Dân Việt

Dự kiến sẽ thành lập Bộ Dân tộc - Tôn giáo

Minh Huệ 30/12/2024 14:32 GMT+7
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, thời gian tới, một phần chức năng nhiệm vụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và một phần chức năng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ là mảng tôn giáo sẽ sáp nhập vào Ủy ban Dân tộc. Dự kiến sẽ thành lập Bộ Dân tộc-Tôn giáo.

Tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Hà Nội sáng nay (30/12), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, thời gian tới, một phần chức năng nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một phần chức năng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ là mảng tôn giáo sẽ sáp nhập vào Ủy ban Dân tộc. 

Dự kiến sẽ thành lập Bộ Dân tộc - Tôn giáo, theo đó sẽ tích hợp chức năng nhiệm vụ về chính sách dân tộc và miền núi, chính sách tôn giáo và chính sách liên quan đến giảm nghèo. 

Dự kiến sẽ thành lập Bộ Dân tộc - Tôn giáo- Ảnh 1.

Sáng 30/12, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trên tinh thần bộ máy mới tinh gọn và hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, bộ máy mới, bộ mới sau sắp xếp phải sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ mới. Việc này có điểm thuận lợi, nhưng cũng có điểm vất vả hơn do khối lượng công việc nhiều hơn và cũng sẽ có những biến động nhất định trong quá trình sắp xếp.

"Mô hình này cũng sẽ được triển khai nhanh, trước tháng 2/2025 là phải sắp xếp xong. Bộ mới sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Hai chương trình này có rất nhiều hợp phần liên quan và liên kết hữu cơ với nhau vì mục tiêu chung đều là xóa nghèo, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm các điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Việc nhiều hơn, tuy nhiên chúng ta có thuận lợi là nguồn lực cho các chương trình sẽ tăng lên. Khi hình thành bộ mới, cần tổ chức Hội nghị tích hợp các nội dung chung của 2 chương trình này, trong đó phải xác định rõ yêu cầu về chuẩn bị cho nội hàm giai đoạn tới như thế nào của cả 2 chương trình, bảo đảm thực chất, hiệu quả, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Dự kiến sẽ thành lập Bộ Dân tộc - Tôn giáo- Ảnh 2.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 53 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tiếp tục đề cập tới các nhiệm vụ đối với công tác dân tộc thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải xác định quyết tâm và trách nhiệm chính trị rất cao. Đường lối, cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN rất nhiều, nguồn lực đầu tư cũng rất lớn và nhiều mà chúng ta không làm gì được ra tấm ra món cho bà con là một sự thiếu sót. Tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của chúng ta phải cao hơn nữa; khi nào chúng ta không tâm huyết, không trăn trở, không thấy được sự nghèo khổ, lạc hậu của đồng bào là lỗi của chính chúng ta". 

Theo Phó Thủ tướng, trình độ, kinh nghiệm và năng lực có thể được bồi dưỡng qua thời gian, qua sự lăn lộn trong thực tế, nhưng sự tận tâm, tận tuỵ với đồng bào phải do mỗi người, đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác dân tộc miền núi phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm hơn nữa.

Năm 2025 phấn đấu phải làm xong được nhà cho người nghèo bằng mọi sự nỗ lực và cố gắng; đồng thời năm 2025 phải tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I và chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn II của Chương trình, dứt khoát không còn nợ đọng nhiệm vụ nào của giai đoạn I. 

Bên cạnh đó, năm 2025 Ủy ban Dân tộc cần tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân các Chương trình MTQG; sớm bố trí vốn trong năm 2025 cho các địa phương, tuy vậy “có tiền rồi thì phải tiêu cho được, tiêu cho đúng” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý. 

Theo đó, nguồn lực bố trí thực hiện các Chương trình MTQG phải có trọng tâm, trọng điểm để làm “ra tấm ra món”, không dàn trải mặc dù thực tế ở khu vực dân tộc miền núi cái gì cũng cần, từ giáo dục, y tế, văn hóa tới khoa học công nghệ,... 

Cái gì tốt cho đồng bào thì chúng ta làm; thậm chí có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ chứ không chỉ là hộ nghèo, cận nghèo để việc thoát nghèo thực sự bền vững. 

Ủy ban Dân tộc cần rà soát, tổng kết, đáng giá để xây dựng được danh mục công trình, dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn tới để tập trung nguồn lực, phát huy hiệu quả.

Các Bộ, ngành phải có trách nhiệm chung tay với Ủy ban Dân tộc, các địa phương để triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc... Không được xem nội dung công việc này là của riêng Ủy ban Dân tộc, các địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng mong muốn các cơ quan chức năng, các điạ phương tổng hợp, nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS ra các địa phương, địa bàn khác của vùng để cùng học tập, ứng dụng, áp dụng và phát huy.

Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt của vùng đồng bào DTTS&MN. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS&MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm.

Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.