Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thái Bình hồi tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá rất cao các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã thực hiện rất tốt hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ và dạy nghề nông dân.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho hay, với các địa phương khác, việc triển khai hoạt động này không phải dễ nhưng với Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã thực hiện rất tốt, công tác phối hợp dạy nghề, hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp cho nông dân được đẩy mạnh.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng được đánh giá cao, góp phần vào xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, là "cây cầu nối" giữa Đảng với nhân dân. Đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình Lê Hồng Sơn cho biết, 5 năm qua, các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh như: tổ chức 12.352 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 1 triệu lượt hội viên; 795 lớp đào tạo nghề cho 29.900 nông dân; phối hợp hướng dẫn xây dựng 38 sản phẩm OCOP.
Xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 34,6 tỷ đồng cho 1.154 nông dân vay; ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.576 tỷ đồng cho 34.987 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn gần 2.348 tỷ đồng cho 21.627 hộ vay; phối hợp cung ứng gần 10.000 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm; hướng dẫn xây dựng 300 mô hình sản xuất trong nông nghiệp; tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo đầu bờ, tham quan, học tập kinh nghiệm để hội viên học tập, làm theo...
Cùng với đó, trong 5 năm, cán bộ, hội viên, nông dân đã đóng góp được trên 16,3 tỷ đồng tiền mặt, ủng hộ vật tư (cây, con giống, phân bón), lương thực, thực phẩm... trị giá thành tiền trên 5,1 tỷ đồng và 60.283 ngày công lao động hỗ trợ các hộ nghèo, hộ khó khăn trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Công tác vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được các cấp Hội triển khai hiệu quả, thiết thực. 5 năm qua, cán bộ, hội viên toàn tỉnh tiếp tục đóng góp hơn 200 tỷ đồng, gần 2 triệu ngày công, hàng triệu m2 đất để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở các địa phương; nhận tự quản hàng nghìn tuyến đường trục thôn đảm bảo luôn "Sáng - xanh - sạch - đẹp"; duy trì 572 mô hình nông dân bảo vệ môi trường nông thôn. Hàng năm, có 100% chi hội tổ chức cho trên 96% hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá", cuối năm bình xét, có trên 92,5% số hộ gia đình đạt "Gia đình văn hoá"; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", trong 5 năm, các cấp Hội đăng ký xây dựng 1.062 mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực của đời sống, trong đó có 265 mô hình Dân vận khéo trong lĩnh vực Văn hóa - xã hội. Năm 2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình Dân vận khéo nhân rộng trong toàn tỉnh "Vận động hội viên, nông dân không bỏ ruộng hoang, tích cực tham gia tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa". Đến nay, tổ chức Hội đã xây dựng và nhân rộng được 317 mô hình "tích tụ ruộng đất" ở các địa phương trong tỉnh.
Theo ông Sơn, các cấp hội trong tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, các công ty phân bón tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân như: Tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng; kỹ thuật gieo mạ trên nền đất cứng; kỹ thuật chăm sóc lúa vụ xuân; kỹ thuật chăm sóc sử dụng các chế phẩm trong sản xuất nông nghiệp; kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phối hợp cung ứng giống lúa chất lượng cao cho hội viên nông dân.
Tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 và Quyết định 971 ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đã phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho cho 7.800 người. Đồng thời, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân và đưa hàng trăm lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; các cấp Hội chủ động phối hợp tổ chức tốt việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất; Tổ chức được 540 lớp tập huấn cho 37.800 người, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất cho trên 1.000 lượt hội viên, nông dân. Mô hình trình diễn VietGAP, sản phẩm OCOP và chuyển giao mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.
Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Hưng Thịnh tổ chức 10 lớp tập huấn rau an toàn cho 1.000 hội viên nông dân tham dự; Phối hợp với công ty cổ phần thương mại Toan Vân cung ứng trên 100 tấn phân bón Lâm Thao trả chậm cho nông dân; Phối hợp công ty cổ phần phát triển nông nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, cung ứng phân bón theo phương thức trả chậm cho nông dân được 1.450 tấn phân bón các loại trị giá thành tiền 29,0 tỷ đồng Phối hợp với Công ty TNHH Đại Nghĩa và các công ty cho hội viên nông dân trên 25 máy cấy lúa. Vận động, hướng dẫn, giới thiệu, hỗ trợ nông hộ xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Tại huyện Hưng Hà, nhờ được Hội Nông dân xã hỗ trợ về vốn, anh Vũ Mạnh Hiểu, xã Đoan Hùng đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò 3B theo hướng hiện đại. Hiện tại, mô hình của gia đình anh có diện tích gần 4ha với chuồng trại đạt tiêu chuẩn, nuôi 100 con bò giống, bò thương phẩm và trồng cỏ ngọt.
Anh Hiểu chia sẻ: “Nguồn vốn vay từ quỹ hội tuy còn hạn chế nhưng đã giúp tôi và nhiều hộ khác rất nhiều trong lúc khó khăn. Từ khi đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đàn bò phát triển tốt, đề kháng khỏe. Trung bình mỗi năm tôi xuất bán khoảng 30 tấn bò thương phẩm, thu lãi khoảng 500 triệu đồng”.
Tại huyện Kiến Xương, anh Phạm Văn Tính, xã Bình Định đã quyết tâm đầu tư thay đổi mô hình nuôi cá truyền thống sang mô hình nuôi cá trên ao bán nổi. Với sự đồng hành, tư vấn và hỗ trợ vốn, kỹ thuật của Hội Nông dân xã, việc xây dựng mô hình của anh diễn ra rất thuận lợi.
Anh Tính chia sẻ, hiện gia đình anh duy trì nuôi 5 ao cá bán nổi, không chỉ dễ nuôi, dễ chăm sóc mà còn cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm mô hình cho thu khoảng 55 - 60 tấn cá, thu lãi khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Cùng với anh Tính, nhiều nông dân đã vươn lên trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương như các hội viên: Nguyễn Thị Thanh Tâm với mô hình chăn nuôi lợn sạch khép kín, Nguyễn Thái với mô hình trồng dưa lưới và nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình cho hiệu quả cao.