Theo chân ông Nguyễn Trọng Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chúng tôi đến khu nhà kính rộng hơn 1.000m2, nơi có những chậu hoa lan vũ đang nở nở vàng rực.
Đây không phải là mô hình phát triển kinh tế của một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nào tại địa phương mà chính là nơi "loài hoa quý tộc" mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình ông Nguyễn Trọng Bình.
Ông Bình cho biết, chỉ với hơn 1.000m2 nhà kính trồng hoa lan vũ nữ này mà vợ chồng ông đã thu hoạch được khoảng 3.000 cành hoa, bán với giá từ 13.000 – 15.000 đồng/cành.
"Trước đây, trên diện tích đất trên gia đình tôi trồng cà phê, rau xanh các loại. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần thay đổi cây trồng nhưng vẫn không thấy hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, vợ chồng tôi đã nghiên cứu trồng loại cây gì đó để có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Năm 2020, sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy tại địa phương có rất ít người trồng hoa lan vũ nữ dù loại hoa mang lại thu nhập cao.
Vì vậy, tôi đã bàn với vợ chuyển đổi, làm nhà kính, trồng hoa lan vũ nữ trên diện tích 1.100m2 của gia đình", ông Nguyễn Trọng Bình chia sẻ.
Mỗi tháng, gia đình ông Bình thu hoạch được khoảng 3.000 cành hoa lan vũ nữ.
Cũng theo ông Bình, sau khi quyết định, vợ chồng ông đã bỏ ra số vốn khoảng 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở như nhà kính, làm mặt bằng, giống hoa, giá thể, làm giàn sắt trồng lan. Hoa lan vũ nữ trồng sau khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch và kéo dài từ 7-10 năm.
Tiếp lời chồng mình, bà Đinh Thị Thu Vân, vợ ông Bình cho biết, thời gian ban đầu, vợ chồng bà do chưa có kinh nghiệm chăm sóc hoa lan vũ nữ nên phải đến các nhà vườn lớn để học hỏi.
Đồng thời, việc liên hệ với các chủ vựa, đầu mối thu mua hoa cũng được ông bà xúc tiến từ những ngày đầu trồng lan.
Bà Đinh Thị Thu Vân cho biết: "Mỗi tháng, chúng tôi cắt hoa lan vũ nữ 3 lần, trung bình mỗi tháng sẽ cắt được khoảng 3.000 cành hoa đổ lại. Sau khi thu hoạch, hoa được chúng tôi đóng gói vào bao bì rồi chủ vựa sẽ đến đưa đi tiêu thụ.
Hoa lan vũ nữ được cắt và đóng gói vào bịch trước khi thương lái đến đưa đi tiêu thụ.
"Chăm hoa lan vũ nữ thì không khó, chủ yếu là bón phân và phun thuốc định kỳ thôi. Với phân thì 6 tháng tôi mới bỏ một đợt, thuốc phòng, trị bệnh thì 7-10 ngày sẽ phun định kỳ với liều lượng nhẹ để đảm bảo hoa phát triển bình thường", bà Đinh Thị Thu Vân chia sẻ.
Được trồng trong nhà kính và đặt trên những giàn sắt cách mặt đất khoảng 80cm nên lan vũ nữ thường không bị sâu, bệnh hại xâm nhập. Chính vì vậy, việc chăm sóc hoa của vợ chồng ông Bình cũng khá nhẹ nhàng.
Cầm bó hoa lan vũ nữ trên tay, ông Nguyễn Trọng Bình cho biết: "Hiện nay, hoa lan vũ nữ được thị trường khá ưa chuộng, có nhu cầu cao.
Vì thế mà thu nhập của người trồng tương đối ổn định so với những loại cây trồng khác. Với hơn 1.000m2 đất trồng hoa lan vũ nữ, vợ chồng tôi có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng.,,".
Mỗi cành hoa lan vũ nữ được ông Bình, xã Xuân Trường (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bán với giá từ 13.000 – 15.000 đồng. Ông Bình cho biết, loài hoa quý tộc này cắt cành bán trong 7-10 năm mới phải trồng lại.
"Hiện tại, ở xã Xuân Trường mới có gia đình tôi và một hộ gia đình nữa đang trồng hoa lan vũ nữ. Đây là một hướng đi mới, tạo thu nhập ổn định cho người dân, chúng tôi đang phổ biến, hướng dẫn cho một số hộ để đầu tư trồng loại hoa mang lại giá trị cao này", ông Bình bổ sung.
Theo ông Nguyễn Đình Thiện – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Đà Lạt đánh giá, trồng hoa lan vũ nữ là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thế nhưng, những mô hình như của gia đình ông Nguyễn Trọng Bình còn đang rất ít.
Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng, trước khi chuyển đổi, đầu tư cây trồng mới, người dân nên tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, đặt biệt là thị trường tiêu thụ để tránh rủi ro trong quá trình đầu tư.