Tiền đạo Nguyễn Xuân Son - "Luồng gió mới" đúng lúc cho bóng đá Việt Nam
"Luồng gió mới" đúng lúc cho bóng đá Việt Nam
Phạm Trần Oánh
Thứ sáu, ngày 27/12/2024 19:29 PM (GMT+7)
"Luồng gió mới" đó chính là tiền đạo Nguyễn Xuân Son, người 5 năm trước đặt chân lần đầu tới Việt Nam với tên khai sinh Rafaelson Bezerra Fernandes, quốc tịch Brasil. Anh cũng là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử không mang dòng máu Việt Nam nhưng lại ra sân trong màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Nhớ lại cách đây 4 tháng, chính xác là ngày 22/8/2024, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết đã nhận được tờ trình về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với cầu thủ Rafaelson Bezerra Fernandes do Sở Tư pháp tỉnh Nam Định trình.
Trong lá đơn của mình, Rafaelson mong muốn được cống hiến cho đội tuyển quốc gia Việt Nam, và đề nghị lấy tên tiếng Việt là Nguyễn Xuân Son. Tối 20/9/2024, câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định thông báo đã hoàn thành thủ tục nhập tịch cho Rafaelson với tên tiếng Việt là Nguyễn Xuân Son.
Trở lại trận đấu bán kết lượt đi tối qua, 27/12, tuy gặp phải một số khó khăn, nhưng ĐT Việt Nam đã có 2 bàn thắng vào những phút bù giờ, giành chiến thắng trong trận bán kết lượt đi trước chủ nhà Singapore. Đóng góp vào chiến thắng quan trọng này là tiền đạo Nguyễn Xuân Son. Anh đã ghi bàn thắng ấn định tỷ số, và trước đó là pha gây sức ép, tạo ra tình huống dẫn đến quả penalty cho đội nhà.
Bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra nhiều tiền vệ giỏi, nhiều trung vệ "thép" nổi tiếng khu vực, nhưng tiền đạo xuất sắc thì nhiều thập niên nay không có. Chúng ta gần như chấp nhận việc không thể tồn tại tiền đạo nào hội tụ đủ những phẩm chất của một tay săn bàn hoàn hảo kiểu vừa sút tốt lại vừa đánh đầu giỏi, khéo léo, mạnh mẽ, tỉnh táo, thông minh, ngoài ra lại phải có tinh thần đồng đội, khả năng tạo cơ hội cho đồng đội ghi bàn...
Và đến nay, chúng ta thấy các phẩm chất đó ở Nguyễn Xuân Son, một "luồng gió mới" thực sự đúng lúc cho bóng đá Việt Nam, khi mà người hâm mộ đang cảm thấy lối chơi của Đội tuyển thiếu đi sự bùng nổ và sự đột biến cần thiết, kể từ sau khi HLV Park Hang – seo nói lời từ biệt.
Và giống như nhiều cầu thủ xuất sắc khác, dù ở cấp độ và mức độ khác nhau, kiểu như cách mà Maradona, Messi hay Ronaldo gây ảnh hưởng lên đội bóng mà họ phục vụ, Nguyễn Xuân Sơn không chỉ làm tốt vai trò của 1 tiền đạo, anh có ảnh hưởng rất nhiều tới lối chơi của cả đội. Sức ảnh hưởng lớn nhất tới các đồng đội và cách thức phối hợp của đội bóng đó là khi quả bóng được chuyền hướng đến vị trí của Nguyễn Xuân Son, anh rất ít khi để mất bóng.
Điều này giúp các đồng đội của anh dễ dàng hơn, tự tin hơn khi cầm bóng cũng như khi quyết định chuyền bóng cho anh. Sự có mặt của Xuân Son trên sân, nói một cách công tâm, đã làm thay đổi cách thức tổ chức các cuộc tấn công của ĐT Việt Nam, làm cho đội bóng có nhiều phương án tấn công hơn, các cuộc tấn công có uy lực hơn.
Thực tế việc các cầu thủ nhập quốc tịch của 1 quốc gia khác, thi đấu cho ĐT quốc gia là hiện tượng bình thường trong thế giới bóng đá. Nó tồn tại cả ở những quốc gia có nền bóng đá phát triển. Gần đây, trong khu vực Đông Nam Á, hiện tượng này đã trở thành một trào lưu, khi mà gần như đội bóng nào trong khu vực cũng có cầu thủ nhập tịch. Mà điển hình là các quốc gia như Indonesia, sau đó là Malaysia, Philippines…
Kết quả của trào lưu đó là các cầu thủ nhập tịch với chuyên môn cao hơn so với mặt bằng trình độ cầu thủ trong khu vực đã làm cho chất lượng của các ĐT quốc gia được nâng lên. Các giải đấu trong khu vực hấp dẫn hơn, chất lượng các giải đấu cũng được nâng cao hơn.
ĐT Việt Nam cũng không ngoại lệ, chúng ta cũng có những cầu thủ nhập tịch, mà điển hình là Nguyễn Xuân Son. Nhưng Nguyễn Xuân Son có khác biệt gì so với các cầu thủ nhập tịch khác trong khu vực?
Khi kết thúc trận đấu cuối cùng ở vòng bảng giữa ĐT Việt Nam và ĐT Myanmar, hậu vệ Soe Moe Kyaw của Myanmar đã tiến về phía Xuân Son nói một điều gì đó. Sau này tiền đạo ĐT Việt Nam tiết lộ: "Anh ta nói tôi không phải người Việt Nam".
Đây cũng là điều mà truyền thông các nước Đông Nam Á luôn nhắc tới khi nói về tiền đạo này của ĐT Việt Nam. Họ cho rằng các cầu thủ nhập tịch của các quốc gia khác trong khu vực có thể được sinh ra, lớn lên, được đào tạo bóng đá ở nơi khác, nhưng họ đều là những người có gốc gác, có một phần dòng máu của quốc gia mà họ khoác áo đội tuyển. Còn Nguyễn Xuân Son tức Rafaelson thì khác biệt, vì anh sinh ra ở Brasil, trong người không có chút nào của dòng máu Việt Nam.
Quả thật, sự khác biệt đó là chính xác. Nhưng còn có một sự khác biệt khác, ít được nói tới nhưng lại rất quan trọng. Đó là cách mà các cầu thủ nhập tịch đến với ĐTQG của mình.
Rất nhiều các cầu thủ nhập tịch có gốc gác dân tộc nhưng sinh ra, lớn lên, được đào tạo ở nước ngoài đang thi đấu cho các ĐTQG trong khu vực đến với ĐTQG của họ bằng cách chấp nhận lời mời của LĐBĐ quốc gia, xin phép CLB chủ quản nơi họ đang thi đấu, và thường là ở Châu Âu, để về thi đấu cho ĐTQD. Rồi sau các trận đấu của ĐTQG mà họ vừa nhập tịch, họ lại trở về với CLB, với gia đình, với quốc gia, nơi họ vẫn đang sinh sống.
Còn Nguyễn Xuân Son thì sao?
Là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, mọi cầu thủ đều muốn tìm cho mình một môi trường thi đấu phù hợp, nơi họ có thể phát triển sự nghiệp và mang lại thu nhập cao. Bằng một nhân duyên nào đó, Rafaelson đã lựa chọn Việt Nam.
Nhưng không chỉ bằng môi trường bóng đá, mà phải là bằng cả môi trường xã hội, bằng cách mà con người đối xử với con người trong cuộc sống đời thường, mới khiến cầu thủ này quyết định lựa chọn Việt Nam để gắn bó cuộc sống lâu dài, chọn Việt Nam làm nơi "an cư, lạc nghiệp", nơi sinh sống của gia đình anh, nơi con anh lớn lên với tư cách một công dân Việt Nam. Và sau mỗi trận bóng đá, nơi anh trở về là căn nhà ấm cúng của gia đình anh ở tại quê hương Việt Nam... Đó mới là sự khác biệt nên nói đến.
Trở lại câu chuyện cầu thủ Myanmar có thái độ khiêu khích sau trận đấu, Nguyễn Xuân Son đã đáp lại: Nhưng tôi yêu đất nước này. Trả lời phỏng vấn, anh nói thêm: "Tôi có 5 năm gắn bó với gia đình tại đây. Do đó, tôi coi Việt Nam là quê hương mình. Tôi cảm thấy thoải mái và hy vọng có thể cống hiến sức lực cho đất nước và đội tuyển quốc gia Việt Nam". Chúng ta cảm nhận được tình cảm và nỗ lực cống hiên đó qua cách cầu thủ này thi đấu cho ĐTQG, cảm nhận được sự tự hào của cầu thủ này khi được khoác trên mình chiếc áo đại diện cho đất nước Việt Nam.
Không cần bạn sinh ra ở Việt Nam, chỉ cần bạn sống ở đây, yêu đất nước này, coi đây là quê hương, sẵn sàng cống hiến cho quê hương đất nước này, dù bạn là cầu thủ bóng đá hay nhà toán học, là doanh nhân hay bác sỹ cứu người, bạn vẫn là người Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.