Dân Việt

Cơ hội lớn cho nông dân Việt Nam khi loại quả giàu vitamin C này xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ

Thiên Hương 27/12/2024 07:36 GMT+7
Dự kiến năm 2025, chanh leo Việt Nam sẽ chính thức được xuất khẩu sang Mỹ, mở ra cơ hội lớn cho ngành rau quả và lợi ích lớn cho người trồng chanh leo.

Trước đó, trong chuyến làm việc tại Mỹ cuối tháng 8/2024 của đoàn công tác Bộ NNPTNT, hai nước thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 20 thị trường

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NNPTNT, Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh dây (chanh leo) tươi. 

Dự kiến sau khi quá trình này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào năm 2025.

Cơ hội lớn xuất khẩu chính ngạch chanh leo vào Mỹ - Ảnh 1.

Mô hình trồng chanh leo ở xã Mường É, huyện Thuận Châu (Sơn La). Ảnh: Dân Việt

Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật đối với chanh dây tươi. Dự kiến sau khi quá trình này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào năm 2025 với kim ngạch dự ước 50-100 triệu USD.

Cục BVTV cho biết, chanh leo của nước ta đã được xuất khẩu sang 20 quốc gia trên thế giới dưới dạng quả tươi, đông lạnh và nước ép. 

Với diện tích hơn 12.000ha chanh leo, sản lượng 200.000 tấn/năm, tập trung ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Việt Nam đang là một trong những nước trồng nhiều chanh leo nhất thế giới. 

Thổ nhưỡng đã giúp chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới và khi xuất khẩu các thị trường ẩm thực khắt khe như Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan… đều được yêu thích.

Trước đó, chanh leo Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Úc, cùng với xoài, nhãn, vải thiều và thanh long. Hồi giữa năm 2022, chanh leo Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng sản xuất loại trái cây này.

Đại diện Cục BVTV cũng cho biết, những năm gần đây, nước ta liên tục đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào giống chanh leo vàng và chanh leo tím. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thu mua chế biến cũng tích cực tham gia chuỗi giá trị khép kín, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc quả chanh leo, đảm bảo tiêu chí xuất khẩu.

Cơ hội cho nông dân trồng chanh leo

Theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 của tỉnh Gia Lai, cây chanh dây (chanh leo) được xác định là 1 trong 5 cây ăn quả chủ lực (gồm: chanh leo, chuối, bơ, dứa, sầu riêng). 

Theo dự kiến, năm 2025, diện tích cây chanh leo trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên 20.000ha, lớn nhất cả nước.

Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai cho biết: Chanh leo là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Do vậy, Sở đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển loại cây trồng này theo hướng bền vững như: ưu tiên quỹ đất, kiểm soát chặt chẽ giống và vật tư nông nghiệp đầu vào, xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai các dự án đầu tư ươm cây giống chất lượng cao để cung ứng ra thị trường.

Cơ hội lớn xuất khẩu chính ngạch chanh leo vào Mỹ - Ảnh 2.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm - Giám đốc của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (tỉnh Gia Lai) hướng dẫn nông dân trồng chanh leo. Ảnh: Hoàng Lộc

Cụ thể: Viện Sản xuất cây giống chanh dây của Công ty cổ phần Nafoods Group có tổng diện tích nhà kính 6ha với công suất 6-7 triệu cây giống/năm; Trung tâm cây giống của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ với diện tích hơn 12ha, công suất khoảng 20 triệu cây giống/năm...

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 đơn vị thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao liên kết canh tác 305ha chanh dây tại huyện Ia Grai với 150 hộ dân tham gia; Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ liên kết với HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai và 2 tổ hợp tác tại huyện Mang Yang trồng 109,5ha với 223 hộ dân tham gia; HTX Thành Đạt liên kết canh tác 50ha tại huyện Chư Pưh với 170 hộ dân tham gia.

Tất cả những yếu tố trên chính là cơ sở vững chắc để Gia Lai xây dựng nguồn nguyên liệu rộng lớn, đảm bảo chất lượng nhằm phục vụ xuất khẩu.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm - Giám đốc của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (tỉnh Gia Lai), nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 cho biết, từ năm 2017, chị đã thu về hàng tỷ đồng nhờ đưa sản phẩm chanh leo xuất khẩu thị trường Pháp và Thụy Sĩ.

Đến năm 2019, chị Thơm quyết định thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm nhằm hiện thức hóa ý tưởng đầu tư chế biến, nâng cao giá trị của chanh leo.

Để có vùng nguyên liệu, HTX đã ký hợp đồng liên kết với hơn 100 hộ dân và một số HTX ở các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Chư Prông với tổng diện tích trên 100ha. Ngoài ra, HTX còn ký hợp liên kết với các hộ dân trồng chanh leo theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 30ha tại huyện Mang Yang.

"Khi liên kết với HTX, người nông dân sẽ được cung cấp giống, hướng quy trình trồng, chăm sóc chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Chúng tôi yêu cầu bà con trồng cây chanh dây phải chuẩn yêu cầu thành phần kỹ thuật chăm sóc cây, kỹ thuật thu hoạch để bảo đảm sản phẩm có mẫu mã tốt, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu của thị trường châu Âu. Bù lại, HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho họ với giá cao gấp 2-3 lần so với thị trường" - chị Thơm chia sẻ.

Chị Thơm cho biết thêm, mỗi ngày, HTX xuất khẩu hơn 1 tấn quả chanh leo sang 2 nước châu Âu là Pháp và Thụy Sĩ với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg. Việc xuất khẩu của HTX chủ yếu là ủy thác qua một doanh nghiệp để làm các thủ tục khai hải quan. 

Ngoài ra, HTX còn sản xuất một số sản phẩm khác như chanh leo tươi, ruột chanh leo đông lạnh, nước cốt chanh leo, mứt chanh leo sấy dẻo, bột chanh leo, trà detox chanh leo sấy giòn, tinh dầu chanh leo… 

Trong đó, có 4 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận 3 sao, 4 sao OCOP cấp tỉnh và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí thì HTX thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. "Sắp tới, khi quả chanh leo được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chắc chắn cơ hội mở rộng thị trường của HTX sẽ rất triển vọng" - chị Thơm nói.