Không chỉ có người Tày và người vùng cao nước ta ăn rau ngải cứu mà nhiều nơi khác người dân cũng chế biến ngải cứu thành món ăn nhưng chủ yếu là với mục đích chữa bệnh.
Cây ngải cứu mọc hoang ở nhiều nơi song không phải rau ngải cứu nào ăn cũng ngon. Rau ngải mọc ở các triền núi cao có chất lượng khác hẳn vùng thấp.
Ngải cứu ở đồng bằng rất hăng, khó ăn. Chất lượng rau ngải còn phụ thuộc vào thời tiết, phụ thuộc vào mùa. Vào mùa đông xuân rau ngải ngon nhất. Vào thời điểm có sấm sét mưa to thì rau ngải ăn sẽ đắng quá mức, người miền núi ít khi ăn.
Để bớt vị đắng, nên vò rau ngải cứu rồi rửa hoặc trần qua nước sôi. Nhưng nói rau ngải đắng nhưng ngọt cũng đúng.
Ăn một lúc sẽ xuất hiện vị ngọt cùng mùi tinh dầu của ngải cứu làm cho người đã quen ăn cứ thích ăn.
Kiểu đắng ngọt của rau ngải cứu và một số loại rau rừng rất giống với vị chua của trám trắng, của quả “Mac kham” (me rừng), ăn thấy chua nhưng sau đó lại có vị ngọt nhất là sau khi uống ngụm nước suối trong.
Rau ngải cứu là loại rau tự nhiên, ban đầu mới ăn chưa quen nhiều người không thích. Nhưng khi đã ăn vài lần những món ngon nấu với rau ngải cứu thì nhiều người lại thích. Với người Tày Cao Bằng, rau ngải cứu vừa là rau sạch, vừa là món ăn vị thuốc.
Từ ngọn ngải cứu có thể làm được nhiều món ăn. Bánh ngải cách làm gần giống bánh gai nhiều người thích.
Ngọn rau ngải thái nhỏ hay vò nát rán trứng. Cũng có thể xào rau ngải với trứng hoặc nấu rau ngải sôi thì đánh trứng gà hoặc trứng vịt xuống đảo đều.
Người ốm không nuốt nổi cơm nhưng có món canh trứng nấu rau ngải cứu hoặc trứng rán rau ngải cứu sẽ ăn được vì thế chóng hồi phục sức khỏe.
Rau ngải cứu còn để tần gà cùng thuốc bắc. Hiện nay nhiều đám cưới của người Tày Cao Bằng có món gà tần này.
Món gà tần trong đó có rau ngải làm cho thịt gà trở nên không ngấy, hầu như ai cũng ăn được. Thông thường ngọn rau ngải được nấu canh cùng thịt lợn băm dùng trong bữa cơm hằng này.
Rau ngải cứu vốn là loài rau dại mọc hoang ở vườn, mọc vạ vật ở bãi đất, ven suối. Nhiều gia đình đã đem loại rau rừng, rau dại này về trồng trong vườn làm rau nhà.
Một món nữa thường được người Tày nấu đó là canh rau ngải cứu nấu xương lợn.
Xương lợn chặt thành miếng, xào om muối mỡ đến khi gần chín cho nước vừa đủ đun sôi cho rau ngải vào chín tới là được món canh ngon.
Rau ngải cứu nấu canh thịt gà cũng là món ngon, dễ ăn và bổ dưỡng.
Ngoài ra rau ngải cũng có thể nấu với cá, dùng để ăn lẩu và nấu với một số thực phẩm khác.
Món óc lợn hấp mà không có rau ngải cứu thì mất ngon. Trong cây ngải cứu có nhiều thành phần hóa học quan trọng, là vị thuốc quý từ xa xưa người dân dùng để chữa nhiều bệnh khác nhau.
Ăn rau ngải cứu sẽ có tác dụng tốt với xương khớp, tốt cho người có bệnh về đường tiêu hóa, bệnh đường hô hấp và bệnh tim mạch...
Rau ngải cứu rất dễ trồng. Chỉ cần bứt các cành già, cành bánh tẻ rồi dâm dưới đất, tưới nước ẩm thường xuyên là hơn 1 tuần sau rau nảy mầm mới. Rau ngải cứu ưa nước, đất ẩm thường xuyên giúp loài rau bổ dưỡng ví như thần dược này tốt um,...