Nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em nhìn từ các làng nghề ở Ninh Bình
Nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em nhìn từ các làng nghề ở Ninh Bình
P.V
Thứ bảy, ngày 14/12/2024 09:06 AM (GMT+7)
Nhiều làng nghề ở Ninh Bình vận động người dân tham gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, nhất là trẻ em ở nông thôn và nói không với lao động là đối tượng này.
Nhiều nỗ lực của tỉnh Ninh Bình giảm thiểu lao động trẻ em
Trong những năm qua tỉnh Ninh Bình triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, nhất là việc phòng ngừa, sử dụng lao động trẻ em ở nông thôn, trong các làng nghề, hợp tác xã nông nghiệp.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh hiện có trên 277 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 27,4% dân số), trong đó có trên 119 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm 12% dân số).
Hàng năm, đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại nhiều xã, phường.
Theo đó, năm 2023, đã có tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 2.805 đại biểu là cán bộ UBND xã, các chi hội đoàn thể, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại 14 xã của 5 huyện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó việc, loạt băng rôn tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em cũng được chú trọng tới từng nhà, từng xóm.
Trẻ em sau khi tổn hại như bị bỏ rơi, bị xâm hại, bạo lực... cũng đã được các cơ quan, tổ chức triển khai các hoạt động can thiệp, hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ. Các hoạt động can thiệp tác động tới cả trẻ em, cha mẹ trẻ và các thành viên trong gia đình nhằm hỗ trợ ổn định về tâm lý, sức khỏe cho các em, củng cố năng lực như: điều trị y tế, thăm và tư vấn tại gia đình, chăm sóc nhận nuôi tạm thời, đưa trẻ vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh.
Trong năm 2024, tỉnh Ninh Bình đưa ra mục tiêu đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh; phấn đấu trên 70% xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; 95% người dân được tuyên truyền công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em dưới các hình thức.
Trước đó, ngày 30/8/2021, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, mục tiêu đến 2025, 90% doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ; 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.
Nhiều làng nghề nói không với lao động trẻ em
Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Chu Thị Hoài Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ninh Hải (Hoa Lư, Ninh Bình) cho biết, trên địa bàn xã hiện giờ có khoảng 50 - 70 hộ gia đình đang làm nghề thêu ren. Mỗi ngày cho thu nhập từ 150.000-200.000 đồng.
Bà Thu cho biết, trong các buổi tập huấn nâng cao tay nghề, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề thêu ren Văn Lâm, cũng đã lồng ghép các thông tin để tuyên truyền đến người dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về phòng, ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Chúng tôi trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cho học viên về thực trạng sử dụng lao động trẻ em trong ngành nông nghiệp, từ đó nhận biết được các hành vi vi phạm và nguyên nhân của các hành vi vi phạm pháp luật về lao động trẻ em trong ngành nông nghiệp", bà Thu nói.
Nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải có tuổi đời trên 700 năm, xuất hiện từ thời nhà Trần. Trải qua hàng thế kỷ, nghề truyền thống này vẫn được người dân lưu giữ và phát triển với những sản phẩm thêu tay độc đáo, tinh xảo, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Bà Đinh Thị Nhi, 66 tuổi, xã Ninh Hải chia sẻ rằng, các hộ trong làng nghề thêu ren Văn Lâm luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về sử dụng lao động, trong đó, tiêu chí đưa ra là chỉ tuyển dụng những lao động có trình độ, tay nghề cao, có thâm niên trong nghề, không được sử dụng lao động trẻ em dưới 18 tuổi.
Trò chuyện với PV, ông Phạm Văn Tuyến, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) cho biết, ngoài việc được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ sản xuất, các thành viên của hợp tác xã còn được tuyên truyền về hệ thống văn bản pháp luật và các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia liên quan lao động trẻ em.
“Ngoài việc được tham gia tập huấn, hợp tác xã cũng phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, nhất là trẻ em ở nông thôn”, ông Tuyến chia sẻ.
Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành là đơn vị hoạt động chủ yết trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; hợp tác xã được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ đăng ký kinh doanh 60 triệu đồng, vốn hoạt động kinh doanh làm dịch vụ 6 tỷ đồng.
Hiện, tổng số thành viên tham gia hợp tác xã là 275 thành viên. Trong đó, thành viên chủ lực 75 người, 200 thành viên vệ tinh… hoạt động trên 08 tổ hợp tác xã, 01 chi hội nghề nghiệp, 01 tổ hội nghề nghiệp…cùng liên kết hoạt động, sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.