"Sức khỏe" 5 tập đoàn, tổng công ty ngành nông nghiệp trước khi về lại Bộ: Doanh thu VRG vượt 1 tỷ USD/năm
"Sức khỏe" 5 tập đoàn, tổng công ty ngành nông nghiệp trước khi về lại Bộ: Doanh thu VRG vượt 1 tỷ USD/năm
Nguyễn Phương
Thứ năm, ngày 26/12/2024 15:49 PM (GMT+7)
Theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước tới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động. Trong số 19 tập đoàn, tổng công ty mà Ủy ban này đang quản lý, sẽ có 5 doanh nghiệp lớn được đưa lại về Bộ Nông nghiệp và PTNT để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
5 tập đoàn, tổng công ty sẽ được sắp xếp từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được bàn giao về lại Bộ Nông nghiệp và PTNT, gồm: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).
Tình hình kinh doanh của 5 doanh nghiệp này ra sao trước khi được giao về Bộ chuyên ngành quản lý? Dân Việt xin được "điểm mặt" từng doanh nghiệp.
Ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc VRG cho biết: Doanh thu hợp nhất năm 2024 của VRG ước đạt 26.307 tỷ đồng, bằng 105,2% kế hoạch và tăng 6,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 3.746 tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch và cao hơn 11% so với năm 2023.
Giá cao su tăng ‘dựng đứng’, 'ông lớn' VRG vượt hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh
Ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết: Năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể người lao động cùng với những giải pháp ứng phó linh hoạt, đồng bộ VRG tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
VRG đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh so với kế hoạch giao, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho trên 81.000 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 11 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù các lĩnh vực về gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su gặp rất nhiều khó khăn do các thách thức kinh tế, nhưng với việc giá bán mủ cao su tăng cao, các công ty cao su thành viên của Tập đoàn đều thực hiện vượt doanh thu, lợi nhuận kế hoạch đề ra.
Theo đó, doanh thu hợp nhất cả năm 2024 của VRG ước đạt 26.307 tỷ đồng, bằng 105,2% kế hoạch và tăng 6,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 3.746 tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch và cao hơn 11% so với năm 2023. Dự kiến nộp ngân sách toàn Tập đoàn năm 2024 là 6.100 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch tới 54%.
Với phương châm phát triển kinh tế gắn liền với an ninh quốc phòng, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, VRG đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần củng cố quốc phòng an ninh, giữ gìn an ninh trật tự nơi các công ty thành viên trú đóng. Các dự án đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả, đã và đang góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với hai nước bạn Lào và Campuchia.
Năm 2024, VRG đã tiên phong và điển hình trong hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ngành cao su. Tập đoàn đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh bao trùm và tuần hoàn, đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chung tay vì môi trường, thân thiện và tích cực đóng góp cho xã hội, cộng đồng.
VRG đã có 34 công ty thành viên xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho tổng diện tích 286.901 ha; trong đó, 18 công ty được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với diện tích 215.624 ha. Trong đó, 17 công ty đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC-FM cho tổng diện tích khoảng 120.610 ha cao su. 38 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su đạt PEFC-CoC về chuỗi hành trình sản phẩm.
VRG đã dành số tiền gần 3,4 tỷ đồng, trong đó 1,5 tỷ đồng ủng hộ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại do bão Yagi, số 4. Năm 2024, VRG có 14 công ty thành viên được vinh danh Top 100 Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam. Trong đó, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh nằm trong Top 10.
Đặt lợi nhuận cao hơn, nhiệm vụ năm 2025 của VRG không dễ dàng
Có thể nói, năm 2024, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm và không đồng đều; giá một số hàng hoá cơ bản, dầu thô tiếp tục biến động mạnh; rủi ro về nợ công và các thị trường tài chính, tiền tệ… Trong nước cũng khó khăn, song VRG đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.
Với 5 lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn thì hiệu quả chính và cốt yếu vẫn từ hoạt động trồng và khai thác mủ cao su; các hoạt động khác như Khu công nghiệp, thủy điện đều có hiệu quả nhưng VRG thừa nhận quy mô còn chưa đạt như kỳ vọng hoặc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán. Đặc biệt lĩnh vực phát triển khu công nghiệp trên đất cao su còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về pháp lý, nhiều trình tự phải qua các cơ quan có liên quan mới có cơ sở để triển khai thực hiện. Các hoạt động khác như gỗ cao su, công nghiệp cao su đều rất khó khăn, không hiệu quả...
Năm 2025 được dự báo là một năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, những thay đổi bất lợi về thời tiết, thị trường giá cả của cao su diễn biến khó lường… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong quá trình thực hiện tất cả các nhiệm vụ.
Năm 2025 cũng sẽ là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Bên cạnh đó, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty về các Bộ, cơ quan liên quan. VRG sẽ là 1 trong 5 doanh nghiệp về lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Do đó, VRG sẽ phải triển khai đồng bộ các phương án và giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025, đảm bảo mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2024.
Ngoài công tác điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, VRG sẽ phải tập trung xử lý các tồn tại về tài chính, tăng cường đầu tư phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thành viên; xây dựng các giải pháp khả thi, cụ thể đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, khu vực hoạt động chính của Tập đoàn.
Bên cạnh đó là thực hiện rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý, điều hành, tinh giản biên chế theo hướng Tinh – Gọn – Mạnh, Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả như tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong năm 2025, cũng như đảm bảo đời sống, việc làm cho hơn 81.000 người lao động, nhiệm vụ đặt ra cho Tập đoàn từ Công ty mẹ đến các đơn vị thành viên là rất lớn.
Nhận định về năm 2025, lãnh đạo VRG cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tập đoàn kỳ vọng năm sau, doanh thu và thu nhập khác khoảng 27.494 tỷ đồng (tăng 4,5%), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.632 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế 3.929 tỷ đồng. Và với việc Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên còn dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên có thể kéo dài đến năm 2028, VRG hy vọng giá cao su ở mức cao sẽ tác động tốt tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Lê Thanh Hưng cũng cho biết, bên cạnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh truyền thống, VRG sẽ tiếp tục mở rộng các lĩnh vực đầu tư ngoài cao su theo chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt, gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo (ngoài thuỷ điện), bất động sản khu công nghiệp…
Được biết, VRG đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp với tổng diện tích là gần 23.500 ha, hiện đang triển khai gần 11.000 ha tại loạt địa phương phía Nam như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong dài hạn, việc chuyển đổi đất trồng cao su sang đất KCN sẽ giúp GVR ghi nhận lợi nhuận đáng kể.
Với việc đang vận hành 16 khu công nghiệp có tổng diện tích đất hơn 6.500 ha, VRG hiện đang là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp của VRG đạt 73% và hiện còn khoảng 1.260 ha đất thương phẩm, sẵn sàng cho khai thác.
VRG đang quản lý 115 công ty gồm 99 công ty con và 16 công ty liên kết. Trong 99 công ty con có 63 công ty trồng cao su với tổng diện tích vườn cây Tập đoàn đang quản lý là 397.882 ha, (trong nước là 283.430 ha, tại Campuchia 87.772 ha và tại Lào là 26.680 ha), 10 công ty chế biến gỗ, 6 công ty khu công nghiệp, 11 công ty công nghiệp và dịch vụ, 9 công ty thuộc ngành khác.
Theo Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18/2017/NQ-TW, 19 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước (Siêu Ủy ban) sẽ được sắp xếp trở lại các bộ chuyên ngành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quản lý 5 doanh nghiệp: Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group) Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.