Dân Việt

Giáo dục, an sinh xã hội tốt sẽ làm giảm lao động trẻ em

P.V 17/12/2024 08:16 GMT+7
Chi ngân sách và vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các nhóm xã hội để mở rộng diện bao phủ sóng internet, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư, kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học là một số giải pháp giúp trẻ em học tập, giảm thiểu lao động trẻ em.

Nguy cơ tăng lao động trẻ em

Sau đại dịch Covid-19, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 4.500 trẻ mồ côi. Những tác động này đe dọa sự an toàn, tâm lý, sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ em.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lần đầu tiên sau 20 năm, lao động trẻ em có xu hướng gia tăng. Trong khi thế giới đang cố gắng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025.

Theo nghiên cứu của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), những tiến bộ về xóa bỏ lao động trẻ em đã bị đình trệ kể từ năm 2018 do tác động của Covid-19, biến đổi khí hậu. Điều này đang gây ra những thách thức lớn hơn về nguy cơ gia tăng lao động trẻ em.

Trước đó, thống kê của ILO cho thấy có hơn 160 triệu trẻ em trên toàn thế giới (tức 1/10 trẻ em trong độ tuổi 5-17 tuổi) vẫn đang tham gia lao động trẻ em.

Các chuyên gia của ILO cho rằng, nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động một cách quyết đoán thì các yếu tố như đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột, đói nghèo gia tăng và biến đổi khí hậu… sẽ khiến tình trạng lao động trẻ em tăng cao.

Giáo dục, an sinh xã hội là bệ phóng làm giảm số lao động trẻ em

Theo báo cáo "Vai trò của an sinh xã hội trong xóa bỏ lao động trẻ em - Đánh giá bằng chứng và hàm ý chính sách" của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nêu rõ, an sinh xã hội giúp giảm thiểu tình trạng gia đình rơi vào cảnh nghèo và dễ bị tổn thương, từ đó giảm căn nguyên dẫn đến lao động trẻ em.

Đại diện ILO cho biết, có nhiều lý do để đầu tư vào an sinh xã hội toàn dân. Trong đó, xóa bỏ lao động trẻ em là một trong những lý do thuyết phục nhất. Đặc biệt là khi xét đến tác động của vấn đề này đối với quyền và phúc lợi của trẻ em.

Các chuyên gia của ILO nhấn mạnh việc giảm thiểu lao động trẻ em sẽ dễ dàng hơn nếu các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội được thiết kế toàn diện và nhạy cảm với lao động trẻ em.

Giáo dục, an sinh xã hội tốt sẽ làm giảm lao động trẻ em - Ảnh 1.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành những chính sách hỗ trợ, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu. Trong đó, có nhiều giải pháp tập trung khắc phục những ảnh hưởng đối với trẻ em.

Theo đó, các quốc gia cần đảm bảo trợ cấp cho trẻ em và gia đình, để tất cả các hộ gia đình có trẻ em có thể được tiếp cận.

Các chính sách an sinh xã hội giúp các gia đình đối phó với những cú sốc về kinh tế hay y tế sẽ góp phần quan trọng làm giảm lao động trẻ em và tạo điều kiện cho trẻ em đến trường. Do đó, các Chính phủ cần xây dựng một loạt các chính sách thúc đẩy an sinh xã hội, trong đó chú trọng đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành những chính sách hỗ trợ, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu. Trong đó, có nhiều giải pháp tập trung khắc phục những ảnh hưởng đối với trẻ em.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã chi ngân sách Nhà nước và vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các nhóm xã hội để mở rộng diện bao phủ sóng internet, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư, kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp trẻ em tiếp tục học tập, hạn chế nguy cơ trở thành lao động ở tuổi vị thành niên.

Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khẩn cấp trước mắt cũng như lâu dài cho trẻ em bị nhiễm Covid-19, trẻ em mồ côi do Covid-19...