Nông dân An Giang kiến nghị về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: An Giang quan tâm tới chính sách 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Hồng Cẩm ghi
Thứ hai, ngày 30/12/2024 07:00 AM (GMT+7)
Ngày 31/12 tới, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 chính thức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, kết nối tới các điểm cầu cả nước. Trước thềm hội nghị, ông Lê Phước Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang kiến nghị chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao...
Theo ông Lê Phước Dũng, chủ trương đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là rất phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, do phần lớn trước đây nông dân sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; chất lượng sản phẩm chưa cao; thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ, chưa thiết lập được nhiều chuỗi giá trị về ngành hàng nông nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp nên sản phẩm sản xuất ra có tính cạnh tranh và hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, một vài nơi người dân sản xuất tự phát không theo quy hoạch và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, sản xuất không theo nhu cầu thị trường nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Việc hình thành các vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa giúp tổ chức lại khâu sản xuất, tạo mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ và sản xuất theo chuỗi giá trị; với diện tích sản xuất quy mô lớn sẽ dễ dàng ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao từ đó nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh cho nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương.
Đồng thời, đề án sản xuất sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc, gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe xuất khẩu.
An Giang là tỉnh có diện tích đất trồng lúa lớn nhất cả nước với 230.000ha, sản lượng 4 triệu tấn/năm; 80% là lúa chất lượng cao. Phát huy lợi thế đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Thực hiện kế hoạch đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" tại tỉnh An Giang. Cụ thể, tỉnh sẽ phát triển 152.198ha lúa theo tiêu chuẩn lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, giúp hình thành, phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa.
Là tổ chức chính trị - xã hội của nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang tích cực tham gia vào đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong những năm tới.
Theo đó, năm 2024, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã lựa chọn 100 tổ hợp tác đủ điều kiện để giới thiệu tham gia thực hiện đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" tại tỉnh An Giang.
Đồng thời, chủ động phối hợp các sở, ngành đưa 26 sản phẩm nông nghiệp của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; lũy kế đến nay được 2.501 sản phẩm lên sàn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Hội Nông dân tỉnh An Giang xác định việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao là cơ hội để nông dân tỉnh An Giang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường, giảm dần các vật tư đầu vào, tăng hiệu quả trong sản xuất, thúc đẩy tư duy, tập quán sản xuất của người nông dân.
Đề án sẽ giúp cho ngành hàng lúa gạo của An Giang được ổn định, đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh và cả nước.
Để đề án triển khai hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân trong thời gian tới, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành cần rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo như đất đai, thuế, tín dụng... để các doanh nghiệp thuận lợi mở rộng đầu tư nhà máy chế biến nông sản.
Thực hiện Đề án cũng tạo điều kiện thuận lợi tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với HTX và nông dân theo mô hình 1 triệu ha... từ đó giúp nông dân, HTX mở rộng sản xuất theo quy mô lớn, giúp tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả...theo các tiêu chí của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trong thời gian tới.
Chính phủ cần ban hành cơ chế chính sách cụ thể cho từng đối tượng tham gia vào đề án nhằm khuyến khích, phát triển chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính Phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.