Dân Việt

Tỷ giá VND/USD: Ẩn số mới từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump

H.Anh 22/12/2024 18:35 GMT+7
Tỷ giá VND/USD đang chịu sức ép từ sự tăng giá mạnh mẽ của USD và các yếu tố toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Donald Trump. Một số nhà phân tích kỳ vọng, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 – 25.500 VND/USD vào năm 2025.

Tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 – 25.500 VND/USD vào năm 2025?

Thông tin tới PV, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của CTCK MB (MBS), cho biết tỷ giá hối đoái đã trở thành tâm điểm chú ý kể từ tháng 3/2024. Tỷ giá tăng lên mức 25.470 VND/USD, tương ứng mức mất giá khoảng 4,6% so với đầu năm của VND. Nguyên nhân chính đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 23 năm, hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng của đồng USD.

Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất tăng cao khiến nhu cầu USD leo thang. Khoảng cách lãi suất cũng thúc đẩy các hoạt động đầu cơ, như tích trữ ngoại tệ để khai thác lợi thế này.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 9, đồng VND đã phục hồi đáng, kể sau khi Cụ dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản – lần đầu tiên trong vòng 4 năm. Dẫu vậy, sự phục hồi này không kéo dài. Bước sang quý IV, tỷ giá lại một lần nữa nóng lên khi nhu cầu ngoại tệ tăng vọt. Các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cho mùa sản xuất cuối năm, trong khi Kho bạc Nhà nước (KBNN) tăng mua USD để đáp ứng nghĩa vụ nợ.

Đến tháng 11, áp lực tỷ giá vẫn gia tăng khi đồng USD phục hồi mạnh mẽ sau chiến thắng của tân Tổng thống Donald Trump. Từ đầu năm đến cuối tháng 11, đồng VND đã mất giá khoảng 4,1% so với đồng USD.

Tỷ giá VND: Ẩn số mới từ chính sách thuế quan của Donald Trump - Ảnh 1.

Theo bà Hiền, các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, cùng chính sách nhập cư chặt chẽ hơn và lãi suất cao ở Mỹ so với các nền kinh tế khác, dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD mạnh lên trong năm 2025. Một kịch bản tương tự đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi đồng USD tăng gần 5% từ tháng 11/2016 đến tháng 1/2017. Các chính sách này có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Nếu lạm phát tại Mỹ duy trì quanh mức 3% và Fed giảm tốc độ cắt giảm lãi suất, chỉ số DXY có thể tiếp tục neo ở mức cao.

IMF dự báo thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 sẽ giảm còn 3,0% GDP, thấp hơn mức 5,8% của năm 2023 và tiếp tục thu hẹp trong năm 2025. Dự trữ ngoại hối, vốn là bộ đệm quan trọng, cũng hao hụt đáng kể trong năm 2024, khiến tỷ giá dễ biến động hơn trước các "cú sốc" của đồng USD.

Ở chiều ngược lại, một số yếu tố tích cực như thặng dư thương mại mạnh mẽ và vốn FDI thực hiện tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước sẽ hỗ trợ cho đồng VND. Trong bối cảnh đó, bà kỳ vọng, tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.100 – 25.500 VND/USD vào năm 2025.

"Dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị thu hẹp hơn trước áp lực của đồng USD mạnh lên và nguy cơ Mỹ tiếp tục điều tra về thao túng tiền tệ. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước có thể cần duy trì lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, đồng thời hạn chế khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ", bà Hiền nhấn mạnh thêm.

Tác động từ chính sách thuế quan Mỹ tới tỷ giá VND/USD

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường tại VPBankS Research cho biết, trong giai đoạn nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump (Trump 1.0), đồng USD tăng hơn 4,4%, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá 5,33% và đồng VND giảm 2,13%. Nguyên nhân chính đến từ tác động của chính sách thuế quan. Năm 2024, đồng USD tiếp tục tăng mạnh, với mức tăng gần 5% kể từ đầu năm. Trong bối cảnh này, đồng VND mất giá 4,46%, trong khi NDT giảm 1,82%.

"Dự báo năm 2025, nếu ông Trump áp dụng lại các chính sách thuế quan, Trung Quốc có khả năng sử dụng tỷ giá như một công cụ đối phó, bằng cách nới rộng biên độ tỷ giá để giảm tác động từ thuế. Dự báo, tỷ giá VND năm 2025 sẽ biến động trong biên độ khoảng 3%, tiềm ẩn tác động lên kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán", ông Sơn nêu.

Tỷ giá VND: Ẩn số mới từ chính sách thuế quan của Donald Trump - Ảnh 2.

Tỷ giá VND đang chịu sức ép từ sự tăng giá mạnh mẽ của USD.

Còn theo ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), tỷ giá VND trong những năm qua chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới.

Trong giai đoạn trước đây, Việt Nam đã giải quyết tương đối tốt vấn đề thâm hụt thương mại, với thặng dư thương mại mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chênh lệch lãi suất lại nổi lên như một yếu tố gây bất ổn tỷ giá, do hiện tượng dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường.

Ông Thế Anh cũng nhấn mạnh một ẩn số mới trong thời gian tới là chính sách thuế quan của ông Donald Trump. Ông đồng tình với nhận định rằng Trump có thể sử dụng chiến lược "giơ cao đánh khẽ" khởi đầu với các động thái quyết liệt nhưng về lâu dài phải tính đến lợi ích của Mỹ và các đối tác thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc không thể áp dụng các chính sách thuế quan một cách khắc nghiệt và một chiều, mà cần đi đến các thỏa thuận.

Ông cho biết, khi Tổng thống Trump công bố các chính sách thuế quan, đồng USD thường tăng giá, bởi nhà đầu tư kỳ vọng việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ làm giảm cung USD trên thị trường, từ đó đẩy giá trị đồng USD lên cao.

Ông Thế Anh cũng lưu ý vấn đề tỷ giá có thể trở nên căng thẳng trở lại, với hai yếu tố chính cần theo dõi.

Một là, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam: Lạm phát tại Mỹ, hiện ở mức khoảng 3%, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ cắt giảm lãi suất. Fed dự kiến giảm lãi suất thận trọng và từng bước.

Ha là, mức độ áp dụng thuế quan của Trump: Đặc biệt đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Mexico và Canada, chính sách thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biến động tỷ giá.

Những diễn biến này không chỉ tác động đến tỷ giá VND mà còn ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và các thị trường tài chính trong thời gian tới, theo ông Phạm Thế Anh.