Dân Việt

Ở ngọn núi nổi tiếng An Giang, lên tới nơi thấy loại rau đặc sản leo giàn này treo lủng lẳng trái mọng nước

Thanh Tiến 03/01/2025 05:36 GMT+7
Những tháng cuối năm, nhà vườn trên núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lại tất bật với vụ thu hoạch nông sản. Trong đó, những giàn su được xem như rau đặc sản và là loại cây mang về thu nhập khá cho người dân.

Thu nhập đều đều

Những ngày đầu tháng Chạp, anh Lê Văn Dang (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn đang đều đặn thu hoạch những trái su su từ diện tích vườn hơn 5.000m2 của mình. 

Anh cho biết, su su là loại cây trồng phổ biến của nhà vườn núi Cấm, khá thích hợp với thổ nhưỡng của chốn non cao. 

Từ tháng 6 âm lịch, nhà vườn trên núi sẽ xuống giống su su. Khoảng 3 tháng sau, họ thu hoạch đợt trái đầu tiên. Đó cũng là thời điểm lượng khách lên núi Cấm ít đi, người dân lại nhờ trái su mà có nguồn thu ổn định.

“Trái su su đầu mùa giá cao, chừng 60.000 đồng/kg. Lúc đó, mình bẻ cử trái đầu cũng chưa được nhiều, tầm 30 - 40kg mỗi ngày. Đến tháng 10 âm lịch, su vào mùa thu hoạch rộ, mỗi vườn có thể bẻ vài trăm ký mỗi ngày. Càng về sau, sản lượng su tăng lên thì mức giá giảm xuống. 

Hiện nay, tôi bẻ cho bạn hàng với mức giá 30.000 đồng/kg, mỗi ngày 60 - 70kg thì nguồn thu vẫn ổn định” - anh Dang cho hay.

Theo lời anh Dang, cây su su với đặc tính dễ trồng, nhẹ công chăm sóc nên là ưu tiên hàng đầu của nhà vườn. 

Ngoài ra, do thị trường cũng khá ưa chuộng loại nông sản này, nên ít khi có hiện tượng “dội chợ”. Nếu thị trường trong tỉnh tiêu thụ chậm, bạn hàng sẽ vận chuyển đến những nơi khác xa hơn. Nhờ đó, sức mua vẫn ổn định, người trồng su cũng có nguồn thu đều đặn.

img

Mô hình trồng su su ở núi Cấm mang về thu nhập khá cho nhà vườn xã An Hảo, Tịnh Biên, tỉnh An Giang.


“Tôi cũng nhờ cây su su mà có cuộc sống cơ bản trong mấy tháng mùa mưa. Dân núi Cấm nếu không làm du lịch thì cũng tính đến chuyện làm vườn, mà chủ yếu họ trồng su. Tuy nhiên, người ta không thể trồng mãi loại cây này được. 

Đặc tính của cây su su là trồng nhiều vụ liên tiếp sẽ thoái hóa, dễ bị bệnh, năng suất giảm, thậm chí là mất trắng. Do đó, nhà vườn chỉ trồng được chừng 3 - 4 năm, buộc phải chuyển sang cây khác” - anh Dang thật tình.

Bên cạnh việc bán trái su su cho bạn hàng, anh Dang cũng sẵn sàng phục vụ du khách khi họ có nhu cầu vào tham quan, chụp ảnh hay hái su về ăn. 

Lúc đó, khách có thể hái vài ba ký, thậm chí hàng chục ký. Mức giá cao hơn đôi chút so với lệ thường, nhưng họ vẫn vui vẻ, bởi cảm giác được hái những trái su su non, xanh mơn mởn từ vườn luôn mang đến cảm giác rất thú vị.

img

Trái su su núi Cấm, xã An Hảo, Tịnh Biên, tỉnh An Giang được mang đi tiêu thụ khắp nơi trong, ngoài tỉnh

Trồng su su leo giàn-loại cây đặc sản.

Không chỉ là cây mang đến giá trị kinh tế khá, su núi Cấm còn là loại đặc sản được người tiêu dùng ưa thích. Du khách đến núi Cấm, ít nhiều đều muốn thưởng thức một dĩa su luộc chấm chao. Mà phải là trái su su non, thơm ngọt vị thổ nhưỡng chốn non cao hòa lẫn chất mặn mòi đặc trưng của chao. Nếu không đến núi Cấm, khách hàng cũng hay mua loại trái này từ các bạn hàng phân phối đi khắp nơi.

Chị Trần Thị Mỹ Linh, chủ vựa nông sản Tư Ân nằm dưới chân núi Cấm, cho hay: “Đầu mùa su su, tôi thu mua tầm 300 - 400kg một ngày. Đến vụ su đổ nụ nhiều, mình có thể thu mua 600 - 700kg/ngày. 

Đầu mùa, tôi chở su su đến các chợ đầu mối trong tỉnh tại Tri Tôn, Châu Đốc để sang lại cho mấy mối quen. Ngoài ra, cũng có những bạn hàng mua su đem về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Khách hàng mua su nói người tiêu dùng rất thích su núi Cấm, nhất là su non, với hương vị thơm ngọt đặc trưng. Chỉ cần luộc lên, chấm với muối ớt hay nước chấm là đã rất ngon”.

Theo lời chị Mỹ Linh, trái su su còn có thể chế biến nhiều món ăn khác, như hầm thịt, xào trứng, xào thịt bò, nấu canh… 

Không chỉ trái, mà đọt su cũng có thể dùng chế biến các món xào hoặc luộc ăn khá ngon. 

Tuy nhiên, nhà vườn núi Cấm chủ yếu bán trái su su, phải đến cuối vụ, họ mới ruộng dây su và thu hoạch đọt su su bán ra thị trường.

Có trực tiếp nếm trái su su non núi Cấm, thực khách mới cảm nhận được vị ngon ngọt đặc trưng. Nhiều du khách quanh năm ở phố, về đến núi Cấm cứ nhất quyết tìm cho được trái su luộc để thưởng thức. Do đó, ngành du lịch cũng đưa món ăn này vào thực đơn phục vụ khách đến với núi Cấm, bên cạnh những loài vật đặc trưng của Thiên Cấm Sơn như cua núi, ốc núi...

Là loại nông sản đặc trưng của núi Cấm và mang lại giá trị kinh tế khá, cây su su cần được ngành chuyên môn quan tâm, hỗ trợ để phát triển theo hướng phục vụ du lịch, đa dạng hóa đầu ra để nhà vườn núi Cấm khai thác tối đa hiệu quả kinh tế từ loài cây này để gia tăng nguồn thu, nâng cao đời sống.

Ngoài trái su, nhà vườn núi Cấm, xã An Hảo, TX Tịnh Biên (tỉnh An Giang) còn trồng các loại nông sản đặc trưng để cung cấp cho thị trường, như: Bơ, dâu, sầu riêng, khoai lùn tròn, măng… tất cả đều mang hương vị đặc trưng, được thực khách gần xa yêu thích và tìm mua khi có dịp đến với vùng Bảy Núi.