Dân Việt

Đây là giống cây ăn quả cổ xưa còn trồng ở Hòa Bình, dân xã này hái 1.000 tấn, hễ nói bán là hết veo

Đức Anh 31/12/2024 09:04 GMT+7
Trung tuần tháng 12, thời điểm chính vụ thu hái quýt cổ Nam Sơn tại xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình). Các nhà vườn trồng giống quýt cổ xưa này trên địa bàn xã "quên ăn, quên ngủ” để thu hoạch, đảm bảo cung cấp cho tư thương thu mua tận vườn.

Niên vụ 2024, các vườn trồng giống quýt cổ Nam Sơn ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) tiếp tục "được mùa, được giá”, người dân phấn khởi chuẩn bị đón một mùa Xuân mới no đủ, ấm áp.

Dọc con đường vào xóm Xôm, tấp nập xe tải mang biển kiểm soát của các tỉnh lân cận đến chở quýt cổ Nam Sơn về các chợ đầu mối tiêu thụ. 

Do cây có múi được trồng dọc theo sườn đồi nên việc thu hoạch của bà con có đôi chút khó khăn. Người dân phải sử dụng xe máy để tăng bo hàng tập kết tại các bãi đất trống, nơi được lựa chọn để đóng hàng bằng các thùng xốp 10kg, 20kg…

Ông Lương Đình Cương, tư thương ở chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết: "Hơn 10 năm thu mua hoa quả tại Hòa Bình, đây là lần đầu tiên tôi đến với các nhà vườn tại vùng cao Tân Lạc. Qua nếm thử cho thấy cây có múi trồng tại khu vực này có hương vị thơm mát, vị ngọt thanh. 

Hiện nay, giá thu mua tại vườn dao động khoảng 24.000 đồng/kg, cao hơn một chút so với các giống cam, quýt tại một số địa phương lân cận. 

Quá trình thu mua, tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm để các nhà vườn tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Hy vọng trong nhiều năm tới sẽ liên kết với địa phương để tiêu thụ sản phẩm cây có múi của bà con trên địa bàn”.

img

Vườn quýt cổ (giống quýt quý có từ xa xưa) của gia đình anh Bùi Văn Tuấn ở xóm Xôm, xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) dự kiến niên vụ 2024 cho thu nhập cao.

Tại nhà vườn quýt cổ của gia đình anh Bùi Văn Tuấn ở xóm Xôm cũng chất hàng hóa chờ tư thương vận chuyển. Hơn 15 người lao động tham gia các công đoạn từ thu hái, vệ sinh và đóng hàng. 

Niên vụ này, sản lượng vườn cây có múi của anh Tuấn đạt trên 30 tấn, giá thành bình quân đạt 35.000 đồng/kg, tổng thu ước đạt gần 1 tỷ đồng. Tư thương thu mua tận vườn đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. 

Anh Tuấn phấn khởi chia sẻ: "Hơn 10 năm trồng quýt cổ Nam Sơn, tôi đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý để phát triển mô hình. Hiện nay, quýt cổ Nam Sơn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người biết bởi mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, nhiều nước và hương thơm đặc trưng. 

Thời gian tới, gia đình có kế hoạch nhân rộng diện tích, tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời chú trọng thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm chuyên nghiệp, ấn tượng với khách hàng”.

Qua khảo sát tại các nhà vườn, năm nay quýt cổ Nam Sơn sai quả, mã đẹp. Chất lượng cũng được nâng cao sau nhiều năm người dân tích lũy kinh nghiệm chăm bón. 

Diện tích cây có múi trên địa bàn xã Vân Sơn hiện có trên 400 ha, trong đó quá nửa diện tích ở thời kỳ kinh doanh. Quýt cổ Nam Sơn bao gồm các giống quýt ngọt, quýt dẹt bánh xe… Cùng với đó, nhiều hộ thí điểm trồng các giống cam V2, đường Canh… để đa dạng mẫu mã sản phẩm.

Dự kiến niên vụ 2024, tổng sản lượng quýt cổ trên địa bàn ước đạt trên 1.000 tấn. Giá thành ổn định ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg, đầu vụ có thể lên tới 55.000 - 60.000 đồng/kg. So với mọi năm, việc tiêu thụ quýt cổ Nam Sơn thuận lợi hơn khi các tuyến đường liên thôn, xóm đã được đầu tư xây dựng. 

Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tư thương thu mua tại vườn. Bên cạnh đó, người dân tích cực quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube để mọi người biết đến nhiều hơn.

Đồng chí Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) khẳng định: "Quýt cổ là cây trồng chủ lực giúp bà con trên địa bàn từng bước giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo thống kê, thu nhập bình quân hiện nay ước đạt 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,7%, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích bà con mở rộng diện tích cây có múi theo quy hoạch chung. 

Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăm sóc để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Thành lập hợp tác xã nhằm tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ hàng hóa đảm bảo giá thành ổn định. Từ đó tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu quýt cổ Nam Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.