Dân Việt

Mưa lớn kéo dài, sạ lúa đông xuân mấy lần không xong, nông dân Bình Định lo lắng

Quy Nhơn 03/01/2025 11:24 GMT+7
Gần đây, mưa lớn kéo dài tại Bình Định đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Ngập úng do mưa lớn, đúng lúc gieo sạ vụ đông xuân khiến người nông dân buồn bã, tốn kém vì "sạ đi sạ lại", có người sạ đến lần thứ 3 vẫn còn nơm nớp sợ chết giống.

Mệt mỏi vì giống vừa gieo sạ đã chết

Nông dân Lê Xuân Ngọc Hậu (50 tuổi, thôn Bình Lâm, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, Bình Định) có 4 sào ruộng. Hôm 10/12 sạ đợt đầu, khi vừa xuống giống thì gặp mưa lớn kéo dài khiến ruộng bị ngập trắng, 40 kg giống bị cuốn trôi và hư hỏng.

"Gia đình mới xuống giống tiếp ngày 22, nhưng lại gặp mưa lớn nữa, giờ ruộng cũng chìm trong biển nước. Hai vợ chồng tranh thủ trời ngớt mưa ra đắp lại bờ để giống khỏi trôi, giữ được hạt nào thì giữ, nhưng thấy tình hình còn mưa tiếp như này nếu ngập 3 - 4 hôm nữa thì cũng bỏ không", ông Hậu nói.

Nông dân Bình Định buồn bã, tốn kém…. vì “sạ đi sạ lại” - Ảnh 1.

Nông dân Bình Định tranh thủ sạ lại sau khi đồng ruộng rút nước. Ảnh: QN.

Nông dân Trần Đình Sửu (64 tuổi) ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa cũng thê thảm không kém. Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Sửu đã phải sạ lại giống lần thứ 3 vào ngày 25/12 nhưng chỉ 4 ngày sau, khi mầm lúa vừa mới nhú thì trời lại mưa, nước từ thượng nguồn đổ về mấp mé bờ ruộng. Ông Sửu lo nếu ruộng tiếp tục bị ngập thì sạ lại giống lần thứ 4 là khó tránh khỏi.

Hai lần sạ trước đó, ông Sửu đã mất khoảng 140kg lúa giống do ngập úng, riêng khoản lúa giống, ông đã mất gần 2,5 triệu đồng vì giá lúa giống năm nay khá cao, dao động từ 16.000 - 17.000 đồng/kg. Đó là chưa kể chi phí thuê máy làm đất, thuê công gieo sạ giống.

"Vụ đông xuân 2024 - 2025 nông dân quá vất vả, vì mưa muộn kéo dài, mệt mỏi vì phải sạ đi sạ lại nhiều lần, đã tốn chi phí lại mưa dầm, lạnh mà phải lặn lội cả ngày ngoài ruộng. Đến nay, trời vẫn âm u, có thể đổ mưa bất cứ lúc nào nên nông dân vẫn chưa yên tâm", nông dân Sửu than thở.

Trong khi đó, nông dân Trần Như (62 tuổi) ở thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) với vẻ mặt đầy lo lắng cho biết, sau khi sạ giống vào ngày 12/12 thì bị mưa làm mất giống. Đến ngày 25/12 ông làm đất gieo sạ lại lần 2, chỉ sau 4 ngày, nước lại tiếp tục dâng cao.

Nông dân Bình Định buồn bã, tốn kém…. vì “sạ đi sạ lại” - Ảnh 2.

Ngập ứng đúng lúc gieo sạ vụ đông xuân khiến người nông dân buồn bã, tốn kém vì “sạ đi sạ lại”, có người sạ đến lần thứ 3, vẫn còn nơm nớp lo mất giống. Ảnh: QN.

"Trước tình hình này, tôi phải dùng máy bơm nước từ ruộng ra để giống khỏi bị ngập chết và không ngừng theo dõi tình hình ngập úng để kịp thời ứng phó nhằm cứu giống. Giống lúa bây giờ có giá cao đã đành mà cũng khan hiếm lắm vì tại địa phương có rất nhiều diện tích phải sạ đi sạ lịa nhiều lần", ông Như nói.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định, mưa kéo dài trên diện rộng đã làm hơn 4.550ha lúa và rau màu vụ đông xuân 2024 - 2025 bị ngập úng, gây hư hại giống lúa. Trong đó, thị xã Hoài Nhơn có hơn 1.530ha, thị xã An Nhơn có hơn 323ha; huyện An Lão gần 38ha; huyện Hoài Ân 290ha; huyện Phù Mỹ 150ha; huyện Phù Cát 290ha; huyện Tuy Phước 120ha và huyện Tây Sơn hơn 500ha. Ngoài ra, mưa to còn làm sa bồi 1,6ha đất trồng lúa ở huyện miền núi An Lão; làm 32 con gia súc chết do rét lạnh; tróng đó có 18 con trâu và 14 con bò.

Hỗ trợ nông dân bị chết giống do đồng ruộng ngập nước

Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoài Ân cho biết, toàn huyện còn hàng chục hecta ruộng chưa thể gieo sạ vụ đông xuân 2024 - 2025 do ngập úng, chủ yếu ở các xã Ân Hảo Đông, Ân Phong và thị trấn Tăng Bạt Hổ.

Tại huyện Tuy Phước, ông Phạm Quang Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phước cho hay, tính đến nay, toàn huyện đã có 1.010ha/6.050ha lúa vụ đông xuân vừa gieo sạ bị mưa ngập, tập trung chủ yếu ở các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Hiệp và thị trấn Tuy Phước, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ nông dân. Mưa kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ lúa mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình canh tác, khiến nhiều diện tích lúa bị chết, phải gieo sạ lại.

Nông dân Bình Định buồn bã, tốn kém…. vì “sạ đi sạ lại” - Ảnh 3.

Những cánh đồng vừa được gieo sạ tại vùng nông thôn Bình Định. Ảnh: QN.

"Các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Hiệp và thị trấn Tuy Phước là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, nhiều diện tích bị thiệt hại trên 70%. Chính quyền và ngành chức năng đang đồng hành với nông dân trong công tác dự báo, nhưng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay thì nông dân vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn", ông Phạm Quang Ân cho biết.

Nông dân Bình Định buồn bã, tốn kém…. vì “sạ đi sạ lại” - Ảnh 4.

Nông dân Bình Định vất vả mùa vụ đông xuân năm nay. Ảnh: QN.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định, trước tình hình khó khăn này, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã có giải pháp hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại, đẩy nhanh tiến độ gieo sạ, để đảm bảo lịch thời vụ.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định đã yêu cầu các địa phương tổng hợp tình hình thiệt hại, để Sở đề xuất các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người dân theo các quy định tại Quyết định số 40 ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh Bình Định về hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai.