Trung tướng Phùng Khắc Đăng từng là một người lính đã gắn bó suốt mười lăm năm với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Ông đã tham gia nhiều chiến dịch với nhiều trận đánh ác liệt. Từ một chiến sĩ, ông trở thành một vị tướng, trải qua nhiều đơn vị rồi về công tác tại cơ quan chiến lược, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Không chỉ dũng cảm trong chiến đấu, ông còn góp phần quan trọng trong xây dựng và củng cố sức mạnh chính trị của Quân đội.
Xuất thân trong một gia đình nông dân có nguồn gốc Nho học ở xứ Đoài nên ông thừa hưởng cái chất cần mẫn trong lao động, có lòng tự trọng rất cao. Ông có lối sống khiêm nhường, giản dị, mà như lời Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng nhận xét: "Phùng Khắc Đăng là một người hiểu biết, có kiến thức vững vàng về quân sự, chính trị và văn hoá - xã hội. Ông sâu sát, cẩn trọng trong từng quyết định, ứng xử khiêm nhường với cấp trên, với đồng đội"...
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
Nội dung: Anh Thư - Ảnh: Lina Phạm - NVCC - Thiết kế: Hữu Anh
Thưa Trung tướng, trong không khí cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một người có nhiều năm gắn bó và trưởng thành trong Quân đội, cá nhân ông, những ngày này có ý nghĩa như thế nào?
- Phải nói là rất háo hức, mong chờ sớm được gặp gỡ anh em, đồng đội. Anh em đang tại chức thì chắc phải sôi nổi chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, là ngày rất trọng đại đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam. Còn chúng tôi - những người lính đã trải qua chiến tranh, giờ về lại cuộc sống đời thường cũng rất chờ đợi ngày lễ trọng đại này, vì nó đánh dấu bước đường trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng.
Với những người về hưu thì có một niềm vui rất đặc biệt, đó là mong chờ có cuộc gặp gỡ để những người lính cựu được gặp nhau, trút bầu tâm sự, ôn lại những gian khổ, nhớ lại những ngày tháng chiến đấu dũng cảm bên nhau, và nhắc lại những đồng đội đã hy sinh, bây giờ họ đang nằm ở đâu, gia đình họ thế nào. Bên cạnh những niềm vui vẫn có những cái để nhớ lại ký ức buồn.
Những ngày này, chúng tôi càng cảm thấy vinh dự, tự hào vì từ lúc mới hình thành, quân đội nhỏ bé chỉ có 34 chiến sĩ đã trở thành lực lượng hùng mạnh như ngày nay, một đội quân được trang bị vũ khí, khí tài từ xe tăng, máy bay, tên lửa... Chúng tôi cảm thấy tự hào hơn nữa vì trong những thành quả đó, có một phần công sức nhỏ bé của những người lính cựu.
Như ông vừa nói, 80 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã rất lớn mạnh. Theo ông, dấu ấn đậm nét của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã thể hiện như thế nào trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới?
- Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kế thừa và phát huy nghệ thuật truyền thống đánh giặc của cha ông ta từ xưa đến nay. Thời Lý, thời Trần có chủ trương gửi binh sĩ ở trong nhà nông mà chúng ta thường gọi là "ngụ binh ư nông". Kế thừa truyền thống của cha ông, hiện nay chúng ta bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Đây là nét đặc sắc trong kế thừa phát triển về xây dựng lực lượng của cha ông.
Trong thời chiến tranh, vì lực của ta có hạn nên chúng ta vận dụng cách đánh linh hoạt, "lấy ít thắng nhiều", "lấy nhỏ thắng lớn", "đánh lớn bằng lực lượng nhỏ". Dân tộc Việt Nam thường phải đương đầu với các thế lực xâm lược mạnh hơn ta rất nhiều lần nên tất cả những kinh nghiệm của cha ông vẫn giữ đến bây giờ, điều đó thể hiện trong các cuộc chiến tranh với Pháp, với Mỹ. Chúng ta không thể đọ số quân, vũ khí, trang bị với họ được nên phải dùng các chiến thuật phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của đất nước, dân tộc.
Khi dùng vũ khí, chúng ta dùng "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung". Có thể nói đó là cách đánh rất đặc biệt của những nước nhỏ, nước yếu để đánh lại nước lớn, chống lại xâm lược. Chúng ta dùng nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, là kết hợp bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Bộ đội chủ lực thì đánh những trận lớn, bộ đội địa phương quần đảo giữ chân các lực lượng của địch, khuấy đảo làm cho địch không biết ta đánh chỗ nào, đánh như thế nào. Dân quân du kích thực hiện các hoạt động theo cách ẩn hiện vô hình làm cho địch không lường được. Tất cả đã tạo nên vòng xoáy làm cho địch hoang mang.
Chúng ta đã kết hợp giữa tiến công và phòng ngự. Ta biết rằng tư tưởng quân sự Việt Nam chủ yếu là tư tưởng tiến công. Từ xưa, tư tưởng của cha ông ta cũng thế. Khi giặc phương Bắc sang xâm lược, thế giặc mạnh, ông cha ta chủ trương "vườn không nhà trống", khi địch chủ quan hoặc không hợp thổ nhưỡng, binh lính nản lòng ta chủ động tấn công.
Nghệ thuật quân sự Việt Nam còn thể hiện ở việc tận dụng địa hình, địa vật để đánh địch bằng mọi hình thức, phương thức như cha ông ta đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng để đón đánh quân xâm lược.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, chứng kiến năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam và các nước sản xuất.
Cái hay của nghệ thuật quân sự Việt Nam là khi giặc đã thua, đã bị bắt làm tù nhân, cha ông ta vẫn có lòng nhân nghĩa, mở lượng hiếu sinh. Ngày xưa khi giặc phương Bắc thua, ông cha ta đã cấp voi, ngựa, thuyền, lương thực để họ về quê hương. Khi đánh thắng thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chúng ta bắt rất nhiều tù binh, đã cảm hóa, giáo dục họ và có những người đã trở thành nhân cốt trong cách mạng của nước họ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, khi phi công ném bom xuống tàn phá Việt Nam, chúng ta căm thù đến tột độ. Nhưng khi họ thất thế, bị bắt vào trong trại tù, chúng ta lại đối xử rất nhân đạo. Chính tư tưởng nhân đạo đó đã cảm hoá được những phi công Mỹ và họ là những người rất cảm tình với Việt Nam như John Kerry - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Đặc biệt với những phi công chết trận ở Việt Nam, chúng ta cũng chủ động phối hợp với họ tìm kiếm và trao lại hài cốt cho họ, đáp ứng lòng mong mỏi của các bà mẹ Mỹ.
Chính vì thế nên một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc song chúng ta vẫn chiến thắng, vẫn thống nhất được đất nước. Đó là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân và sự chiến đấu ngoan cường, dũng cảm không sợ hy sinh của các chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Quân đội đã sử dụng rất sáng tạo nghệ thuật quân sự của cha ông ta, trong nhiều lĩnh vực của hải quân, không quân... Nhưng ngoài nghệ thuật quân sự ấy, phải là sức mạnh của toàn dân, thưa ông?
- Đúng vậy! Chiến tranh là cần huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện. Ở Việt Nam thì chủ yếu là sức dân, dân ủng hộ quân. Người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, khi chiến tranh sẵn sàng hy sinh tất cả, không nề hà điều gì. Nhà thơ Thanh Tịnh có câu: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Quân đội Việt Nam ngày nay đã trở thành quân đội chính quy hiện đại. Quân đội ta có hải, lục, không quân. Biên chế về hình thức giữa các quân đội có thể giống nhau nhưng cách đánh lại có sự khác biệt.
Việt Nam đất không rộng, tiềm lực quân sự hạn chế nên mỗi quân chủng lại lựa chọn cách đánh phù hợp nhưng mang lại hiệu quả cao như không quân, hải quân cũng phục kích tạo nên những bất ngờ cho kẻ địch.
Tóm lại, chiến đấu và chiến thắng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Chính lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, căm thù giặc của người dân Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng.
Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm để xây dựng lực lượng quân đội chính quy tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Cá nhân ông đánh giá vấn đề này như nào?
- Quân đội trưởng thành như ngày nay cũng nhờ có Đảng, Nhà nước. Đảng và Nhà nước tổ chức ra lực lượng vũ trang, nuôi dưỡng, bồi dưỡng tinh thần ý chí, trang bị vũ khí, khí tài, huấn luyện lực lượng vũ trang để lực lượng vũ trang hoàn thành một trong hai nhiệm vụ chiến lược là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Hai nhiệm vụ chiến lược này đi song song với nhau. Những thành tựu đó là mối quan hệ biện chứng, khẳng định rằng có nền kinh tế phát triển tạo điều kiện cho quốc phòng phát triển. Quốc phòng phát triển mới đủ sức bảo vệ đất nước và tạo đà cho kinh tế phát triển.
Nhìn lại lịch sử, năm 1944 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ có 34 chiến sĩ, với vài khẩu súng trường, mã tấu... vậy mà cho đến bây giờ quân đội của ta đã hùng mạnh, có máy bay, xe tăng, tên lửa, có vũ khí đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại. Đó là một bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng.
Là một người từng được giao tiến hành công tác giáo dục chính trị trong xây dựng góp phần củng cố sức mạnh chính trị của Quân đội (ông từng là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), theo ông những trọng tâm trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Quân đội là gì?
- Tổng cục Chính trị là một trong hai nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Công tác chính trị tư tưởng góp phần hình thành nhân cách quân nhân, bản lĩnh chính trị của người cán bộ chiến sĩ cách mạng. Nhận rõ điều đó, Tổng cục Chính trị đã chú trọng bồi dưỡng được lòng yêu nước, ý chí căm thù kẻ xâm lược, trang bị cho họ thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng để họ tự giác phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì sự trường tồn của dân tộc và lý tưởng quang vinh.
Hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị do Tổng cục Chính trị tiến hành rất thành công trong việc chuyển nhận thức của bộ đội ở các thời điểm đặc biệt quan trọng của chiến tranh như giải quyết tốt tư tưởng cho bộ đội ở chiến dịch Điện Biên Phủ từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chậm tiến chắc". Chính sự chuyển hoá nhận thức đó đã tạo nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Khi Mỹ vào, câu hỏi được đặt ra là "Có đánh được Mỹ hay không". Bằng thực tế chiến trường, bằng những hành dộng cụ thể, bằng đúc rút kinh nghiệm ta đã khẳng định đánh được Mỹ và chắc chắc sẽ thắng Mỹ. Sự kiện 5 cánh quân ồ ạt tiến vào giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975 một lần nữa đã chứng minh sự đóng góp của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị là rất to lớn. Chúng ta biết rằng trước ngưỡng cửa kết thúc chiến tranh, trước những toan tính giữa sống và chết đều có sự chi phối đến tâm tư tình cảm của những người cầm súng chiến đấu trong quân đội. Nhưng nhờ có nhận thức chính trị, có tư tưởng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mặc dù biết xông vào trận chiến là hy sinh nhưng họ vẫn dũng cảm tiến lên.
Trong trận chiến đấu cuối cùng để giải phóng Sài Gòn chúng ta đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật tiến công và sự đồng tình nổi dậy của quần chúng nhân dân. Đã thành công trong vừa đánh vừa làm tốt công tác địch vận. Những yếu tố đó đã tạo nên cho cách mạng Việt Nam có một chiến thắng trọn vẹn. Giải phóng hoàn toàn miền Nam mà các thành phố, thị xã của chúng ta còn nguyên vẹn, nhất là thành phố Sài Gòn. Đây là một chiến công, cũng là một kỳ tích của lịch sử.
Còn ngày nay cần phải làm thế nào, thưa ông?
- Xây dựng quân đội trong thời chiến đã khó, nhưng xây dựng quân đội trong thời bình lại vô cùng khó khăn đòi hỏi các hoạt động chỉ đạo của Tổng cục Chính trị phải rất linh hoạt, nhạy bén, chủ động, tích cực. Các hoạt động Đảng, công tác chính trị phải làm cho cán bộ chiến sĩ thấy rõ những đặc điểm khó khăn đang chi phối như tình hình thế giới có những biến động, những cuộc xung động vũ trang ở từng khu vực có nguy cơ lan rộng.
Những mặt trái của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà ta đang thực hiện có tác động rất lớn đến tâm tư tình cảm của cán bộ chiến sĩ. Sự xuất hiện những gương xấu trong một bộ phận cán bộ đảng viên ít nhiều cũng làm những người cầm súng trăn trở, băn khoăn.
Bây giờ trong hoàn cảnh mới lại khác. Thời chiến tranh thì chỉ có một đối tượng là kẻ địch và mục tiêu của công tác Đảng, công tác chính trị là làm cho người lính nhận thức được âm mưu, thủ đoạn, tính thâm độc và sự nguy hiểm của chiến tranh, tạo cho người lính dũng khí để vượt qua. Trong thời bình, chủ trương trong quan hệ đối ngoại của Đảng là đa phương hoá, đa dạng hoá; trong nhận thức về kẻ địch thì trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng lại có đối tác. Vậy sự nhận thức giữa đối tác và đối tượng là vấn đề khó thứ hai.
Vấn đề tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy theo chỉ đạo của Đảng và nhà nước cũng có nhiều tác động đến tâm tư tình cảm của lực lượng vũ trang. Tổng cục Chính trị cần thấy và lường hết những đặc điểm thuận lợi khó khăn để đổi mới nội dung, phương thức tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cho phù hợp.
Điều quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tư tưởng, tổ chức, và chính sách. Nếu chúng ta mở rộng dân chủ, công khai chủ trương và chế độ chính sách vượt trội thì mục tiêu xây dựng quân đội mạnh, tinh gọn sẽ thành công.
Tôi muốn nhấn mạnh cách giải quyết trong thời bình này, ngoài giáo dục tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương đất nước, tạo nên nhận thức, bản lĩnh chính trị thì vấn đề quan trọng là giải quyết tư tưởng, chính sách, quan tâm đến đời sống của họ.
Ngoài những bản lĩnh, kiến thức về quân sự, người cán bộ quân đội nói chung và cán bộ chính trị nói riêng phải cập nhật nâng cao kiến thức mới cho mình, nhất là vấn đề về công nghệ. Nếu không sẽ không theo kịp, không quản lý được bộ đội. Một yêu cầu nữa cũng rất là quan trọng trong thời hiện nay, cán bộ quân sự phải có ngoại ngữ, nếu không sẽ bị hạn chế.
Từ một người lính, ông trải qua rất nhiều vị trí trước khi trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Có kỷ niệm đặc biệt nào khiến ông nhớ nhất khi bắt đầu làm nhiệm vụ chính trị, thưa ông?
- Tôi nhớ sau gần 4 năm công tác tại trường Sĩ quan Chính trị, năm 1993, tôi được Bộ Quốc phòng trao quyết định làm Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 1. Lúc đó tôi cũng thấy lo lắng và hồi hộp. Về Quân khu, tôi lao vào tìm hiểu các nghị quyết về xây dựng Quân khu trong điều kiện thời bình, xây dựng khu vực phòng thủ chiến lược, nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng bảo vệ Tổ quốc... Tôi cảm thấy choáng ngợp vì khi ở đơn vị chiến đấu phạm vi hẹp, ở nhà trường có đặc thù riêng. Nhưng ở vị trí mới, từ lời ăn tiếng nói, tác phong đi đứng, năng lực giải quyết công việc, rồi xử lý các mối quan hệ đều có lăng kính quan sát.
Kỷ niệm với tôi có nhiều, tôi chỉ xin kể một kỷ niệm nhỏ. Đó là anh em lập lịch trình cho tôi đi chào, ra mắt các tỉnh và thăm anh em bộ chỉ huy quân sự các tỉnh. Đến Lạng Sơn, sau màn chào hỏi và chúc mừng có một ông cũng khá lớn tuổi, có tướng mạo, đến vỗ vai tôi hất hàm hỏi: "Ông về làm Chính uỷ Quân khu có nói được tiếng Tày không? Ông còn trẻ vậy ăn gì mà bụng to thế?". Tôi trả lời: "Thưa bác, bụng thì tôi sẵn sàng mổ ra cho bác xem, còn tiếng Tày thì tôi không biết ạ". Ông bảo: "Vô lý, không nói được tiếng Tày mà làm Chính uỷ Quân khu". Tôi rơi vào thế bí, nhưng lúc ấy cũng liều mạng nói là chỉ biết một từ thôi, ông giục một từ cũng được. May là lúc trên đường đi, lái xe của tôi là người Tày đã nói với tôi một từ "không biết" bằng tiếng Tày. Khi nói xong, ông ôm tôi bảo "Thế chứ. Chính uỷ phải nói được tiếng dân tộc".
Qua chuyện này, tôi càng thấm những lời khuyên của các vị tiền bối khi làm việc với người dân tộc cần hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán của họ. Và trong quá trình công tác, tôi càng thấu hiểu công tác dân vận phải cần những gì, trong đó ngôn ngữ là cầu nối quan trọng nhất trong giao tiếp và rất hiệu quả đối với công việc.
Ông cũng là người từng được Bộ Quốc phòng cử đi làm việc với quân đội các nước. Và đối ngoại cũng là một mặt trận quan trọng trong nghệ thuật quân sự. Theo ông, điều khó nhất của một người làm công tác đối ngoại là gì?
- Tôi có may mắn được Bộ Quốc phòng cho đi làm việc với quân đội các nước, nhiều lần cử tôi làm trưởng đoàn đi nghiên cứu về xây dựng quân đội của họ. Rồi sau này, khi tôi công tác tại Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tôi lại được của tham gia nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin nên có nhiều dịp công du một số quốc gia, qua các châu lục như Ba Lan, Liên Xô rồi Nga, Mỹ, Australia, Newzeland, Lào, Campuchia, Myanmar... Có nước đến một lần, có nước đến hai, ba lần. Trong các chuyến đi, vừa là đi học, vừa là đi công vụ.
Với những người làm đối ngoại, trước hết phải có nền tảng kiến thức, phải biết ứng xử cho phù hợp hoàn cảnh. Phải có nền tảng kiến thức trong mọi lĩnh vực thì mới ứng xử được. Ngày trước khi còn công tác, khi đến bất nước nào, trước hết tôi phải tìm hiểu lịch sử, địa lý và tập tục truyền thống của họ để ứng xử cho phù hợp.
Nhiều người còn nhớ rằng, trong hai lần xảy ra bạo loạn ở Tây Nguyên, bọn Fulro phản động đã kích động người dân biểu tình, gây rối, dùng gậy đóng đinh, dao, mã tấu đánh cán bộ, phá tài sản..., ông là người đã vào "điểm nóng" để giải quyết sự việc?
- Cả hai lần sự cố xảy ra ở Tây Nguyên năm 2001 và năm 2004, tôi đều được Bộ Quốc phòng cử vào cùng anh em Quân khu 5 và Quân đoàn 3 giải quyết. Tôi nghĩ Bộ cử tôi đi vì nghĩ tôi đã gắn bó với mảnh đất miền Trung, Tây Nguyên tới 15 năm nên thông hiểu địa hình và tập tục. Mặt khác làm công tác vận động quần chúng nên cử tôi đi cũng là đúng chức trách nhiệm vụ. Vậy là lại được "lĩnh ấn tiên phong" cả hai lần.
Khi vào, đứng trên ban công Nhà khách Quân đoàn 3, tôi thấy nhiều đoàn người bao gồm già trẻ, phần đông là phụ nữ, họ đi từng đoàn, tay cầm dao quắm, lưng mang gùi, có người đóng khố lầm lũi tiến về thị xã Pleiku. Tôi nghe anh em báo cáo về vụ bạo loạn xảy ra nguyên nhân là do bọn Furlo tác động, bị tuyên truyền ông Ksor Kok sẽ cho quân tiếp viện, giải phóng Tây Nguyên, ai đi sẽ giao cho nhà đất ở thành phố. Có người dân còn nhận được cả số nhà, ngõ phố được phân chia. Một nguyên nhân khác anh em báo cáo là có một phần do nhận thức và phân bổ dân số cơ học sinh ra.
Mới đây, Trung tướng Phùng Khắc Đăng ra mắt cuốn sách “Những điều còn lại”. Cuốn sách là toàn bộ tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc của ông tới quê hương nguồn cội, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, đồng chí đồng đội, gia đình, bè bạn...
Về nhận thức thì rõ rồi, vì học vấn hạn chế, người dân Tây Nguyên vẫn còn một bộ phận tự cung tự cấp, thậm chí vẫn còn hái lượm nên không có tích luỹ, khi khó khăn ập đến, dễ bị bọn xấu lợi dụng tôn giáo lôi kéo. Vấn đề điện là một ví dụ. Nhà nước đầu tư điện, đường dây kéo đến đầu buôn làng, còn từ đó người dân phải tự túc dây dẫn và bóng đèn. Bọn phản động lợi dụng tôn giáo nói "Chúa" sẽ mang ánh sáng cho dân. Chúng cho vài chục mét dây diện, bóng đèn, thế là dân tin "Chúa Trời cho ánh sáng" và nghe theo họ. Cái lỗi của ta, của cán bộ cơ sở là không làm rõ nguồn gốc của vấn đề. Dân họ tin vào bọn tuyên truyền lừa bịp, cán bộ lại xa dân, nên có việc diễn ra không nắm được.
Ông đã trải qua những năm khốc liệt của chiến tranh và đã trở thành một trong những người có vai trò lớn trong Quân đội, có điều gì khiến ông trăn trở, mong muốn thực hiện?
- Có những điều chưa làm được khiến tôi vẫn còn trăn trở. Trong kháng chiến, khu vực ranh Lâm Tây (xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) là nơi đặt kho hậu cần của mặt trận, còn gọi là K600. Ngày 25/4/1969 địch tập kích, ném bom đánh sập hang đá trú tạm. Lúc đó trong hang còn 4 đồng chí của Trung đoàn 575 đều quê ở Đan Phượng, Hà Nội và 4 đồng chí của K600. Chúng tôi nghe anh em về báo cáo lại rằng sau khi hang sập nghe tiếng kêu cứu của đồng đội vọng ra nhưng anh em chỉ biết cúi đầu mặc niệm.
Bao năm qua, chúng tôi vẫn đau đáu về những đồng đội nằm lại đó nhưng rừng sâu, lượng đất đá sập kín hang quá lớn nên không thể làm gì khác. Chúng tôi bây giờ là những ông già xấp xỉ 80 tuổi, mắt mờ, chân chậm, chỉ có tâm nguyện tha thiết dựng được tấm bia tưởng niệm ở đó để mọi người nhớ đến.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!