Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và trải qua nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên, đến nay, nông dân Đỗ Văn Được (52 tuổi, tổ dân phố thôn Thạch Bi 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã thành công với mô hình nuôi cá mú Trân Châu.
Ông Được, nông dân nuôi cá mú đặc sản ở lồng bè, tổ dân phố thôn Thạch Bi 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) kiểm tra cá mú Trân Châu. Ảnh: TTXVN phát.
Sinh ra lớn lên ở vùng quê nghèo Sa Huỳnh, ông Được phải đi làm thuê cho các chủ tàu cá để lo cho gia đình.
Nhận thấy đầm nước mặn Sa Huỳnh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, năm 2000, vợ chồng ông mạnh dạn vay vốn để mua lồng bè nuôi cá bớp thương phẩm.
Qua vài năm thành công với mô hình này, ông Được đã mở rộng quy mô nuôi trồng. “Ban đầu, tôi chỉ làm 2 lồng bè vì chưa có kinh nghiệm, kinh phí. Khi đã có đủ các nguồn lực, tôi mở rộng quy mô 10 lồng bè rồi tăng lên 26 lồng”, ông Được cho hay.
Tuy nhiên năm 2015, do đầm nước mặn Sa Huỳnh bị ô nhiễm, cá bớp chết hàng loạt. Thời điểm đó, ông Được đã tìm hiểu, nghiên cứu mô hình nuôi trồng thủy sản của các nông dân tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.
Nhờ sự hỗ trợ của ông Được, đến nay khu vực đầm nước mặn Sa Huỳnh có hàng trăm hộ dân nuôi thủy sản lồng bè. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN.
Sau thời gian tìm tòi, ông quyết định chuyển qua nuôi cá mú Trân Châu thương phẩm. Theo ông Được, để nuôi cá mú đạt hiệu quả cao cần phải cho cá ăn đúng, đủ và thường xuyên vệ sinh lồng bè, sử dụng máy tạo thêm oxy.
“Cá mú Trân Châu thịt thơm, ngon, màu sắc đẹp, lớn nhanh và có khả năng chống chịu tốt với sự thay đổi môi trường.
Hiện tại, tôi có 26 lồng, bình quân mỗi lồng thả nuôi 500 con, sau 10 tháng thì xuất bán. Với giá dao động từ 200 - 240 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi có thể thu về gần 1 tỷ đồng”, ông Được chia sẻ.
Bên cạnh việc nuôi cá mú thương phẩm, ông Được còn khai thác, buôn bán tôm hùm giống.
Ông Được tâm sự, là người con của biển, ông biết các ghềnh đá tại cửa biển Sa Huỳnh là nơi tôm hùm thường đến trú ẩn, sinh sản.
Do đó, ông đã mua tàu cá công suất nhỏ để cùng các bạn tàu đi lặn, khai thác tôm hùm giống. Nghề này mang lại thu nhập cao cho bạn thuyền (bình quân mỗi người thu về 2 triệu đồng/đêm) nhưng rất vất vả vì phải ngâm mình trong nước biển cả đêm.
Đồng thời, do đặc tính sinh sản, phát triển của tôm hùm nên mỗi năm chỉ có thể khai thác trong 3 tháng (tháng 10, 11, 12 Âm lịch).
“Không chỉ trực tiếp khai thác, tôi còn nhận thu mua tất cả tôm hùm giống do ngư dân khai thác được. Tuy nghề này chỉ làm trong 3 tháng nhưng tôi có thể thu về khoảng 500 triệu đồng mỗi năm”, ông Được tiết lộ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Được còn tận tình tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho người dân địa phương.
Nhờ đó đã có 30 hộ nghèo được ông hỗ trợ vốn, con giống tạo điều kiện cùng phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Ngoài ra, gia đình ông Được luôn đi đầu trong đóng góp ủng hộ các phong trào, hoạt động như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo...
Lồng bè nuôi cá đặc sản-cá mú Trân Châu thương phẩm của gia đình ông Được, nông dân tổ dân phố thôn Thạch Bi 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: TTXVN phát.
Anh Hồ Văn Dũng (thôn Thạch Bi 2, phường Phổ Thạnh) cho biết, trước đây, gia đình anh rất khó khăn, phải đi làm thuê khắp nơi, con cái có nguy cơ bỏ học. Ông Được đã hỗ trợ anh làm lồng bè để nuôi cá mú thương phẩm. Sau 3 năm cố gắng, anh đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện lo cho các con học tập.
Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi)-ông Lê Minh Phụng cho hay, ông Đỗ Văn Được là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên. Ông không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi người cùng phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ sự hỗ trợ của ông Được đến nay, phường Phổ Thạnh đã hình thành mô hình nuôi cá mú thương phẩm trong lồng bè với sự tham gia của hàng trăm hộ dân. Ông Được đã nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của chính quyền, hội, đoàn thể. Đặc biệt năm 2024, ông Được là một trong những nông dân được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.