Chia sẻ tại tại Hội thảo VPBankS Talk #4: Vững vàng vượt sóng gió diễn ra chiều ngày 16/12, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế học, ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, tỷ giá VND trong những năm trước đây chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất thế giới với trong nước.
Những năm qua, Việt Nam giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại, thặng dư mang về khá tốt. Tuy nhiên, trong năm 2024, chênh lệch lãi suất là vấn đề gây ra bất ổn về tỷ giá. Chênh lệch lãi suất thường kéo theo việc rút dòng vốn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, thời gian tới có thêm ẩn số nữa tác động đến tỷ giá VND là chính sách thuế quan của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump. Ông Thế Anh bày tỏ khá đồng tình với quan điểm rằng, ông Trump sẽ "giơ cao đánh khẽ" và động thái "hùng hổ" chỉ là ban đầu.
"Nhưng xét về lợi ích của Mỹ và đối tác thương mại, về lâu dài chính sách sẽ không thể áp dụng một cách khắc nghiệt, một chiều mà phải đàm phán. Đối với, Canada và Mexico đàm phán thông qua vấn đề nhập cư; Trung Quốc thì có thể trao đổi thông qua cân bằng thương mại hơn", ông Thế Anh nói thêm.
Đề cập việc đồng USD tăng giá khi ông Donald Trump tái đắc cử, ông Thế Anh cho rằng, lý do là nhà đầu tư kỳ vọng thuế suất cao hơn thời Trump 2.0 sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Khi đó, cung đồng USD trên thị trường ngoại hối bớt đi sẽ hỗ trợ đồng USD tăng giá.
Lý do tiếp theo, khi ông Trump áp dụng chính sách thuế quan, ít nhiều sẽ chuyển thuế vào giá tiêu dùng.
"Mặc dù ông Trump tuyên bố không khiến người dân Mỹ phải chịu thuế mà để nhà xuất khẩu chịu phần thuế đó, song tôi cho rằng đó là điều không thể.
Các nhà sản xuất sẽ ít nhiều chuyển thuế đó vào giá. Điều này sẽ khiến lạm phát của Mỹ kéo dài hơn và lãi suất phải neo cao hơn, khó giảm hơn", ông Thế Anh phân tích.
Đồng thời, việc ngân hàng trung ương, các đối tác thương mại của Mỹ cũng sẽ có xu hướng chậm giảm lãi suất hơn vì họ không muốn đồng tiền họ mất giá quá nhiều. Trong đó, có thể kể đến như Ngân hàng trung ương Nhật hay Trung Quốc sẽ phải can thiệp và đó là lý do khiến đồng USD tăng trở lại
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, những yếu tố trên có thể khiến vấn đề tỷ giá có thể căng thẳng trở lại và là "ẩn số" cần theo dõi. Đặc biệt là chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và trong nước và mức độ áp dụng thuế quan của ông Trump đối với hàng hóa của Trung Quốc, Mexico và Canada.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, khoán VPBankS cho rằng, nếu Mỹ áp thuế cao với hầu hết các nước thì kinh tế thế giới sẽ và nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đều sẽ tăng trưởng chậm lại. Vì vậy, nguyên nhân sâu xa hơn có thể là việc ông Trump muốn các đối tác ngồi lại vào bàn đàm phán để có lợi hơn cho nước Mỹ.
Với chính sách thuế quan như vậy, ông Sơn cho rằng, tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Nhìn lại giai đoạn vừa qua, trước những biến động từ dòng vốn quốc tế, bầu cử Mỹ và chính sách thuế quan của ông Trump, đồng USD đã tăng khoảng 5% trong năm 2024, trong khi VND mất giá 4,4%.
Trong năm 2025, khi ông Trump áp dụng loạt chính sách thuế quan thì chắc chắnTrung Quốc sẽ đối lại bằng câu chuyện tỷ giá. Với trường hợp USD tiếp tục tăng thì Trung Quốc sẽ nới rộng biên tỷ giá để đối phó thuế quan.
Nhìn lại giai đoạn Trump 1.0, khi ông Trump đưa ra chính sách thuế vào 3/2018, giai đoạn 2018-2019, đồng USD tăng cao nhất 10% thì NDT mất giá đến khoảng 12%. Rõ ràng, chính sách thuế quan cao thì Trung Quốc nới rộng tỷ giá, đồng NDT mất giá tương ứng.
Còn tại Việt Nam, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, tỷ giá VND cũng mất khoảng 2,9%. Như vậy, đối với năm 2025, nếu thuế quan tiếp tục nóng, ông Trump có thể tiếp tục đánh thuế thì tỷ giá sẽ tác động nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
"Dự báo tỷ giá VND năm 2025 biến động trong biên độ 3% dựa trên mức nền cao 25.300 VND/USD của năm nay, có thể ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán", ông Sơn dự báo.
Ông Sơn cũng cho rằng mặt bằng lãi suất trong năm 2025 được giữ nguyên đã là điều tích cực. Bởi trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã rất linh hoạt để điều tiết lãi suất liên ngân hàng cũng như hút bớt tiền qua phát hành tín phiếu để giúp tỷ giá có sự ổn định nhất định so với các đồng tiền khác trong khu vực.
"Tuy nhiên, nếu giữa và cuối năm sau nếu sức ép từ tỷ giá và lạm phát có biến động thì lãi suất có thể nhích nhẹ", Giám đốc Chiến lược VPBankS dự báo.