Thái Bình ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, giữ "kho báu" ngoài đồng ruộng
Thái Bình ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, giữ "kho báu" ngoài đồng ruộng
Bình Minh
Thứ hai, ngày 02/12/2024 05:29 AM (GMT+7)
Xác định sản xuất nông nghiệp luôn là thế mạnh trong phát triển kinh tế, từ năm 2023, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, nổi bật trong đó, hỗ trợ kinh phí mua
thuốc diệt chuột, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị máy sấy...
Là tỉnh có diện tích trồng lúa đứng đầu ở miền Bắc, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn xác định rõ nông nghiệp là thế mạnh, bệ đỡ của nền kinh tế, vì vậy đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho biết, trong những năm qua, UBND tỉnh Thái Bình luôn quan tâm, có những chính sách cụ thể đối với sản xuất trồng trọt, trong đó: Quyết định hỗ trợ kinh phí mua thuốc diệt chuột bảo vệ sản xuất năm 2023; Nghị Quyết số 40 ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bản tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 29 ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị máy sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1474 ngày 10 tháng 7 năm 2023 Quyết định về việc hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông năm 2023 với định mức hỗ trợ là 200.000 đồng/ha cây trồng vụ Đông năm 2023.
Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, UBND các huyện, thành phố còn thực hiện các cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp của huyện như sau: huyện Đông Hưng hỗ trợ giống bí xanh F1 NOVA209 cho vùng sản xuất chuyên bí tại xã Bạch Đằng, hỗ trợ giống cho một số mô hình sản xuất giống lúa mới chất lượng cơm ngon, hỗ trợ phân bón cho mô hình trồng giống ngô nếp lai TBM18 tại xã Trọng Quan; Huyện Kiến Xương có cơ chế khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; Huyện Vũ Thư hỗ trợ sản xuất vụ Mùa, Vụ Đông năm 2023, trong đó có hỗ trợ mô hình sản xuất được chứng nhận VietGAP.
Theo bà Nga, nhằm thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 08 ngày 12 tháng 7 năm 2023 Ban hành Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm cho biết, tổng diện tích lúa năm 2024 của tỉnh đạt trên 150.000 ha (xếp thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng về diện tích), năng suất lúa trung bình đạt 65,2 tạ/ha, đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng, sản lượng trung bình đạt 1 triệu tấn/năm. Năm 2024, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng đạt gần 200 triệu đồng.
Ông Nghiêm cho hay, theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Bình xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung hiện đại hóa sản xuất, hoàn thiện các chuỗi giá trị sản xuất nông sản; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, tập trung, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng xây dựng thương hiệu và mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.
Xây dựng hàng loạt mô hình lĩnh vực trồng trọt
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT), trong những năm qua, đơn vị đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tổng hợp, tích hợp đa giá trị (khoa học công nghệ, tổ chức quản lý, chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường…) theo chuỗi giá trị ngành hàng; Xây dựng mô hình, dự án khuyến nông gắn với các mô hình tổ chức sản xuất của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại…) trong đó, lấy hợp tác xã là nòng cốt, nông dân làm trung tâm với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân.
Trong năm 2024, lĩnh vực trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai 20 dự án khuyến nông Trung ương tại các tỉnh phía Bắc, quy mô 974,5 ha cây trồng các loại, với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.
Một số mô hình tiêu biểu như: mô hình sản xuất lúa bản địa phục vụ phát triển sản phẩm OCOP tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (Địa bàn triển khai Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu và Lào Cai), quy mô năm 2024 110 ha; mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến sản xuất lúa nếp thương phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi tiêu thụ tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng (Địa bàn triển khai Hải Dương, Bắc Ninh), quy mô năm 2024 150 ha; mô hình mẫu trồng thâm canh cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch sinh thái tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (Địa bàn triển khai: Lào Cai, Hà Giang), quy mô năm 2024 10 ha; mô hình sản xuất đậu tương năng suất, chất lượng cao theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc (Địa bàn triển khai: Hà Giang, Tuyên Quang), quy mô năm 2024 60 ha...
Ngoài ra, còn tổ chức 141 lớp tập huấn cho các hộ nông dân trực tiếp tham gia mô hình với tổng số lượt người tham gia là 5.594 học viên tại các tỉnh phía Bắc trên các đối tượng cây trồng thuộc nhóm các dự án khuyến nông về cây lương thực, cây công nghiệp và cây ăn quả, cây rau, hoa màu và nông nghiệp tuần, thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tổng diện tích sản xuất lúa năm 2025 dự kiến khoảng 2.205 nghìn ha, giảm 23 nghìn ha so với năm 2024, diện tích giảm do chuyển đổi một phần sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn và một phần chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp (làm đường giao thông, khu công nghiệp, khi đô thị,…). Trong đó: vụ Đông Xuân 1.052 nghìn ha, giảm 7,0 nghìn ha so với năm 2024; vụ Hè Thu 171,0 nghìn ha, giảm 3 nghìn ha so với năm 2024; vụ Mùa 982 nghìn ha, giảm 13,0 nghìn ha so với năm 2024;
Năng suất: Dự kiến đạt khoảng 58,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha so với năm 2024. Trong đó: vụ Đông Xuân 64,7 tạ/ha tương đương với năm 2024; vụ Hè Thu 53,6 tạ/ha tương đương với năm 2024; vụ Mùa 53,3 tạ/ha cao hơn 3,2 tạ/ha so với năm 2024;
Sản lượng: Dự kiến sản lượng 12,960 triệu tấn, tăng 194 nghìn tấn so với 2024. Trong đó: vụ Đông Xuân 6,806 triệu tấn giảm 45 nghìn tấn so với năm 2024; vụ Hè Thu 917 nghìn tấn, giảm 15 nghìn tấn so với năm 2024; vụ Mùa 5,237 triệu tấn, cao hơn 254 nghìn tấn so với năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.