Những ngày cuối năm, anh Nguyễn Anh Tú (30 tuổi, quê Phú Thọ) - một người thợ thông cống, miệt mài làm việc từ sáng sớm tới tận khuya. Công việc của anh thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc khi đồng hồ đã điểm 22 giờ đêm. Càng sát Tết, lịch làm việc của anh Tú càng trở nên dày đặc hơn, có khi anh không kịp ăn trưa hay nghỉ ngơi vì liên tục nhận các cuộc gọi từ khách hàng.
Ngay từ sáng sớm, một khách hàng gọi điện nói bồn rửa bát trong bếp bị tắc nghẽn, nước không thoát được và bốc mùi khó chịu. Đó là lúc anh Tú, với kinh nghiệm 5 năm làm việc, nhanh chóng xuất hiện và bắt tay vào công việc. Anh đến nhà khách hàng trên chiếc xe máy cũ, phía trước và sau xe chất đầy dụng cụ như một “kho đồ nghề di động”.
Thoăn thoắt vác trên vai bộ dụng cụ khoảng gần 30kg, anh Tú vừa làm vừa chia sẻ: “Công việc của tôi vào mùa đông thường đắt khách hơn vì lý do liên quan đến thời tiết, thói quen sinh hoạt và nhu cầu dọn dẹp cuối năm của người dân. Khi trời lạnh, dầu mỡ thường dễ đóng cặn hơn trong ống cống, lâu ngày chúng gây tắc nghẽn đường ống, khiến nước không thoát ra được.
Ngoài ra, dịp cuối năm thường là mùa mà mọi người sẽ tổng vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị đón Tết. Nhiều người dân tranh thủ gọi thợ kiểm tra và sửa chữa hệ thống thoát nước, xử lý tình trạng nghẹt cống lâu ngày. Điều này khiến nhu cầu thuê thợ thông cống tăng vọt vào những tháng cận Tết”.
Anh Tú cho biết thêm: “Đa số, chi phí thông tắc cống dao động khoảng từ 500.000 – 700.000 đồng cho một lần thông bồn cầu, bồn rửa bát, với những trường hợp thông tắc đơn giản. Đối với những trường hợp tắc cống nặng cần sự hỗ trợ của máy móc thì chi phí cao hơn. Thông thường cùng với sự hỗ trợ của dây lò xo nhỏ, giá từ 250.000 đồng/mét và dây lò xo lớn là từ 350.000 đồng/mét”.
Khi được hỏi về kế hoạch Tết Dương lịch, anh Tú cười: “Đó cũng chỉ là ngày làm việc bình thường với tôi. Làm nghề này, đôi khi thấy khách hàng hài lòng là mình quên hết mệt mỏi. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ tới 28 Tết Âm lịch rồi mới về nhà. Công việc này tuy vất vả và nhiều người ngại bẩn sẽ không làm được. Tuy nhiên, tôi lại rất trân trọng nó. Tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục làm việc, lo cho gia đình và đón một cái Tết trọn vẹn”.
Cũng như anh Tú, bà Nguyễn Thị Mai (40 tuổi, quê Nam Định) là một lao động tự do, quyết định sẽ ở lại Hà Nội dịp Tết Dương lịch năm nay. Cầm trên tay túi ni lông chất đầy những chai nhựa, lon bia được thu gom suốt cả ngày dài, bà Mai phấn khởi nói: “Dịp cuối năm, mọi người tổ chức tiệc tùng, nhà hàng quán xá cũng đông, nên rác thải nhiều. Mấy ngày này, tôi cố gắng nhặt thật nhanh, đi được nhiều nơi để gom đủ hàng, cuối ngày bán cũng được thêm vài trăm nghìn”.
Bà Mai cho biết, công việc của bà thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc tối muộn. Mỗi ngày, bà đi qua nhiều con phố lớn nhỏ của Hà Nội để mưu sinh không kể mưa nắng. Thời điểm cuối năm, công việc vất vả hơn, bà vẫn cố gắng tiết kiệm từng đồng để gửi về quê, mong gia đình có một cái Tết Âm lịch đủ đầy.
“Chỉ cần nghỉ làm vài ngày là mất thu nhập nên tôi cố gắng làm được thêm chút nào thì hay chút đó. Dù khó khăn nhưng trên thực tế, cuộc sống còn nhiều hoàn cảnh phải vất vả bươn chải hơn, tôi vẫn còn sức khoẻ để lao động, có một gia đình với các con ngoan ngoãn đã là rất may mắn. Tết Dương lịch dù không thể về quê nhưng tôi sẽ gọi điện cho các con để tâm sự, đấy là một việc làm mà hầu như cứ tối nào rảnh thì mấy mẹ con đều làm, cũng là cách để tôi tự dặn mình phải cố gắng thêm một chút, để con đường tương lai của các con tươi sáng hơn”, bà Mai tâm sự.
Mỗi buổi sáng sớm, bà Lê Thị Hà (48 tuổi, quê Bắc Giang) đều đặn mang những bắp ngô được lựa kỹ từ ruộng nhà ở quê đến Hà Nội, ngồi bán ở bên lề đường, chờ người đi chợ sớm hay các gia đình cần nguyên liệu tươi cho bữa ăn ghé qua.
Theo bà Hà, việc bà chọn bán ngô tươi ở Hà Nội thay vì ở quê Bắc Giang vì lý do kinh tế. “Ở quê, giá ngô rất rẻ, người dân chủ yếu trồng để ăn hoặc bán cho thương lái, giá mỗi bắp chỉ dao động từ 2.000 - 3.000 đồng. Trong khi đó, mang lên Hà Nội, tôi có thể bán được với giá từ 5.000 - 8.000 đồng mỗi bắp, có ngày thu nhập gấp đôi so với bán ở quê. Dù chi phí đi lại tốn kém, trừ hết vẫn còn lời hơn ở quê”, bà Hà nói.
Trong những ngày mọi người hối hả chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch, bà Hà vẫn cần mẫn với công việc quen thuộc của mình. Mặc cái lạnh buốt giá đầu ngày mới, bà đều đặn dậy từ 3 giờ sáng, cùng chồng chuẩn bị từng bao ngô tươi, rồi bắt xe khách từ Bắc Giang xuống Hà Nội. “Tết Dương lịch với tôi cũng như ngày thường thôi, có khi còn bận hơn vì người ta ở nhà nghỉ lễ, mua ngô về luộc cho con cái ăn. Ngày nào cũng phải tranh thủ đi sớm về muộn để kiếm thêm chút tiền lo Tết Âm lịch”, bà tâm sự.
Bà Hà cho biết, bà thường ngồi bán từ sáng sớm đến khoảng 11 giờ trưa. Sau đó, bà gom hàng không bán hết mang về cho những người bán dạo khác hoặc bán lại cho mấy gánh hàng rong. “Chỉ mong ngày nào hết hàng sớm thì được về sớm nghỉ ngơi. Mùa này lạnh quá, ngồi ngoài trời rét cóng cả tay, tôi phải trang bị đầy đủ quần áo giữ ấm cơ thế để bảo vệ sức khoẻ. Có những hôm gặp vị khách mua cả chục bắp ngô về luộc cho gia đình ăn sáng một lúc, rất phấn khởi. Nhiều người đã trở thành khách quen của tôi, họ bảo chỉ mua ngô của tôi vì biết là ngô nhà trồng, không phun thuốc nên yên tâm khi ăn”.
Khi được hỏi về mong ước, bà Hà mỉm cười, đôi bàn tay chà sát vào nhau để tìm chút ấm áp trong cái lạnh tê tái, bà nói: “Tôi chỉ mong bán được nhiều ngô, để Tết này nhà có đủ bánh chưng, có nhân đầy đặn. Với tôi, công việc này dù có vất vả nhưng nhờ có nó mà tôi có thể trang trải thêm cuộc sống cho gia đình. Chỉ cần nhìn thấy con cái khỏe mạnh, được ăn no mặc ấm là tôi đã rất hạnh phúc rồi”.