Thưởng Tết luôn là một trong những chủ đề được người trẻ quan tâm hàng đầu vào dịp cuối năm. Đây không chỉ là phần thưởng ghi nhận sự nỗ lực của cả năm, mà còn là cơ hội để họ có thêm động lực làm việc và chuẩn bị cho các kế hoạch trong năm mới. Việc ngóng chờ thưởng Tết phản ánh kỳ vọng, nhu cầu tài chính, và thậm chí là sự nhìn nhận của họ về môi trường làm việc hiện tại.
Chị Phương Huyền (24 tuổi, Nam Từ Liêm) là nhân viên soạn đề thi tại một trung tâm giáo dục tư nhân ở Hà Nội. Công việc của chị chủ yếu là biên soạn và chỉnh sửa các bộ đề thi thử cho học viên, cũng như hỗ trợ các giảng viên trong việc xây dựng tài liệu giảng dạy. Khối lượng công việc lớn và áp lực cao, đặc biệt vào dịp cuối năm, chị Huyền luôn mong đợi vào khoản thưởng Tết như một sự ghi nhận cho những nỗ lực của mình.
Với mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng, khoản thưởng Tết có ý nghĩa quan trọng với chị Huyền, không chỉ giúp chị sắm sửa Tết mà còn hỗ trợ gửi quà biếu bố mẹ ở quê. Chị chia sẻ: “Công việc của mình đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, và áp lực thời gian rất lớn. Mình luôn hy vọng phần thưởng Tết sẽ xứng đáng với những cố gắng cả năm qua. Bản thân mình mong muốn nhận được ít nhất một tháng lương để trang trải chi tiêu dịp cuối năm”.
Theo chị Huyền, năm trước, trung tâm nơi chị làm việc có thưởng Tết bằng 50% tháng lương, kèm theo một phần quà là giỏ bánh kẹo. Tuy nhiên, năm nay, chị không khỏi lo lắng khi nghe đồng nghiệp bàn tán rằng trung tâm đang gặp khó khăn tài chính do số lượng học viên giảm. “Mình nghe nói có thể năm nay chỉ được thưởng tượng trưng thôi. Nếu điều đó thành sự thật thì thực sự rất buồn”, chị nói.
Ngoài công việc chính, chị Huyền còn nhận làm gia sư cho các học sinh trung học cơ sở để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, thời gian cuối năm quá bận rộn khiến chị phải tạm hoãn lịch dạy cho các lớp này. Chị Huyền bộc bạch: “Nếu không có khoản thưởng Tết, mình sẽ phải tiết kiệm tối đa, có khi phải nhịn ăn vài bữa để đảm bảo đủ tiền mua sắm quà Tết cho bố mẹ, tiền vé xe về quê, mua quần áo mới chơi Tết và một số khoản chi tiêu khác”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, một trong những điều khiến chị Huyền cảm thấy chạnh lòng là về cách tính thưởng của trung tâm. Chị tâm sự: “Thưởng Tết ở trung tâm thường không dựa trên hiệu suất làm việc cá nhân mà là mức chung áp dụng cho cả phòng. Dù mình làm nhiều hay ít thì cũng nhận được như nhau, điều đó đôi khi khiến mình mất động lực”.
Dù có thể thưởng Tết năm nay không như kỳ vọng, chị Huyền vẫn cố gắng giữ thái độ tích cực. Chị cho biết sẽ cân nhắc tìm một công việc khác trong năm mới nếu cảm thấy công việc hiện tại không còn mang lại sự hài lòng.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, chị Mai Lan (25 tuổi, Bắc Từ Liêm) - nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết, năm nay, bên cạnh một hộp quà Tết có chứa bánh, kẹo, mứt và một bữa liên hoan tất niên được công ty mời, chị Lan còn nhận được khoản thưởng Tết là 500.000 đồng sau một năm làm việc vất vả. Dù số tiền eo hẹp, chị vẫn cố gắng phân bổ sao cho hợp lý để có một cái Tết ý nghĩa.
“Tôi dự định dành phần lớn số tiền thưởng, cụ thể là 200.000 đồng để mua một giỏ quà Tết biếu bố mẹ. Dù bố mẹ tôi chưa bao giờ đòi hỏi nhưng tôi vẫn muốn mua vì đó như một cách thể hiện lòng hiếu thảo. Năm nay, tôi dự định đi xe máy về quê thay vì đi xe khách để tiết kiệm tiền vé xe. Nếu đi xe khách hết 120.000 đồng/lượt thì khi đi xe máy, tôi chỉ cần tốn 50.000 đồng/lượt để đổ xăng mà thôi.
Ngoài ra, Tết mà không có cành đào, cảm giác như thiếu một phần gì đó. Tôi dự định sẽ chi khoảng 100.000 đồng để mua một cành đào nhỏ xinh sau khi về quê để trang trí ở phòng khách. Năm nào bố mẹ tôi cũng bận rộn làm việc đến tận Giao thừa nên tôi sẽ chủ động đi mua đào về trang trí để ngôi nhà có thêm không khí Tết”, chị Lan nói.
Với 150.000 đồng còn lại trong khoản thưởng Tết năm nay, chị Lan nói sẽ giữ lại số tiền này để tự thưởng cho bản thân một món ăn nhẹ và thức uống yêu thích sau một năm làm việc vất vả. Chị chia sẻ: “Đây là cách để mình tự động viên bản thân. Với mình, thưởng Tết dù ít hay nhiều cũng chỉ là một phần. Tự bản thân phải tạo ra niềm vui và hạnh phúc thì Tết mới thực sự trọn vẹn”.
Còn chị Minh Anh (23 tuổi, Nam Từ Liêm), làm việc tại một công ty truyền thông chuyên mời các hot boy, hot girl về livestream trên mạng xã hội TikTok để người xem có thể tặng quà ảo, vừa nhận được khoản thưởng Tết 200.000 đồng. Với chị Minh Anh, đây là số tiền khiêm tốn, nhưng là cơ hội để tạo dựng thói quen tài chính vững chắc.
Chị quyết định không tiêu xài mà dành toàn bộ số tiền này để “đút lợn đất”. Đối với chị, việc tiết kiệm dù chỉ là một khoản nhỏ như thế này cũng quan trọng vì nó tạo ra cảm giác an toàn tài chính và có thể giúp chị chuẩn bị cho những chi tiêu quan trọng hơn trong tương lai.
“Tôi không chạy theo những món đồ Tết đắt tiền hay những cuộc vui chơi xả stress như nhiều người khác mà thay vào đó, tôi cảm thấy hài lòng khi biết rằng mình đang giữ cho mình một thói quen tài chính tốt”, chị Minh Anh bộc bạch.