Sinh sống bằng nghề trồng ổi, ông Phạm Minh Thuần (ngụ khóm An Ninh, thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, ông thuê 5 công đất để trồng ổi lê Đài Loan.
Ổi trồng khoảng 1 năm bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, tùy vào kỹ thuật của mỗi người, cây ổi sẽ cho trái quanh năm hoặc theo đợt.
Năm đầu tiên, ông thuê người cải tạo đất, lên liếp, đầu tư hệ thống tưới tiêu, điện, nước... Ước tính chi phí đầu tư khoảng 10 triệu đồng/công.
Hiện, vườn ổi của ông trồng được khoảng 4 năm và cho trái liên tục, dự kiến thu hoạch khoảng 6 - 7 năm thì trồng lại cây mới.
Theo ông Thuần, so nhiều giống ổi khác, ổi lê Đài Loan tương đối dễ trồng, có khả năng sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với sự thất thường của thời tiết và cho năng suất cao.
Cây ổi lê từ năm thứ 2 trở đi sẽ cho trái tăng dần qua các năm.
Năm đầu, để dưỡng cây, sau khi thu hái, người trồng nên cắt tỉa nhánh, bỏ bớt trái non, mỗi cây nên cho trái khoảng 15 - 20kg. Đến năm thứ 3, thứ 4 thì cho trái tăng lên từ 40 - 50kg...
Theo ông Thuần, nông dân trồng ổi ở thị trấn Hội An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) so nhiều giống ổi khác, ổi lê Đài Loan tương đối dễ trồng, có khả năng sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với sự thất thường của thời tiết và cho năng suất cao.
“Để trái ổi không bị xốp, đảm bảo cho chất lượng giòn, ngọt, trong quá trình chăm sóc, tôi hạn chế phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Khi trái cỡ đầu ngón chân sẽ được bao bọc cẩn thận, chủ yếu phòng sâu bệnh, chim thú, ong chích... và nhiều tác hại gây ảnh hưởng đến trái, giúp trái tươi ngon, bóng đẹp.
Ngoài ra, lớp bao bọc còn bảo vệ trái không bị ảnh hưởng thuốc trừ sâu nếu cây cần xử lý sâu bệnh. Hiện nay, xu hướng làm nông nghiệp sạch đang được nhiều nhà vườn áp dụng, không những bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, mà còn giúp giảm chi phí đầu tư và được thị trường đón nhận” - ông Thuần thông tin.
Mỗi ngày, gia đình ông Thuần xuất ra thị trường từ 80 - 100kg ổi lê Đài Loan, thời điểm được giá có thể bẻ từ 200 - 300kg/ngày.
Tuy nhiên, người trồng vườn cũng có nhiều mối lo, nhất là giá cả không ổn định. Có lúc giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, nhưng có lúc chỉ giảm còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, khiến người trồng bị lỗ.
“Nếu ổi giữ được mức giá từ 6.000 đồng/kg trở lên thì người trồng có lợi nhuận” - ông Thuần tâm sự.
Cũng sinh sống nhờ vào vườn cây ăn trái, chị Nguyễn Thị Sang (ngụ khóm An Phú, thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) hiện đang canh tác nhiều loại cây ăn trái với diện tích 4.800m2.
Trong đó, có khoảng 185 gốc ổi ruby ruột đỏ, 150 gốc hạnh (tên gọi khác là tắc hoặc quất), 90 gốc dừa xiêm và 57 gốc sầu riêng (3 năm tuổi).
Bên cạnh đó, chị Sang còn tận dụng con mương trong vườn để trồng sen, làm giàn mướp, khoai tây... Nhờ thu nhập từ vườn cây ăn trái, giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định.
Được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) là vùng đất trù phú, trồng nhiều loại trái cây ngon.
Theo chị Sang, mỗi một loại cây đều có cách trồng và chăm sóc khác nhau. Đối với cây ổi, tuy là giống cây dễ trồng, nhưng nếu không biết cách chăm sóc thì cây vẫn không cho trái hiệu quả như mong đợi. Nhất là, ảnh hưởng bởi sâu bệnh, chất lượng, sản lượng và giá cả...
Để cây phát triển tốt, trái đạt chất lượng cần phải theo dõi thường xuyên, bao bọc trái tránh sâu bệnh, loại bỏ bớt những nhánh nhiều trái.
Sau khi thu hái thì ngắt đọt, cắt bỏ các cành già cỗi, sâu bệnh hoặc mọc quá dày, tạo sự thông thoáng cho cây phát triển và quang hợp.
“Hiện, gia đình tôi chỉ trồng vườn cây ăn trái với quy mô nhỏ nên hầu hết các công đoạn chăm sóc và thu hoạch đều tự làm, để có kết quả như ý.
Tuy giống ổi ruby cho năng suất không cao, nhưng lại được giá từ 10.000 - 18.000 đồng/kg; hạnh từ 5.000 - 12000 đồng/kg, người trồng vẫn có lợi nhuận” - chị Sang nói thêm.
Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, người nông dân cần có định hướng sản xuất nông nghiệp hợp lý, thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, mang giá trị cao.
Nhất là, các nhà vườn cần chú trọng đến sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.