Dân Việt

Vì sao nông dân nuôi con đặc sản ở một huyện của Cà Mau lại có lợi ích từ triều cường?

Việt Tiến 27/12/2024 09:22 GMT+7
Vào những ngày cao điểm của triều cường, mực nước các tuyến sông trên địa bàn huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) dâng cao, gây ngập úng cục bộ một số tuyến lộ, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân...

Vào những ngày cao điểm của triều cường, mực nước các tuyến sông trên địa bàn huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) thường xuyên dâng cao, gây ngập úng cục bộ một số tuyến lộ trũng thấp, ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. 

Tuy nhiên, triều cường cũng mang lại nhiều lợi ích cho nuôi thuỷ sản, giúp độ mặn tăng cao và bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên cho sò huyết nuôi xen canh trong vuông tôm phát triển.

Huyện Cái Nước có tổng diện tích nuôi thuỷ sản trên 30.000 ha, chia thành 2 vùng hệ sinh thái khác nhau. 

Trong đó, các xã: Tân Hưng Ðông, Trần Thới, Ðông Thới, Ðông Hưng, Tân Hưng và một phần thị trấn Cái Nước nằm ven theo tuyến sông Bảy Háp và tuyến sông Cái Nước - Cà Mau, có biên độ thuỷ triều dao động lớn, thích hợp cho các loài thuỷ sản phát triển. 

Các địa phương còn lại, diện tích nuôi thuỷ sản nằm sâu ở nội đồng và có hệ thống cống thuỷ lợi tiểu vùng Nam Cà Mau, thuận lợi cho phát triển mô hình luân canh lúa - tôm kết hợp.

Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nông dân các xã, thị trấn có diện tích nuôi thuỷ sản nằm ven theo tuyến sông Bảy Háp và tuyến sông Cái Nước - Cà Mau duy trì thả nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được hơn 3.000 ha, chiếm 1% so với tổng diện tích nuôi thuỷ sản trên địa bàn huyện.

img

Huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau có hơn 3.000 ha sò huyết thả nuôi xen canh trong vuông tôm. Triều cường cũng mang lại nhiều lợi ích cho nuôi thuỷ sản, giúp độ mặn tăng cao và bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên cho sò huyết nuôi xen canh trong vuông tôm...

Hộ ông Nguyễn Hoàng Tới, ấp Khánh Tư, xã Ðông Thới, có thâm niên áp dụng mô hình nuôi tôm, cua và sò huyết kết hợp. 

Ông Tới cho biết, những tháng mùa mưa, độ mặn trong vuông tôm thường xuyên hạ thấp, không thuận lợi cho các loài thuỷ sản phát triển, trong đó có sò huyết thả nuôi xen canh trong vuông tôm. 

Vào giai đoạn mùa mưa, sò huyết thả nuôi xen canh trong vuông tôm chậm lớn, thậm chí có thể xảy ra thiệt hại do độ mặn giảm sâu và các yếu tố môi trường biến động. 

Nhưng kể từ tháng 10 âm lịch trở về cuối năm, lượng mưa bắt đầu giảm dần, kết hợp với triều cường trên sông thường xuyên dâng cao, nâng độ mặn trong vuông tôm tăng trở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho sò huyết nhanh lớn, thu hoạch đạt năng suất cao và hạn chế xảy ra rủi ro thiệt hại.

Ông Mai Quang Lộc, ấp Nhà Thính A, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Gia đình tôi duy trì hơn 1 ha và thả nuôi theo hình thức luân canh gối vụ, lúc nào trong vuông tôm cũng có sò huyết thương phẩm sẵn sàng cho thu hoạch. 

Thời gian sò huyết phát triển nhanh lớn thường tập trung vào cao điểm của triều cường, do nguồn nước sông dâng cao, kèm theo lượng lớn phù sa với nhiều sinh vật phù du, bổ sung nguồn thức ăn. Vì vậy, cứ có triều cường, nông dân tranh thủ lấy nước ra vào vuông. Nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm một vốn có thể thu về hơn bốn lời, trở thành mô hình sản xuất hiệu quả nhất ở địa phương”.

Ông Lâm Hoàng Kiếm, Phó chủ tịch UBND xã Ðông Thới, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) cho biết, trên địa bàn xã có tổng diện tích nuôi thuỷ sản hơn 2.000 ha, trong đó có hơn 1.000 ha thả nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm. 

Bên cạnh lợi thế là địa phương nằm ven sông, có biên độ thuỷ triều dao động lớn, thuận lợi cho thuỷ sản phát triển. Mỗi khi triều cường, thiên nhiên lại ban tặng lượng lớn phù sa bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên giúp sò huyết phát triển nhanh, thu hoạch đạt năng suất, mang lại thu nhập khá, nên đời sống người dân không ngừng cải thiện và nâng cao.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, triều cường năm sau dâng cao hơn năm trước, nông dân cần nhanh chóng thích ứng và khai thác những mặt lợi ích của triều cường, góp phần đưa nghề nuôi thuỷ sản ngày một phát triển hơn.