Kinh nghiệm phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại làng nghề hơn 100 tuổi ở ngoại thành Hà Nội

P.V Thứ sáu, ngày 13/12/2024 11:42 AM (GMT+7)
Bà Trần Thị Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, 100% các cơ sở sản xuất da giày, ấp nở trên địa bàn xã không sử dụng lao động trẻ em dưới 18 tuổi.
Bình luận 0

100% các cơ sở sản xuất da giày, ấp nở không sử dụng lao động trẻ em

Chia sẻ về kinh nghiệm về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn xã, bà Trần Thị Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, hàng năm, UBND xã xây dựng và triển khai kế hoạch về thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng như có nhiều hình thức khác nhau để tuyên truyền đến từng cơ sở có sử dụng lao động về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) nổi tiếng với nghề đóng giày da truyền thống hơn 100 năm, tạo được uy tín, thương hiệu khắp cả nước.

Xã có 4 thôn với 1.733 hộ, 5.784 nhân khẩu, số người dưới 18 tuổi là 1.500. Xã có nhiều nghề thủ công truyền thống như giày da, may mặc, chăn nuôi, ấp nở gia cầm... Riêng sản xuất giày da có khoảng 500 cơ sở sản xuất, gia công với gần 6.000 lao động

Làng nghề phát triển, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đến hết năm 2023 đã đạt hơn 76 triệu đồng/người. Cả xã không còn hộ nghèo, còn 3 hộ cận nghèo. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương và xã lân cận.

img

Phú Yên đã phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất như sản xuất giày da, từ đó góp phần lớn vào việc giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thương mại dịch vụ phát triển, người dân buôn bán kinh doanh có hiệu quả. Ảnh: Minh Ngọc.

"Việc phát triển của nghề đóng giày da yêu cầu đòi hỏi nhu cầu lao động tăng cao, thế nhưng chúng tôi phải tích vực hơn trong công tác tuyên truyền về sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật trong các cơ sở sản xuất. Đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn xã là 3.340/3.843 người (đạt 86,91%)", bà Ngọc nói.

Phú Yên đã phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất như sản xuất giày da, từ đó góp phần lớn vào việc giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Vị lãnh đạo UBND xã cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời xã có chủ trương động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công ty doanh nghiệp trên địa bàn xã tích cực đào tạo, truyền nghề, tạo việc làm cho người lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 1.440/3.843 người, đạt 37,5%.

Bà Ngọc khẳng định, 100% các cơ sở sản xuất da giày, ấp nở trên địa bàn xã không sử dụng lao động trẻ em dưới 18 tuổi.

Bà Trần Thị Dung - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Phú Xuyên đánh giá, mặc dù xã Phú Yên có tỷ lệ sử dụng lao động cao, tuy nhiên đã thực hiện tốt việc phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định.

"Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em về phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông. Đồng thời phổ biến quy định của pháp luật và hướng dẫn phòng, chống bóc lột trẻ em, không sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em được phát triển", bà Dung nói.

Nhân dân ủng hộ phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu - Chi hội trưởng Hội Da giày thôn Giẽ Hạ cho biết, mỗi năm xã Phú Yên sản xuất được 6 - 7 triệu đôi giày, cung cấp cho Hà Nội và nhiều tỉnh khác trên miền Bắc.

"Thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng vừa được thành phố quyết định công nhận đạt danh hiệu "Làng nghề truyền thống"", anh Hiếu mừng rỡ nói.

Tại Phú Yên, những ngày này tập nập người mua kẻ bán. Ở đây hàng trăm ngôi nhà cao tầng, bề thế mọc lên san sát, trên những con đường trải nhựa kéo dài, thẳng tắp.

Anh Hiếu cho hay, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp làng nghề phát triển bền vững.

"Chúng tôi được UBND xã Phú Yên vận động ký kết hợp đồng với công ty môi trường để thu gom rác thải rắn từ quá trình sản xuất, đồng thời hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm. Việc tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em tham gia lao động cũng không thể thiết.

Hiện sản phẩm giày dép da của Phú Yên không chỉ được gắn mã truy xuất nguồn gốc, mà còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, góp phần đưa xã hoàn thành các mục tiêu hướng tới về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu", a Hiếu nói.

Anh Hiếu chia sẻ, nhận thức được việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, cơ sở của anh "không bao giờ nhận lao động dưới 18 tuổi". Đối với lao động từ 18 tuổi trở lên, muốn làm việc tại cơ sở đều phải trải qua quá trình đào tạo 1 tháng trước khi chính thức bắt tay vào công việc.

"Việc UBND xã thường xuyên lồng ghép với các hoạt động với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, thông báo trên các bản tin qua hệ thống loa truyền thanh về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật có nhiều hiệu ứng tích cực. Thông qua các hoạt động này, các cơ sở có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin để tuân thủ thực hiện", người đàn ông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem