Vùng đất nào của Hải Dương thu hút kỳ lạ với quý tộc, vương hầu, từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Trãi?
Một vùng ở Hải Dương, nơi vương hầu, quý tộc các triều đại chọn là đất quy tụ, ký thác, đó là vùng đất nào?
Chủ nhật, ngày 13/08/2023 05:15 AM (GMT+7)
Người xưa, đặc biệt là những danh nhân, những vương hầu, quý tộc của các triều đại đã chọn vùng đất Chí Linh, (nay là thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) làm nơi quy tụ, ký thác sự nghiệp và cuộc đời. Nay những địa điểm này đều là những danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng.
Chí Linh, Hải Dương không chỉ là nơi núi sông hòa hợp, sơn thủy hữu tình mà còn được xem là nơi tụ đức của trời đất, tụ nhân, mang đến thái bình thịnh vượng.
Chính vì vậy, người xưa, đặc biệt là những danh nhân, những vương hầu, quý tộc của các triều đại đã chọn đất này làm nơi quy tụ, ký thác sự nghiệp và cuộc đời. Nay những địa điểm này đều là những danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng.
Lừng lẫy Kiếp Bạc
Kiếp Bạc từ lâu đã trở thành điển tích trong lịch sử và ghi dấu những chiến công lừng lẫy của người Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần.
Di tích và Danh thắng Hải Dương ghi lại: Kiếp Bạc thời Trần thuộc hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang, nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh. Kiếp Bạc có dãy núi Rồng hình tay ngai bao lấy một thung lũng trù phú và thơ mộng.
Đây cũng là nơi diễn ra các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 và lần 3 của vua tôi quân dân nhà Trần thế kỷ 13. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Trần Hưng Đạo đã lập phủ đệ và quân doanh ở đây từ sau cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất.
Xét về địa thế, từ Kiếp Bạc có 6 đường sông và đường bộ, tiến lui đều thuận như về Thăng Long, ra biển, lên Bắc, xuống miền đồng bằng. Các thung lũng nối liền với sông Lục Đầu có thể tập kết hàng chục vạn thủy quân bộ, hàng ngàn chiến thuyền. Từ đỉnh núi Nam Tào, Bắc Đầu có thể quan sát một miền rộng lớn, núi sông, làng mạc bao la, tàu thuyền ngược xuôi tấp nập. Vì thế đây không chỉ là cảnh quan hùng vĩ mà còn là một vị trí quân sự quan trọng.
Sau khi đánh tan quân Nguyên, Trần Hưng Đạo sống những năm tháng thanh bình và mất tại Kiếp Bạc. Do có công sức cống hiến cho dân tộc, ngay lúc sinh thời Trần Hưng Đạo đã được người dân lập đền thờ gọi là Sinh từ.
Vua Trần Thánh Tôn tự soạn văn bia ca ngợi công đức của ông và dựng lại Sinh từ. Đền thờ ông sau được tôn tạo tại một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc.
Hùng vĩ Côn Sơn
Cách Kiếp Bạc chừng 5km về phía Tây Nam là núi Côn Sơn. Nếu đền Kiếp Bạc gắn với tên tuổi người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thì Côn Sơn được biết đến là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm và là nơi lưu dấu cuộc đời vị anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Núi Kỳ Lân, tức núi Côn Sơn, dân gian quen gọi là núi Hun cao gần 200m, dài trên 1km thuộc xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn thời Trần, nay là phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh.
Khi nhắc tới Côn Sơn, mọi người thường nhớ tới Nguyễn Trãi, tuy nhiên ít người biết rằng Côn Sơn vốn là thái ấp của Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại của Nguyễn Trãi).
Trần Nguyên Đán là người ưu ái với sự nghiệp đất nước, có tài văn võ, hiểu biết thời thế. Vào thời Long Khánh, Trần Nguyên Đán dựng động Thanh Hư trên núi Côn Sơn để làm nơi lui nghỉ.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi được ông ngoại nuôi dạy ở động Thanh Hư. Năm 1400, Nguyễn Trãi (hiệu là Ức Trai) thi đậu Thái học sinh tức Tiến sĩ.
Sau khi giặc Minh mượn cớ xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi đã tìm đến với nghĩa quân Lam Sơn dâng “Bình Ngô Sách”, phò tá Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc cứu nước. Ông đã góp công lớn vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa, đồng thời trở thành bậc khai quốc công thần của triều hậu Lê.
Đất nước thanh bình, Nguyễn Trãi trở lại Côn Sơn. Từ đấy, tuy làm quan đầu triều nhưng phần lớn thời gian ông sống ở Côn Sơn. Ông sống thanh bạch trong ngôi nhà: “Bốn vách xác xơ, chỉ có sách làm giàu” và bữa ăn thường chỉ “Cơm ăn chẳng quản dưa muối, áo mặc nài chi gấm thêu”.
Cũng tại đây, vị anh hùng cùng toàn bộ gia tộc mắc vào vụ án oan lịch sử “Lệ Chi Viên” và bị kết án tru di tam tộc. Hơn 20 năm sau, ông được Vua Lê Thánh Tông minh oan và tôn vinh “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Nguyễn Trãi được tôn vinh là Anh hùng Dân tộc và được UNESCO tôn vinh là Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Ngày nay, danh thắng Côn Sơn ở nơi có địa hình núi cao, phía trước có hồ lớn, bên phải có bãi rễ xanh tươi. Đây cũng là khu vực rừng đặc dụng; ngoài cây thông chủ đạo còn có trúc, chuối rừng, sim, mua và các cây dược liệu… không khí quanh năm mát mẻ. Đến Côn Sơn, du khách không chỉ nghe thấy âm thanh của tiếng thông reo mà còn có tiếng róc rách của suối, tiếng líu lo của chim tạo nên bản giao hưởng của núi rừng Côn Sơn hùng vĩ.
Một sự trùng hợp hiếm có, bắt đầu ngày hội Kiếp Bạc (16/8 âm lịch) là kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi, kết thúc hội đền là ngày mất của Trần Hưng Đạo (20/8 âm lịch).
Nửa thế kỷ nay, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành ngày hội lớn của cả nước. Trong những ngày này hàng vạn người đến dự hội, hàng ngàn con thuyền đậu chật bến sông.
Linh thiêng núi Phượng Hoàng
Cách Côn Sơn khoảng 6km về phía Đông Nam là núi Phượng Hoàng thuộc đất Kiệt Đặc, nay là xã Văn An của thành phố Chí Linh. Đây là nơi Chu Văn An, nhà giáo mẫu mực thời Trần treo áo từ quan về dựng nhà dạy học và sống những năm tháng cuối đời.
Theo thông tin trong sách Di tích và danh thắng Hải Dương, do có tài năng xuất chúng, đức độ hơn người nên mới hơn 20 tuổi Chu Văn An đã được Vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dạy thái tử học tập.
Lòng đau đáu vận mệnh quốc gia, ông đã dâng sớ chém 7 nịnh thần, gọi là “Thất trảm sớ”. Không được vua chấp nhận, ông bèn trả mũ áo từ quan đi chu du thiên hạ.
Đi đến vùng đất Chí Linh thấy núi Phượng Hoàng có rừng thông bát ngát, suối trong rì rào, ông đã ở lại, dựng nhà ven sườn núi để dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế. Thầy giáo Chu Văn An được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” tức người thầy của muôn đời.
Ngày nay, nơi ông sống những năm tháng cuối đời đã được hậu thế xây dựng đền thờ mang tên ông và trở thành khu di tích Phượng Hoàng, hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch.
Trung tâm phật giáo thời Trần
Từ đỉnh cao của Côn Sơn nhìn về phía Tây Bắc 10km có khoảng núi rừng hùng vĩ, trên độ cao khoảng 250m thấp thoáng một công trình kiến trúc cổ kính, đó chính là chùa Thanh Mai. Đây là ngôi chùa gắn liền với đệ nhị tổ của thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa tôn giả.
Cùng với hệ thống các chùa thuộc cánh cung Đông Bắc như: Yên Tử - Quỳnh Lâm - Côn Sơn - Báo Ân và Vĩnh Nghiêm, chùa Thanh Mai là một đại danh lam, một trung tâm phật giáo thời Trần.
Theo bia văn tại di tích thì chùa Thanh Mai được xây dựng trên núi Phật Tích, nay là núi Tam Ban thuộc xã Đỗ Xá, huyện Phượng Sơn thời Trần (nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh). Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ của Tiến sĩ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi.
Trong chùa có 7 tấm bia văn có giá trị, trong đó nổi bật là Thanh Mai Viên Thông tháp bi. Văn bia nói về thân thể sự nghiệp và hành trạng của đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm, cũng như sự nghiệp chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa cùng Huyền Quang Tôn giả.
Hàng năm ngày giỗ của đệ nhị tổ Pháp Loa đã trở thành lễ hội truyền thống của di tích. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 - 3 tháng 3 âm lịch, với sự tham gia đông đảo tăng ni Giáo hội Phật giáo tỉnh và phật tử gần xa.
Đến với chùa Thanh Mai không chỉ là tìm về cửa Phật mà còn tìm về với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Mỗi năm khi mùa đông tới, những cánh rừng nơi đây lại khoác lên mình tấm áo mới của màu trắng hoa dẻ và màu đỏ của lá phong, tạo cho khung cảnh nơi đây càng thêm độc đáo, thanh tịnh.
Thanh Mai là một trong những vùng còn giữ được diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh Hải Dương với hai loại cây trám và dẻ cùng nhiều loại gỗ quý như lim, sến, lát.
Ngoài ra, tại thành phố Chí Linh còn có đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ - người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đỗ tiến sĩ trong thời phong kiến Việt Nam và đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư... cùng nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng khác.
Trao đổi với Báo PLVN, ông Vũ Đình Tiến, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết: Chí Linh là mảnh đất “tứ linh hội tụ, lục thủy chầu về” đang ngày một phát triển. Các di tích luôn được địa phương quan tâm nghiên cứu, huy động mọi nguồn lực để đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo, cải tạo cảnh quan góp phần làm nổi bật các giá trị tại mỗi di tích.
Đặc biệt Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị cùng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai trở thành di sản thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.