Tôi thắc mắc. Mẹ cầm mớ sả nhà trồng trên tay giải thích, ngày xưa người ta vẫn hay gọi các loại cá nhỏ ấy là cá hủn hỉn. Tuy nhỏ bé, quê mùa vậy mà hương vị hủn hỉn ấy là một phần ký ức đẹp của những người con xa xứ, dẫu có đi đâu cũng… nhớ về!
Có xa lạ gì đâu, vẫn là những con cá đồng nhỏ xíu, cá lộn xộn nhiều thứ trộn vào nhau đấy thôi, nhưng chị em tôi lại thích thú với tên gọi “hủn hỉn”.
Cũng ngộ, cứ để cá lòng tong, cá rô be bé, cá sặc con hay tép bạc nhỏ rí thôi mà khi người ta trộn vào nhau đem kho thì có ngay tên gọi khác - cá hủn hỉn.
Thế rồi, khi nghe mẹ kể về tuổi thơ của mình, mấy anh, chị em gắn bó với nồi cá kho hủn hỉn thế nào, tôi thấy thương sao tên gọi ấy, tuy hủn hỉn có chút quê mùa, mộc mạc nhưng là món ăn ngon, “thịnh soạn” của những chiều quê vất vả.
“Thời buổi khó khăn, những ngày “thắng” lớn của ông ngoại là khi đặt lọp, thả lưới được mớ cá, tôm cỡ lớn để chạy chợ buổi sớm mai.
Còn ít cá nhỏ lộn xộn, bà ngoại cặm cụi ngồi gỡ cẩn thận vì đó là món ăn ngon quen thuộc của cả nhà. Lượm lặt, sàng lọc mấy cọng rau vụn vặt, mớ cá hủn hỉn được bà ngoại mang làm rồi rửa sạch một cách thuần thục.
Cá hủn hỉn ở An Giang cũng như nhiều tỉnh miền Tây là cách dân gọi mớ cá đồng gồm nhiều loài cá như cá bống, cá sặc, cá rô đồng, cá lòng tong, kèm cả tép đồng...
Chẳng mấy chốc, chái bếp sau hè đã đỏ lửa. Bữa cơm nghèo tuy chỉ đơn giản là nồi cá hủn hỉn kho tiêu, ăn kèm với ít rau đồng ông ngoại hái cặp bờ đê vậy thôi mà nhanh chóng hết sạch nồi cơm.
Mấy chị em tranh nhau ăn, ông, bà ngoại sợ bị mắc xương nên lúc nào cũng dặn các con cẩn thận” - vừa bằm tỏi, ớt trộn vô nồi cá hủn hỉn, ký ức quê lại hiện về bên mẹ.
Giờ tôi mới biết, cá hủn hỉn không phải là tên gọi của một loài cá nào mà là sự tổng hợp của nhiều loài cá nhỏ, vụn vặt, như: cá lòng tong, cá lia thia, cá sặc con, cá rô con...
Khi người ta đem những con cá to, ngon ra chợ bán thì phần còn lại là cá hủn hỉn. Có thể ngày xưa nó “rẻ bèo” nên dù có mang ra chợ bán cũng chẳng được bao nhiêu nên hủn hỉn vì thế trở nên quen thuộc, gần gũi với các gia đình quê là vậy.
Nay, chợ quê đã góp mặt rất nhiều những loại cá nhỏ xíu như đã kể, nhưng ít ai trộn chung để bán một giá lắm.
Cá bống rẻ gì cũng 100.000 đồng/kg, cá sát nhỏ đã 130.000 đồng/kg, cá lòng tong 70.000-80.000 đồng/kg.
Quả thật, giá không hề rẻ, chẳng bù với ngày xưa, những loại cá nhỏ ấy nhiều người chê!
Mỗi khi mẹ muốn ăn lại vị cá hủn hỉn xưa, tôi phải mua mỗi thứ một ít về trộn vào nhau để kho.
Hương vị vẫn vậy nhưng khác chăng là giờ đây mấy anh, chị em của mẹ mỗi người một nơi, ký ức quê hiện về làm mẹ chạnh lòng nhớ những ngày thơ bé. Cá gì mà làm người ta nhớ quay quắt đến thế, chỉ có thể là cá hủn hỉn - tôi trộm nghĩ!
Vị cá hủn hỉn luôn làm người ta thương nhớ bữa cơm quê ở miền Tây sông nước.
Xấu xí, quê mùa vậy nhưng qua bàn tay chế biến của mẹ thì hương vị đậm đà khó quên với những món ngon độc đáo. Mẹ nói, cá hủn hỉn có thể làm được nhiều món lắm, nào là kho mắm, kho nghệ, kho nước cốt dừa… nhưng ấn tượng nhất vẫn là món cá hủn hỉn kho tiêu. Cá càng ngon hơn khi được kho trong ơ đất.
Bao nhiêu vị ngọt từ sông nước miền Tây, từ vị cay nồng của tiêu, ớt, lẫn vào vị thơm của hành, tỏi được nấu trên ơ đất mộc mạc thì nồi cá hủn hỉn không thua kém bất cứ món “sơn hào, hải vị” nào! “vào những chiều mưa dầm, bà ngoại mà mang cá hủn hỉn làm sạch, ướp với tỏi bằm, đường, nước mắm, bột ngọt, tiêu xay rồi để lửa liu riu thì bụng cả nhà lại “đánh trống” sôi sục.
Khi nồi cá chín, bà cho thêm một ít tóp mỡ, thêm ít hành, ớt, vài muỗng nước cơm chắt để tăng vị béo, cay nồng của cá. Bữa cơm chiều mưa giản đơn vậy mà ấm lòng vô cùng!” - mẹ tôi nhớ lại.
Cá hủn hỉn kho tiêu... một món ăn rất đơn sơ và giản dị nhưng thú vị vô cùng. Chả trách vì sao cái hương vị hủn hỉn cứ làm bồi hồi, níu lòng biết bao người con chốn quê xưa!