Một người Bắc Giang sáng chế máy tuốt lạc, máy sạ lúa giá hạt rẻ, cả làng phục lăn
Một người Bắc Giang sáng chế máy tuốt lạc, máy sạ lúa giá "hạt rẻ", cả làng phục lăn
Tuyết Mai
Thứ sáu, ngày 09/08/2024 18:54 PM (GMT+7)
Với niềm đam mê của mình, ông Thành, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) mày mò nghiên cứu, sáng chế máy nông nghiệp. Một số loại máy nông nghiệp do ông Thành sáng chế, chế tạo ra đáp ứng nhu cầu của người sản xuất như: máy sạ lúa, máy tuốt lạc... với giá thành thấp để người dân dễ dàng tiếp cận.
Nhận lời mời của ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc công ty TNHH Một thành viên cơ khí Tuyết Thành, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, (tỉnh Bắc Giang) chúng tôi tới thăm xưởng sản xuất máy nông nghiệp của công ty, tham quan mô hình lúa ném mạ khay theo hàng mà công ty đang thực hiện.
Năm 2008, ông Nguyễn Đức Thành mở xưởng và thành lập công ty. Ban đầu, công ty chuyên nhận sửa các loại máy cày, máy kéo, máy nông cụ...để phục vụ bà con nông dân trong vùng.
Thời gian sau, với niềm đam mê của mình, ông nghiên cứu, chế tạo, sáng chế ra một số loại máy phục vụ nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của người sản xuất như: máy sạ lúa, máy tuốt lạc... với giá thành thấp để người dân dễ dàng tiếp cận.
Năm nay, công ty nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm mô hình công cụ ném mạ khay theo hàng theo ý muốn của người sản xuất (hàng rộng - hàng hẹp), hay còn gọi là phương pháp hiệu ứng hàng biên.
Theo ông Thành, gieo sạ, cấy lúa hàng rộng - hàng hẹp đã có nhiều nơi thực hiện và đều được đánh giá kết quả tốt, song việc này áp dụng cho mạ ném khay chưa có nơi nào thực hiện. '
Chính vì vậy, vụ lúa mùa vừa qua, công ty đã tiến hành thử nghiệm cách làm này cho mạ ném khay. Đến nay, lúa đã cho thu hoạch và đem lại nhiều kết quả khả quan.
Ông Nguyễn Đức Thành, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) giới thiệu công cụ ném mạ khay theo hàng. Bên cạnh công cụ ném mạ khay, ông Thành đã sáng chế máy tuốt lạc, máy sạ lúa thành công.
Giới thiệu về cách sản xuất này, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, ông đã tận dụng các vật dụng trong sản xuất như vật liệu bằng gỗ, nhựa PVC, … thiết kế thành hình mái nhà làm khuôn cấy thay cho dây cấy như bà con vẫn sản xuất thông thường để điều chỉnh hàng rộng hàng hẹp theo ý muốn.
Khi sử dụng, bà con ném mạ vào máng trượt, mỗi người có thể mang theo từ 2 – 3 máng trượt cùng một lúc.
Mục đích của cách làm là cây lúa có khoảng cách phù hợp nhằm tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá để kích thích lúa phát triển nhanh, đẻ sớm và đẻ nhánh khỏe, do đó làm tăng số cây/khóm và tăng số hạt/bông. Đồng thời, với cách làm này cũng thuận lợi cho việc chăm sóc lúa, cây lúa ít bị sâu bệnh gây hại, và giảm lượng lúa giống.
Đánh giá về mô hình này, ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm KN nhận xét, phương pháp cấy lúa hàng rộng hàng hẹp đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất lúa và mang lại hiệu quả cao.
Công cụ do ông Nguyễn Đức Thành thiết kế để ném mạ khay theo hang theo ý muốn là ý tưởng hay, trong các vụ tiếp theo cần theo dõi và có những đánh giá để khuyến nghị cho bà con.
Hi vọng rằng, với niềm đam mê của mình, ông Nguyễn Đức Thành tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo và cho ra thị trường những loại máy nông nghiệp mới, những cách làm hay để bà con nông dân giảm được chi phí, rút ngắn thời gian lao động, vận dụng được vào thực tiễn sản xuất tại từng địa phương trong tỉnh cũng như cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.