Dân Việt

Hàn Quốc bị chỉ trích vì miêu tả quá kỹ cảnh uống rượu trên phim

Trọng Hà (Theo Korea Times) 16/12/2024 16:17 GMT+7
Theo Viện Sức khỏe Hàn Quốc thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi, 9 trên 10 chương trình truyền hình có lượng người xem cao nhất ở Hàn Quốc đều chứa ít nhất một cảnh uống rượu.

Truyền thông Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng chỉ trích vì việc miêu tả quá mức cảnh uống rượu, đặc biệt trên các kênh truyền hình, YouTube và nền tảng phát sóng theo yêu cầu. Theo các chuyên gia và nhà quan sát trong ngành, những nội dung này không chỉ bình thường hóa hành vi uống rượu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Tại một diễn đàn học thuật được tổ chức đầu tháng này, các chương trình giải trí trên các nền tảng truyền thông đã bị chỉ trích nặng nề vì việc khắc họa cảnh uống rượu quá đà. Các chuyên gia tham gia diễn đàn đều đồng tình rằng cần có những hướng dẫn mới để giới hạn cảnh uống rượu trên mọi nền tảng truyền thông.

Hàn Quốc bị chỉ trích vì miêu tả quá kỹ cảnh uống rượu trên phim

Hàn Quốc bị chỉ trích vì miêu tả quá kỹ cảnh uống rượu trên phim - Ảnh 1.

Không thiếu cảnh nhậu nhẹt trên phim Hàn Quốc. Ảnh: KBS.

Theo Viện Sức khỏe Hàn Quốc thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi, 9 trên 10 chương trình truyền hình có lượng người xem cao nhất ở Hàn Quốc đều chứa ít nhất một cảnh uống rượu. Trong số 556 chương trình truyền hình phổ biến nhất trong vòng 5 năm qua, có đến 488 chương trình (88%) có cảnh uống rượu. Dữ liệu chính thức còn cho thấy số lượng cảnh uống rượu trung bình trong mỗi tập phim đã tăng từ 0,3 vào năm 2019 lên 1,1 vào năm 2023.

Chương trình “I Live Alone” của đài MBC, một trong những chương trình giải trí nổi tiếng nhất Hàn Quốc, đã nhiều lần bị Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc cảnh cáo. Chương trình này phát sóng các cảnh nghệ sĩ uống rượu, mất kiểm soát hoặc có hành vi không đúng mực. Được xếp hạng PG-13, chương trình bị chỉ trích vì không thực hiện trách nhiệm nâng cao nhận thức về tác hại của rượu bia.

Bà Ryu Hee-lim, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông, đồng thời là diễn giả tại diễn đàn, cho rằng chương trình đã thất bại trong việc đảm bảo trách nhiệm của một đài truyền hình công. Bà nhấn mạnh: “Chương trình này, thay vì giáo dục về tác hại của rượu, lại miêu tả uống rượu như một giải pháp cho mọi áp lực cuộc sống".

Không chỉ trên truyền hình, vấn đề còn nghiêm trọng hơn trên YouTube và các nền tảng phát sóng trực tuyến, nơi quy định của chính phủ về nội dung không phù hợp, như uống rượu quá đà, chưa được áp dụng. Nhiều chương trình trò chuyện trên YouTube, nơi khách mời được thoải mái uống rượu và thậm chí say xỉn đã đạt mức người xem cao kỷ lục. Chương trình của nghệ sĩ hài Shin Dong-yup và rapper Lee Young-ji là những ví dụ điển hình.

Theo các chuyên gia, khi tìm kiếm từ khóa “chương trình uống rượu” trên YouTube, kết quả hiển thị một lượng nội dung lớn đáng báo động. Trong số 100 video có lượt xem cao nhất, tất cả đều chứa cảnh uống rượu với tác động tiêu cực, bao gồm việc ca ngợi hành vi uống rượu, lời nói hoặc hành động không đúng mực khi say và thậm chí khuyến khích thanh thiếu niên uống rượu.

Ngoài ra, các chương trình phát sóng trực tuyến còn có số lượng cảnh uống rượu trung bình lên đến 5,6 cảnh mỗi tập vào năm 2021, cao hơn rất nhiều so với truyền hình.

Theo Luật Phát thanh Truyền hình của Hàn Quốc, các chương trình không được quảng bá hành vi “phi đạo đức” hoặc những nội dung “đồi bại, sa đọa hay bạo lực ảnh hưởng tiêu cực đến sự hướng dẫn trẻ em và thanh thiếu niên". Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nội dung trên các nền tảng trực tuyến đang đi ngược lại tinh thần của luật pháp này.

Một giáo sư từ Đại học Mở Quốc gia Hàn Quốc nhận định: “Sản xuất nội dung truyền thông cần cân nhắc đến tác động đối với khán giả trẻ. Đồng thời, chính phủ cần nâng cao trách nhiệm xã hội của các công ty sản xuất và tăng cường biện pháp xử phạt để đạt được mục tiêu này".