Theo AHLĐ Thái Hương, Hiệp hội các Doanh nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp (ATE) cần tiếp tục phát huy vai trò liên kết, quy tụ các thành viên đủ "tâm" và "tầm", thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau phát triển, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng quốc tế, năng suất, giá trị gia tăng cao, cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với sự bầu chọn của 172 hội viên chính thức và danh dự, trong nhiệm kỳ III, Ban chấp hành của ATE gồm có: 01 Chủ tịch; 03 Phó Chủ tịch (01 Phó Chủ tịch thường trực); 01 Tổng Thư ký; 04 Uỷ viên. Trong đó, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược NN-PTNT là Chủ tịch thường trực của ATE; Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH là Phó Chủ tịch của ATE.
Ghi nhận những kết quả mà ATE đã làm được trong các nhiệm kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, hiệp hội cần thúc đẩy phát triển lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tiếp tục phát huy vai trò là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp quy tụ những tập thể, cá nhân xuất sắc, có khát vọng , góp phần vào phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao nói riêng và nền kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Đại hội nhiệm kỳ III của Hiệp hội các Doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp ngày 25/12/2024. Ảnh: TĐ
Cụ thể, theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, ATE cần tiếp tục phát huy tinh thần tinh gọn bộ máy, tiếp nối thành công của công tác nhân sự hiệu quả như các nhiệm kỳ vừa qua.
"Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để hiệp hội hoạt động hiệu quả", Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chia sẻ.
Báo cáo về hoạt động của nhiệm kỳ II (2019-2024), TS. Đặng Kim Sơn cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, hiệp hội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đồng thời đạt được những thành tựu đáng tự hào.
"Các thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện các dự án hợp tác, kết nối với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước và quốc tế để tạo điều kiện hỗ trợ về khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp thành viên", TS Đặng Kim Sơn thông tin.
Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp bách về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Đặng Kim Sơn cho rằng, ATE cần tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhiệm kỳ III (2024-2029) sẽ là giai đoạn để ATE xây dựng các chiến lược, sáng kiến mới để khẳng định vai trò của hiệp hội trong việc thúc đẩy ngành nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam phát triển bền vững.
Hiệp hội tiếp tục là nơi giúp thúc đẩy các cơ chế chính sách, gỡ nút thắt, nhằm tạo điều kiện giúp các thành viên ổn định sản xuất kinh doanh trong mọi tình huống và đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường về tiêu chuẩn xanh.
"Bên cạnh áp dụng hiệu quả khoa học công nghệ 4.0, 5.0 là yêu cầu phát triển bền vững và hài hoà, toàn diện cả về kinh tế, môi trường và xã hội", Chủ tịch ATE nhiệm kỳ mới Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Hiện nay, phát triển bền vững đã trở thành lợi thế của nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội. Đây là lý do để hiệp hội đề xuất trong đại hội lần này về yêu cầu phát triển bền vững song song với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Phát biểu tại đại hội, AHLĐ Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Chủ tịch nhiệm kỳ II của Hiệp hội nhấn mạnh, giai đoạn 2019 - 2024 đã đánh dấu những thời khắc đặc biệt thách thức của nền kinh tế - xã hội toàn cầu khi trải qua đại dịch Covid; trong đó các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định.
Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch ATE (nhiệm kỳ II) và Phó Chỉ tịch ATE nhiệm kỳ III (2024-2029) nhận định, khi có sự ngày càng rộng mở và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp nông nghệ cao, các đơn vị này sẽ đứng trước cơ hội phát triển và bứt tốc để trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế. Ảnh: TĐ
Mặt khác, đây cũng là bài toán thử lửa chứng minh cho sự lựa chọn tiên phong của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao - đã góp phần giúp các doanh nghiệp này vững vàng vượt qua những biến động khó lường của thời cuộc.
Trong thời gian đó, ATE đã phát huy vai trò hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng quốc tế, năng suất, giá trị gia tăng cao.
"Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội, cá nhân tôi cũng đã có nhiều hoạt động tham vấn Chính phủ về việc khuyến khích đại công nghiệp, áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, kết hợp với khoa học quản trị tiên tiến, đưa người nông dân đi cùng, trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp", AHLĐ Thái Hương chia sẻ.
Do đó, bước sang năm 2025, nhiệm kỳ mới của hiệp hội sẽ đặt ra nhiều mục tiêu toàn diện hơn, phát huy tối đa vai trò, sứ mệnh và tầm nhìn được đặt ra từ những ngày đầu tiên.
Theo AHLĐ Thái Hương, nhắc đến động lực đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí Thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh: "Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh tế - xã hội, mà là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại".
Trên tinh thần định hướng đó, trong thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ ngành đã có nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nền kinh tế đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
AHLĐ Thái Hương nhận định, với cơ sở chính sách ngày càng rộng mở, các doanh nghiệp nông nghiệp nông nghệ cao đang đứng trước cơ hội phát triển và bứt tốc để trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế.
Đến nay, lịch sử nhân loại đã chứng kiến 4 cuộc cách mạng công nghiệp, cũng là các cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật nói chung.
Mỗi cuộc cách mạng tạo ra một trình độ phát triển ngày càng hiện đại cho quá trình công nghiệp hóa lâu dài của nhân loại - mà điển hình nhất trong thời điểm hiện tại chính là cách mạng về công nghệ.
Dựa trên nền tảng là nguồn lực thiên nhiên, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và khoa học quản trị thế giới: dù là dự án trồng trọt hay chế biến cũng áp dụng công nghệ đầu cuối tiên tiến nhất để tạo ra sản phẩm với chất lượng cao và chi phí giá thành hợp lý nhất, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, mang lại giá trị sống đích thực cho người dân, phát huy nội lực đất nước.
Khu vực trồng rau quả công nghệ cao của CTCP Cung ứng Rau quả sạch Quốc tế (FVF). Ảnh: TĐ
"Với sứ mệnh và tầm nhìn là đơn vị kết nối các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ATE tiếp tục phát huy vai trò kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ "tâm", đủ "tầm", là lực lượng có đủ năng lực, tiềm lực về vốn, tài chính, về quản trị kinh doanh, về công nghệ, kỹ thuật, về tư duy thị trường sản phẩm để sắp xếp, tổ chức sản xuất, hướng dẫn và lôi kéo người nông dân đi theo cùng làm, cùng chịu trách nhiệm và cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương", Phó Chủ tịch ATE nhiệm kỳ 2024-2029, AHLĐ Thái Hương, bày tỏ.
ATE đã, đang và sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp để xây dựng các Dự án đủ quy mô, đủ tầm cỡ, sử dụng hết các nguồn lực của xã hội; góp phần thúc đẩy odanh nghiệp xây dựng các dự án quy mô lớn, kiên định với quyết tâm cao, quyết tâm đi đến cuối cùng của dự án.
Đặc biệt, Hiệp hội sẽ là cầu nối của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp quốc tế, kết nối và chuyển giao, học tập các công nghệ mới, đầu cuối của thế giới để tiếp tục nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt, với quyết tâm cao trong việc đưa các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam vươn tầm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.