Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc

Phạm Duyên Thứ ba, ngày 05/11/2024 12:42 PM (GMT+7)
Tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 2.182 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 480 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ) là xã duy nhất của tỉnh Thái Bình đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Báo điện tử Dân Việt trò chuyện cùng Chủ tịch xã Đoàn Đức Hợp về cuộc cách mạng “nếp nghĩ, cách làm” khởi phát điểm đến thành công này.
Bình luận 0

Chỉ từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2024, An Thái - xã nông thôn mới nâng cao được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Động lực nào đã khơi dậy khát vọng phát triển này, thưa ông?

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, nhân dân địa phương rất phấn khởi vì mục tiêu "sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh và quản lý dân chủ" đã được minh chứng thuyết phục nhất bởi bức tranh hiện thực với chất lượng cuộc sống được nâng lên, cảnh quan môi trường, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Từ đây, sự quyết tâm và đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân được phát huy cao độ, ngày càng thể hiện, khẳng định vai trò "chủ thể" quan trọng, mang tính quyết định trong chặng đường xây dựng nông thôn mới.

Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc - Ảnh 1.

Ông Đoàn Đức Hợp, Chủ tịch UBND xã An Thái (thứ 3 từ trái qua phải) chia sẻ với phóng viên về xây dựng NTM kiểu mẫu tại địa phương. Ảnh: Anh Thơ

Phải khẳng định rằng, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quỳnh Phụ và sự phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn kịp thời của các phòng, ban chuyên môn cũng như tinh thần đoàn kết nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã khơi dậy khát vọng phát triển và tinh thần tự lực, tự cường đưa An Thái năm 2023 tiếp tục trở thành xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao ban hành theo Quyết định số 2445/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh.

Quán triệt quan điểm "xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Đảng ủy, UBND xã An Thái quyết tâm chính trị tạo cuộc cách mạng chuyển biến "nếp nghĩ, cách làm" của cả hệ thống chính trị. Bám sát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu để tập trung thực hiện hiệu quả, toàn xã đặt mục tiêu phấn đấu đến tháng 11/2023 cơ bản hoàn thành. Nối dài thành công, đến tháng 2/2024, An Thái trở thành xã đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Là xã nội đồng, xa trung tâm, không có nhiều điều kiện thuận lợi, song địa phương đã tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển toàn diện kinh tế nông thôn như thế nào thưa ông?

Tính đến nay, tổng kinh phí đã đầu tư cho xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn kiểu mẫu ở An Thái là 258.318,312 triệu đồng, trong đó: ngân sách tỉnh 32.000 triệu đồng, ngân sách huyện 59.000 triệu đồng, ngân sách địa phương 167.138,312 triệu đồng. Ngoài ra, An Thái còn là địa phương đầu tiên trong huyện Quỳnh Phụ tích cực thực hiện và thực hiện hiệu quả Thông báo kết luận 220 của Ban Thường vụ Huyện ủy về vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại để làm đường giao thông. Với tổng diện tích đất hiến 27.301m2, trong đó đất thổ cư 903,5 m2, đất nông nghiệp 26.397,5 m2, nhân dân An Thái tiếp tục phát huy tinh thần gương mẫu, nêu cao ý thức trách nhiệm góp quyền sử dụng đất với tổng giá trị khoảng 30.000 triệu đồng.

Huy động, khai thác tối đa mọi nguồn lực, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, điều hành tổ chức phát triển sản xuất, trồng trọt theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là sản xuất lúa chất lượng cao. Tỷ lệ cấy lúa năng suất, giá trị cao đạt 90 – 95% tổng diện tích. Năng xuất lúa hàng năm bình quân đạt 125-130 tạ/ha. HTXDVNN tổ chức tốt 5 loại hình dịch vụ, thực hiện ký hợp đồng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản hàng hóa cho các hội viên với Công ty TNHH đầu tư thương mại Duy Nguyên. Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP", HTXDVNN xây dựng thương hiệu "Gạo Mễ Thương" đạt sản phẩm OCOP 3 sao, đăng bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dần từ quy mô gia trại nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hàng năm, đàn trâu, bò đạt 320 - 350 con, đàn lợn 5.000 - 5.500 con, đàn gia cầm 28.000 - 30.000 con, cho giá trị thu nhập từ chăn nuôi ước đạt 20 tỷ đồng.

Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc - Ảnh 2.

Trường Tiểu học – Trung học cơ sở xã An Thái được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định.

Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, hiện nay trên địa bàn xã có 03 xưởng may mặc, thu hút hơn 250 lao động tham gia, mức thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra một số lao động tham gia các tổ thợ xây và một số lĩnh vực khác trên khắp mọi miền, mỗi năm cho thu nhập nhiều tỷ đồng. 

Xã tập trung mở rộng thị trường khu trung tâm Chợ Me và vận động nhân dân khai thác lợi thế ven các tuyến đường trục thôn, trục xã để đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh các loại mặt hàng theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, hàng năm tăng cả về số lượng, chủng loại sản phẩm. Dịch vụ vận tải với trên 30 đầu xe cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và giao thương hàng hóa đi các tỉnh, thành phố; góp phần nâng cao giá trị thu nhập từ ngành dịch vụ đạt trên 75 tỷ đồng.

Từ các nguồn vốn ngân sách và huy động xã hội hóa, UBND xã đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh như nâng cấp đường ĐH 76 cũ, đường ven sông Cô đi An Cầu, đường ven sông Rặng Dừa, xây dựng nhà đa năng trường tiểu học - trung học cơ sở, trường mầm non, trạm y tế, hồ điều hòa, vườn cổ tích, công viên cây xanh, nhà văn hóa các thôn, sân vận động trung tâm, sân thể thao các thôn, nhà làm việc của các đoàn thể. Đầu tư kết cấu hạ tầng dân cư 02 khu đất quy hoạch theo quyết định 372, các tuyến đường giao thông nội đồng, cải tạo chợ Me với tổng giá trị hơn 250 tỷ đồng.

Kinh tế phát triển toàn diện đã góp phần quan trọng tăng mức thu nhập bình quân đầu người của xã An Thái từ 68 triệu đồng/người/năm (năm 2021) lên 72,97 triệu đồng/người/năm (năm 2022) và 75,25 triệu đồng/người/năm (năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,957%.

Ông có thể mô tả về mô hình cộng đồng thôn Hạ - "thôn thông minh" sử dụng các nền tảng công nghệ, tận dụng thế mạnh và cơ hội của chuyển đổi số để phát triển bền vững?

Hiện tại, Nhà văn hóa 5/5 thôn của xã An Thái (trong đó có thôn Hạ) có đường truyền internet băng thông rộng và cung cấp Wifi miễn phí đảm bảo chất lượng ổn định cho nhân dân truy cập đọc báo, xem tin tức. Đây cũng là điểm tập trung giao lưu, sinh hoạt của nhân dân, được đặt cạnh 02 di tích cấp tỉnh là điểm du lịch tín ngưỡng tâm linh cộng đồng dân cư trong và ngoài thôn.

Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc - Ảnh 3.

Con đường hoàn thiện nhờ sự đóng góp, hiến đất của người dân xã An Thái. Ảnh: Anh Thơ

Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn với tổng số 09 thành viên được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số. Từ đó phát huy cao độ vai trò là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; kịp thời đồng hành hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, góp phần gắn kết doanh nghiệp với nhân dân địa phương nhằm mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ.

Mô hình thôn thông minh đã giúp 97,08% người dân được cập nhật kiến thức kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp. Tỷ lệ người dân trong thôn Hạ từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử là 526/750, đạt 70,09%.

Thôn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức chuyển đổi số tới người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thông qua các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề, phát hành tờ rơi, xây dựng chuyên mục phát trên hệ thống truyền thanh của xã....

Bên cạnh đó, Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn còn thành lập nhóm trên zalo theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, vận động và khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng One Touch để tiếp cận được các dịch vụ Nhà nước cung cấp, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.

Xin ông cho biết, An Thái đã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu ở lĩnh vực nổi trội nhất nào mang giá trị đặc trưng của địa phương?

Với 29 thành viên của Ban chỉ đạo xã do Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, 10 - 15 thành viên Ban vận động thôn do Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư làm Trưởng ban đã chỉ đạo xây dựng thành công mô hình văn hoá, thể thao, văn nghệ truyền thống tiêu biểu mang bản sắc của địa phương thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc.

An Thái có lễ hội truyền thống Đền A Sào được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể, trở thành di sản văn hoá phi vật thể đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, độc đáo chỉ có ở lễ hội Đền A Sào, An Thái đã tái hiện được các trò diễn xướng, trò chơi dân gian truyền thống, điển hình như: lễ rước bộ, múa lân, múa kéo chữ, giã bánh giầy, pháo đất…; và các lễ tế nam quan, nữ quan, múa hát chèo phát triển mạnh ở các cơ sở thôn.

Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc - Ảnh 4.

Xã An Thái tập trung nguồn lực xây dựng hồ điều hòa mang lại không khí trong lành cho cư dân, tái tạo cảnh quan môi trường nông thôn.

Hiện tại, xã An Thái có 07 câu lạc bộ văn hoá văn nghệ, trong đó có 02 câu lạc bộ cấp xã và 05 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng cấp thôn duy trì chế độ hoạt động thường xuyên, đều đặn, góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, phát huy khả năng sáng tạo, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.

Về phong trào thể dục thể thao, trên địa bàn xã có 6 câu lạc bộ, trong đó có 3 câu lạc bộ cấp xã và 3 câu lạc bộ cấp thôn. Số lượng thành viên của các câu lạc bộ ngày càng tăng nhanh đáng kể. Tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên (năm 2023 đạt 50,1%) và tỷ lệ gia đình thể thao (năm 2023 đạt 35%) cao hơn mức bình quân chung của huyện. 

Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" phát triển mạnh mẽ với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các môn thể thao như: cầu lông, bóng đá, bóng bàn, chạy bộ, đạp xe, yoga, thiền, dân vũ… Hoạt động thể dục thể thao đã góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho các hội viên và nhân dân. Thông qua phong trào thể thao quần chúng đã góp phần phát hiện những hạt nhân thể thao của địa phương để có hướng bồi dưỡng, tập luyện; tham gia và phát triển thể thao thành tích cao của xã tại các giải thể thao do cấp trên tổ chức.

Tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới đạt chuẩn kiểu mẫu, ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm của An Thái?

Yếu tố tiên quyết đầu tiên phải nhắc đến là nâng cao vị trí, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của UBND xã, của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã. Đồng thời, cần khẳng định vị thế, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong quản lý xã hội và trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Một bài học kinh nghiệm không thể thiếu là phải thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, minh bạch trong huy động nguồn lực của người dân nói riêng và trong suốt quá trình triển khai tổ chức xây dựng thực hiện, để nhân dân biết, tin tưởng và đồng thuận thực hiện. Bên cạnh đó, biết khai thác và huy động nguồn lực trong công tác xã hội hóa, đặc biệt là với con em quê hương luôn hướng tâm muốn góp công, góp sức xây dựng quê hương đổi mới và phát triển.

Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc - Ảnh 5.

Lớp học thông minh ở Trường Tiểu học và THCS An Thái. Ảnh: Anh Thơ

Đối với đội ngũ cán bộ cần thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ý thức trách nhiệm, phương pháp tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn cán bộ có uy tín, có phương pháp vận động tuyên truyền phù hợp để toàn dân nhận thức đúng về chủ trương, quan điểm, giải pháp..., đặc biệt là hiểu rõ vai trò chủ thể, trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi, sự hưởng thụ của mỗi công dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong quá trình tổ chức thực hiện cần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng tiểu mục đã đạt được và khai thác tối đa giá trị các tiêu chí để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mọi người dân đều phải nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của quê hương, thành quả giá trị của nông thôn đổi mới, cùng góp công góp sức chung tay xây dựng, củng cố, bổ sung, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nông thôn đạt chuẩn kiểu mẫu An Thái.

Xin cám ơn ông!

CHUYÊN MỤC "THÁI BÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem