Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng lao động trẻ em
Trong một phát biểu hồi tháng 6/2024, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 9,1% tổng số trẻ trong độ tuổi 5 - 17 của cả nước. Trong số này, có đến 1,1 triệu trẻ em được xác định là lao động trẻ em, chiếm 58,8% trẻ em tham gia hoạt động kinh tế.
"Tỷ lệ lao động trẻ em (LĐTE) tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương và thấp hơn 4,2% so với toàn cầu", ông Nam cho biết.
Theo vị lãnh đạo Cục Trẻ em, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để có thể phát huy thành tựu giảm dần lao động trẻ em một cách hiệu quả. Mục tiêu đề ra là tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian tới.
Con số cụ thể, cả nước phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em trong độ tuổi 5 - 17 xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030. Lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, đặc biệt là chính sách hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, ngành chủ trương tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành; lồng ghép giải quyết tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trong hệ thống bảo vệ trẻ em với các vấn đề giảm nghèo - an sinh xã hội.
Bộ quản lý nhà nước cũng muốn củng cố hệ thống cơ quan bảo vệ trẻ em nhằm phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em theo hướng tăng độ bao phủ, lấy trẻ em làm trung tâm.
Trước tỷ lệ lao động trẻ em ở nông thôn, làng nghề, trẻ em miền núi... đang là thực trạng đáng báo động hiện nay. Để giải quyết tình trạng lao động trẻ em bị sử dụng trái pháp luật, cần có những giải pháp thích hợp.
Theo bà Lê Hồng Loan- Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đối với trẻ em ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều em phải bỏ học đi làm để kiếm tiền giúp gia đình. Thế nhưng ở thành phố, cũng có một "kiểu" lao động trẻ em đang khá là thịnh hành đó là KOL trẻ em, những người nổi tiếng nhí, trẻ em có tầm ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm.
"Thực tế các vụ việc sử dụng lao động trẻ em ở Việt Nam vẫn còn khá nhiều. Tình trạng sử dụng lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức như: làng nghề, làm dịch vụ du lịch, giúp việc gia đình... diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự tách bạch rõ ràng về vấn đề lao động trẻ em, với học nghề hay lao động trẻ em với lao động vị thành niên, nên nhiều cơ sở vẫn nhập nhằng sử dụng lao động trẻ em", bà Loan nêu.
Tách bạch rõ lao động với học nghề, tránh nhập nhằng sử dụng lao động trẻ em
Là địa phương phải nhường hàng trăm héc ta đất nông nghiệp dành cho phát triển khu công nghiệp, đô thị và các hạ tầng thiết yếu, sau 3 năm từ xã lên phường, Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) chuyển mình với diện mạo của đô thị phát triển.
Với lợi thế gần trung tâm thành phố Từ Sơn và nằm kề khu công nghiệp VSIP, Phù Chẩn đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Hiện, toàn phường có gần 1.000 hộ đầu tư xây dựng hơn 6.000 phòng trọ cho hơn 9.000 công nhân thuê.
Theo ông Lê Xuân Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phù Chẩn, toàn phường có hơn 2.200 cơ sở sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ hằng năm đạt 550 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,1%. Đời sống nhân dân được nâng cao với thu nhập bình quân đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Toàn cho rằng, với việc đô thị hóa nhanh, kéo theo hàng nghìn lao động đến làm việc, sinh sống trên địa bàn cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chính quyền, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý, sử dụng lao động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 26/11 vừa qua, trên địa bàn phường Phù Chẩn, Sở Lao động – Thương bình và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định, kiến thức đến cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở, các bậc ông bà, cha mẹ, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động tại các xã có làng nghề truyền thống hoặc khu công nghiệp, cụm công nghiệp về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Theo ông Toàn, đây là hoạt động rất thiết thực nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng sử dụng lao động tuân thủ các quy định về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Ông cho rằng, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, các đơn vị liên quan (chính quyền địa phương, nhà trường, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo, dạy nghề...) cần kết nối các hoạt động hỗ trợ kinh tế cho gia đình trẻ em (vay vốn tạo việc làm, tham gia nhóm tín dụng tiết kiệm...) đồng thời phối hợp giám sát, can thiệp kịp thời trong các hoạt động phòng ngừa, khắc phục.
Cũng theo ông Toàn, Phù Chẩn có nhiều khu công nghiệp, cần tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động trong công tác đào tạo kỹ năng nghề, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho đối tượng là lao động trẻ. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cũng cần thường xuyên theo sát, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, giám sát để các em được làm việc trong một môi trường an toàn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.