, đồng loạt khởi tố 16 người có liên quan, trong đó có 7 người là cán bộ các bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa thị xã Nghi Sơn; Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa, Bệnh viện Đa khoa Như Xuân và Bệnh viện Đa khoa Thường Xuân.
Công an xác định, người cầm đầu đường dây trục lợi bảo hiểm này là Nguyễn Thị Ngân (SN 1987; ngụ thị trấn Thường Xuân) và Nguyễn Thị Loan (SN 1990; ngụ thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương).
Đây là 2 đại lý chính của Công ty TNHH Manulife Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa.
Chỉ tính từ năm 2021 đến năm 2023, hai người này đã câu kết với nhiều đại lý bên dưới và cán bộ của các bệnh viện trên lập khống hồ sơ bệnh án chữa bệnh của các khách hàng để trục lợi tiền bảo hiểm, gây thiệt hại cho Công ty TNHH Manulife Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa gần 1 tỉ đồng.
Hiện, vụ án đang được Công an huyện Như Xuân tiếp tục điều tra, mở rộng.
Quy định tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, Điều 213 Bộ luật hình sự 2015 quy định, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.
Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp sau: Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
Người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo luật sư Sơn, người phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp:
Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm; Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp: Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Cũng theo Luật sư Hoàng Anh Sơn, các đối tượng trong vụ án này còn có thể bị xử lý về các tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".