Dân Việt

Bước vào kỷ nguyên mới bằng cách mạng chuyển đổi số

Lê Thọ Bình 03/01/2025 06:16 GMT+7
Cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai, nơi người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, còn khoa học công nghệ là động lực cốt lõi thúc đẩy sự phát triển.

Chuyển đổi số - Chiến lược quốc gia hướng tới tương lai

Chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng công nghệ mà còn là cuộc cách mạng xã hội, văn hóa và tư duy. Sự tham gia đồng lòng của toàn dân và doanh nghiệp sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu này, đưa dân tộc ta vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".

Việc ra đời Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sự ưu tiên cao độ của Đảng và Nhà nước đối với chuyển đổi số và phát triển khoa học, công nghệ. Điều này tạo ra một cơ chế chỉ đạo tập trung, thống nhất, giúp thúc đẩy nhanh chóng các chính sách và chiến lược liên quan, đồng thời huy động tối đa nguồn lực quốc gia cho mục tiêu này.

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới bằng cuộc cách mạng chuyển đổi số - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết, trong đó chỉ rõ: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Ảnh: VGP

Điều đặc biệt đáng lưu tâm là quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta không chỉ là những "đường lối, chiến lược chung chung" mà là những mục tiêu rất cụ thể. 

Đến năm 2030, kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP; Dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ sử dụng của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%: Giao dịch không dùng tiền mặt: Đạt 80%; Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp; Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP): Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao: Tỷ trọng trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%.

Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, được coi như cánh cửa để đưa dân tộc vươn tầm khu vực và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng.

Năm bản lề của Chuyển đổi số

Năm 2025 được coi là mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn chuyển giao để đất nước chính thức bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số. Trong đó, hai mục tiêu trọng tâm là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Người dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là nhân tố chính tạo nên thành công của công cuộc chuyển đổi số. Việc nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng số, và đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới là mục tiêu hàng đầu. Đồng thời, việc xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện, từ dịch vụ công trực tuyến đến các nền tảng hỗ trợ đời sống hàng ngày, sẽ giúp người dân tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế số và xã hội số.

Doanh nghiệp là động lực then chốt của chuyển đổi số. Chính phủ đã và đang khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể. Từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đến việc xây dựng các khu công nghệ cao, Việt Nam đang tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và lan tỏa hiệu quả của chuyển đổi số.

Khoa học công nghệ – chìa khóa mở cửa tương lai

Trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, khoa học công nghệ được coi là chìa khóa quan trọng nhất. Việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, khuyến khích các sáng kiến đổi mới và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng bắt kịp và vượt lên trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), và blockchain không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, và khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực này.

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới bằng cuộc cách mạng chuyển đổi số - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Lê Thọ Bình. Ảnh: DV

Sự quan tâm và quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta đổi với Khoa học công nghệ cũng bằng những chỉ tiêu rất cụ thể đến năm 2030:

Chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển; Nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Đạt 12 người trên một vạn dân; Tổ chức khoa học và công nghệ: Có từ 40 - 50 tổ chức được xếp hạng khu vực và thế giới; Công bố khoa học quốc tế: Số lượng tăng trung bình 10%/năm; 

Đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế: Số lượng tăng trung bình 16 - 18%/năm; tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%; Cơ sở dữ liệu quốc gia: Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số; hình thành sàn giao dịch dữ liệu; An toàn, an ninh không gian mạng: Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Đảng đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đưa ra các chính sách đồng bộ và hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Sự quyết liệt và tầm nhìn chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư không chỉ tạo niềm tin cho toàn dân mà còn là động lực để các cấp chính quyền và doanh nghiệp cùng hành động.

Các chương trình, kế hoạch hành động từ trung ương đến địa phương đã được triển khai mạnh mẽ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương giúp tạo nên một hệ thống vận hành thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.